Cô giáo vùng cao với mô hình “Đôi bạn cùng tiến”

GD&TĐ - Dạy học cho học sinh vùng dân tộc đã khó, nhưng để dạy được tiếng Anh còn khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, cô giáo Trần Thị Thanh Thùy, Trường PTDTNT THCS Văn Chấn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có phương pháp dạy học riêng, giúp các tiết học Tiếng Anh trở nên sinh động, hấp dẫn và hiệu quả đối với học sinh.

Cô giáo Trần Thị Thanh Thùy cùng HS trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: NVCC
Cô giáo Trần Thị Thanh Thùy cùng HS trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: NVCC

Bỡ ngỡ và lúng túng lúc ban đầu

Năm 2012, cô giáo Trần Thị Thanh Thùy trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức và được phân công về làm giáo viên dạy tiếng Anh tại Trường PTDTNT THCS Văn Chấn. Với đặc thù 95% học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa từng học tiếng Anh, vì thế việc dạy và học của các em còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, việc sử dụng tiếng Việt của các em còn nhiều hạn chế, khả năng nhận thức cũng chậm hơn đa số học sinh khác. Việc tiếp cận thêm một ngôn ngữ mới là vô cùng khó khăn và nhiều trở ngại, đặc biệt trong việc phát âm cho chuẩn, việc diễn đạt cũng không dễ dàng. Học sinh cũng không có điều kiện để tiếp cận các phương pháp học hiện đại, không có môi trường giao tiếp chuẩn, ngoại trừ giáo viên bộ môn. Cả giáo viên và học sinh đều có bỡ ngỡ và lúng túng trong việc dạy và học.

Suy nghĩ làm sao để nâng cao kiến thức ngoại ngữ cho HS dân tộc luôn thường trực trong cô Thùy. HS trường dân tộc nội trú học tập và ăn ở tại trường. Các em lại học 2 buổi/ngày. Buổi tối học sinh tự học trên lớp nên thời gian các em học tập và sinh hoạt cùng nhau là phần lớn. Do đó, các em có nhiều thời gian để học hỏi và trao đổi lẫn nhau.

Từ những suy nghĩ đó, cô Thùy bắt tay vào tìm hiểu tài liệu và tham khảo các cách thức của đồng nghiệp, cố gắng cho học sinh có nhiều nguồn kiến thức tin cậy nhất. Câu hỏi lớn nhất đặt ra lúc này là: Với thời gian học sinh học tập trên lớp có giáo viên trực tiếp hướng dẫn và định hướng cho học sinh, còn ngoài thời gian đó, những học sinh yếu, kém sẽ tìm sự giúp đỡ ở đâu?

Xây dựng những “đôi bạn cùng tiến”

Sau những tìm tòi, nghiên cứu, cô đưa ý tưởng xây dựng những “đôi bạn cùng tiến”. Với mô hình này, những học sinh có lực học khá, giỏi môn Tiếng Anh sẽ giúp đỡ, kèm những học sinh yếu kém trong cùng một lớp. Để những “đôi bạn cùng tiến” này hoạt động hiệu quả, cô Thùy phải định hướng cho học sinh nắm được những nội dung trọng tâm, những kiến thức cần đạt được sau mỗi bài. Sau mỗi giờ học, học sinh cần ôn tập lại những nội dung nào, cô giao bài tập cụ thể. Từ đó những học sinh khá giỏi sẽ biết cần phải giúp đỡ các bạn yếu hơn.

Với những bạn khá giỏi trong lớp gặp khó khăn hoặc chưa nắm chắc bài, cô Thùy kết hợp với mô hình “nhóm chuyên gia”. Không chỉ tận dụng những học sinh khá giỏi trong lớp mà có sự kết hợp với các học sinh khá giỏi ở các lớp khác. Nhóm những học sinh giỏi này gọi là “nhóm chuyên gia”; các em ở các lớp trên sẽ hướng dẫn bài cho các em lớp dưới.

Cô thường động viên các em: “Mỗi lần các em hướng dẫn bài cho người khác, là mỗi lần các em được ôn lại bài, được tái hiện kiến thức. Bởi vậy, việc này có lợi cho cả hai”. Phong trào này đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các bạn học sinh dân tộc nội trú giúp đỡ nhau cùng học tập tiến bộ.

5 năm qua, mô hình “Đôi bạn cùng tiến” trở thành phong trào được phổ biến rộng trong trường học. Phong trào này đã giúp cho các em học sinh vươn lên đạt thành tích cao và đem lại hiệu quả thiết thực. Hiệu quả của phương pháp dạy học theo mô hình khá tích cực. Học sinh không còn sợ học Tiếng Anh như trước nữa, chủ động hơn về kiến thức.

Hơn nữa, chất lượng bộ môn được nâng lên khá đáng kể so với trước. Có những thời điểm tỉ lệ yếu kém là gần 30%; đến nay hầu như không còn hoặc chỉ còn dưới 5%.

Hàng năm, cô Thùy đều có học sinh tham gia các cuộc thi học sinh giỏi tiếng Anh của huyện, của tỉnh. Thành tích của đội tuyển trong các năm vừa qua gồm: 1 giải Khuyến khích cấp quốc gia; 1 giải Nhất tỉnh; 2 giải Ba cấp tỉnh; 5 giải Khuyến khích cấp tỉnh, và rất nhiều giải cấp huyện hàng năm trong các cuộc thi tiếng Anh trên mạng và thi viết.

Tạo cho học trò một sự hứng khởi

Theo cô Thùy, để có một tiết học Tiếng Anh có chất lượng tốt, tạo cho học trò một sự hứng khởi khi tiếp thu bài học thì người giáo viên phải thực sự có những phương pháp độc đáo, hấp dẫn (đặc biệt đối vớihọc sinh vùng cao). Giờ học sẽ trở nên nhàm chán và kém hiệu quả nếu như phương pháp dạy của thầy không tác động tích cực đến phương pháp học của trò. Nếu như vốn từ vựng của các em hạn chế, giáo viên cũng gặp những khó khăn về truyền tải kiến thức cũng như hiểu biết xã hội.

“Ngoài ra, để các tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn, tôi thường tổ chức các trò chơi đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với mỗi bài học, đáp ứng yêu cầu học mà chơi - chơi mà học của học sinh” - cô Thùy trao đổi.

Mô hình “Đôi bạn cùng tiến” ở Trường PTDTNT THCS Văn Chấn đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho các bạn học sinh dân tộc nội trú giúp đỡ nhau cùng học tập tiến bộ. Không chỉ HS nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh mà còn xây dựng tình thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong môi trường nội trú.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.