Giáo dục, đào tạo vùng dân tộc - Vấn đề lớn, được sự quan tâm đặc biệt

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong phát triển vùng đồng bào dân tộc, nhiều ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra hàng loại hạn chế, khó khăn của vùng đồng bào dân tộc, trong đó có vấn đề về phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề.

Giáo dục, đào tạo vùng dân tộc - Vấn đề lớn, được sự quan tâm đặc biệt

Thảo luận về Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn trong phiên họp toàn thể tại Hội trường sáng 1/11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt, ưu tiên đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực là thấp nhất; giáo dục-đào tạo còn nhiều vấn đề bất cập cần tập trung khắc phục, thúc đẩy.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đã chỉ ra nhiều vấn đề xã hội tồn tại, có tác động, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển bền vững nói chung và giáo dục nói riêng của vùng dân tộc, trong đó có nguyên nhân khách quan về điều kiện địa lý; tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn, ma túy, hủ tục lạc hậu, buôn bán người, di dân tự do… Đại biểu cho rằng, việc ban hành cơ chế chính sách, dạy nghề, bồi dưỡng nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số thì cần phải có định hướng chỉ đạo rất cụ thể, thậm chí phải bắt tay chỉ việc, không nói lý thuyết chung.

Đại biểu Ka H’Hoa (Đắk Nông) nhấn mạnh, cần có sự quan tâm ưu tiên đầu tư cho giáo dục và phát triển, thu hút nguồn nhân lực của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ trong đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng này để rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trong cả nước.

Dẫn ra số liệu hiện có khoảng 8 triệu đồng bào là lực lượng lao động, chiếm khoảng 14-15% lực lượng lao động toàn quốc, tuy nhiên, đại biểu Lê Quân (TP. Hà Nội) nhấn mạnh, tại các vùng này chủ yếu lao động thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Tỉ lệ lao động qua đào tạo rất thấp, chỉ khoảng 6%, thấp bằng khoảng 1/3 mức chung toàn quốc, chủ yếu đào tạo ngắn hạn, việc làm có rủi ro cao, năng suất lao động rất thấp, thu nhập thấp và thiếu ổn định. Vì vậy, nếu không giải quyết tốt công tác dạy nghề và việc làm cho đồng bào thì vấn đề an sinh sau này sẽ gặp phải những vấn rất lớn, rất khó khăn phải giải quyết.

Còn Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) nêu quan điểm: Trong các giải pháp thúc đẩy phát triển giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào dân tộc, phải hết sức quan đến chính sách chung về bảo đảm phát triển nền giáo dục có chất lượng công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.

Giải trình, làm rõ những vấn đề được các đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, về chỉ tiêu đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số trong độ tuổi hiện nay đạt khoảng 6,2%.

Theo ông Đỗ Văn Chiến, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đề ra lao động qua đào tạo là 70%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25-30%. Đề án đề xuất lao động dân tộc thiểu số qua đào tạo khoảng 50% nhưng bằng cấp chứng chỉ 10-15% là phù hợp. Tăng cường đào tạo dạy nghề theo hướng cầm tay chỉ việc để thực hành được ngay, không nhất thiết phải cần bằng cấp chứng chỉ. Đây cũng là điểm tư duy mới về dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, 50% này không phải là cứ phải cấp chứng chỉ bằng cấp.

Ông Đỗ Văn Chiến cũng cho hay, trong khi Quốc hội đang họp thì Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập các đoàn đi khảo sát tại địa phương chuẩn bị chu đáo để Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

“Đây cũng là lần đầu tiên và qua đó thì sẽ quyết định các yếu tố có tính nền tảng chiến lược, chỉ đạo quyết liệt, căn cơ và khắc phục hạn chế bất cập hiện nay. Coi đây là một khâu đột phá khi thực hiện Đề án, không có kinh tế thì chúng ta dần làm sẽ có kinh tế, nhưng nếu để con em chúng ta không học hành đến nơi đến chốn thì là cả một thế hệ”, ông Đỗ Văn Chiến phát biểu./.

Theo Chinhphu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.