Từ lớp trí thức trẻ đầu tiên
Tính đến năm 1975, đã có 114 học sinh là con em các đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên - Huế được ra miền Bắc xã hội chủ nghĩa học tập. Một số người trong số đó sau này còn được sang Liên Xô học tiếp. Bên cạnh đó, ngay tại các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), những cán bộ cách mạng cũng đã đào tạo hàng trăm học viên là con em đồng bào dân tộc thiểu số Thừa Thiên - Huế đọc thông, viết thạo cả tiếng dân tộc và tiếng phổ thông.
Từ sau năm 1975 đến nay, ngành GD-ĐT huyện A Lưới có bước chuyển quan trọng. Toàn huyện có 25/48 trường đạt chuẩn quốc gia. Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa, đủ sức đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng. Huyện đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Sau khi được đào tạo, hàng nghìn cán bộ người dân tộc thiểu số của huyện A Lưới làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể. Trong tổng số 4.832 đảng viên của Đảng bộ huyện, đảng viên dân tộc thiểu số là hơn 3.700 người, chiếm khoảng 79%.
Tiêu biểu là Tiến sĩ Nguyễn Thị Sửu (1973), người dân tộc Tà Ôi, hiện là Bí thư Huyện ủy A Lưới; Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng (1980), người dân tộc Pa Cô, hiện là Chủ tịch UBND huyện A Lưới; Kỹ sư Hồ Xuân Trăng (1971), người dân tộc Pa Cô, hiện là Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế; Thạc sĩ Hồ Thị Liên (1973), người dân tộc Cơ Tu, hiện là Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế…
Hội thảo khoa học “Thừa Thiên - Huế – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” - tháng 8/2019. Ảnh: IT |
Đến gia đình hiếu học
Bên cạnh đó, bắt đầu xuất hiện nhiều gia đình hiếu học người dân tộc thiểu số ở huyện A Lưới. Như gia đình ông Cu Xết (dân tộc Pa Cô) ở thôn Lê Lộc, xã Hồng Bắc có 4 con học đại học và đang công tác tại địa phương trong ngành quân đội và y tế. Gia đình ông Phạm Việt Minh (dân tộc Pa Cô) ở thôn Phú Thượng, xã Phú Vinh có 6 người con tốt nghiệp đại học, trong đó có anh Phạm Việt Tý hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế…
“Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, đội ngũ trí thức trẻ dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thật sự là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước đưa vùng núi Thừa Thiên - Huế tiến lên, góp phần tạo vùng động lực phía Tây của tỉnh phát triển bền vững” – tác giả Thành Phiên (Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhận định như vậy tại Hội thảo “Thừa Thiên - Huế – 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được tổ chức vào dịp tháng 8 vừa qua.
Một A Lưới khởi sắc
Hiện tại, huyện A Lưới đã xóa được trên ba nghìn nhà tạm bợ cho đồng bào nghèo đặc biệt khó khăn. 100% xã, thị trấn của huyện có điện - đường - trường - trạm và trụ sở làm việc tầng hóa, ngói hóa. Hầu hết các trục đường giao thông ngang dọc của huyện đều được bê tông hóa. Đặc biệt, huyện có đường Hồ Chí Minh đi qua với chiều dài 106 km khai thông hành lang giao thông xuyên suốt Bắc – Nam, có cửa khẩu S3 Hồng Vân - Cô Tài, S10 A Đớt - Tà Vàng, mở ra triển vọng cho việc giao thương phát triển kinh tế cho huyện trong tương lai.
Bà Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy A Lưới chia sẻ: “Qua 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đặc biệt là 43 năm xây dựng và phát triển kể từ khi thành lập huyện; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện A Lưới ngày càng tin tưởng và quyết tâm hành động để thực hiện lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ”.