7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

7 sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Trong cuộc họp diễn ra cuối tuần qua tại Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính các quốc gia sử dụng đồng euro đã nhất trí dành cho Hy Lạp gói cứu trợ kỷ lục, trị giá 110 tỷ euro (146 tỷ USD). Quyết định này được đưa ra trong hoàn cảnh châu Âu đang phải đối mặt với phản ứng dây chuyền mà nguồn cơn chính là sự bất ổn từ Hy Lạp. Nhóm 16 nước thuộc khu vực đồng euro sẽ đóng góp 80 tỷ USD vào gói cứu trợ này trong khi IMF chi phần còn lại. Hy Lạp dự kiến sẽ nhận được tiền trước ngày 19/5.

Hội chợ World Expo chính thức khai mạc tại Thượng Hải (Trung Quốc) tối 30/4. Đây là World Expo có số lượng quốc gia tham dự lớn nhất từ trước đến nay (189) và cũng là hội chợ được đầu tư hoành tráng nhất (khoảng 4,2 tỷ USD). Việt Nam cũng tham dự sự kiện này với chủ đề "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội". World Expo dự kiến sẽ thu hút khoảng 70 triệu lượt khách tham quan. (Ảnh: Internet)

Cũng trong ngày 30/4, Chính phủ Mỹ đã công bố số liệu tăng trưởng kinh tế quý I/2010 với mức tăng GDP 3,2%. Tính cả quý IV/2009, Mỹ đã có 6 tháng tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2003. Tiêu dùng người Mỹ, vốn đóng góp 70% vào GDP, tăng 3,6% trong quý 1/2010, cao hơn dự báo tăng trưởng 3,3% của giới chuyên gia. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ trong 3 tháng tăng 0,6%. (Ảnh: Internet)

Kết thúc phiên giao dịch 28/4 tại New York, giá vàng giao ngay tăng 9,6 đôla (0,8%) và xác lập đỉnh cao nhất trong năm 2010 tại 1.175,3 đôla một ounce. Thống kê trong năm nay, giá vàng đã tăng 7%. Giá vàng tăng chủ yếu do nhà đầu tư tích cực tìm kiếm các tài sản an toàn và thông tin về việc quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust tăng mua vào trong những ngày qua.(Ảnh: Internet)

Trước khi được các quốc gia trong khu vực euro chính thức dang tay cứu giúp, ngày 27/4, Hy Lạp đã phải đối mặt với một cú sốc khi Standard & Poor’s hạ bậc định mức tín nhiệm trái phiếu dài hạn và trung hạn từ BBB+ và A-2 lần lượt xuống còn BB+ và B. Cùng với Hy Lạp, định mức tín nhiệm nội tệ và ngoại tệ dài hạn của Bồ Đào Nha cũng bị cắt từ mức A+ xuống còn A-. S&P lý giải cho quyết định của mình là sự yếu kém của hệ thống kinh tế tài chính nơi đây. Triển vọng của cả hai quốc gia này đều được đánh giá tiêu cực. 

Trong ngày 26/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố tỉ lệ bỏ phiếu mới của các nước trong các quyết định của tổ chức này. Đáng chú ý nhất trong quyết định này là sự vươn lên của Trung Quốc với tỷ lệ bỏ phiếu được nâng từ 2,78% lên 4,42%, cao nhất trong các quốc gia đang phát triển. Cũng trong lần điều chỉnh này, Mỹ tiếp tục duy trì vị thế số một tại WB với tỷ lệ bỏ phiếu lớn nhất 15,85%. Riêng Nhật Bản tự nguyện giảm tỷ lệ xuống còn 6,84%, duy trì vị trí thứ 2.

Ngày 1/5, Bộ Tài chính Hàn Quốc ra thông báo cho biết ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã nhất trí thành lập một quỹ tín dụng khu vực trị giá 700 triệu USD nhằm hỗ trợ các thị trường trái phiếu châu Á. Nhật Bản và Trung Quốc mỗi nước sẽ đóng góp 200 triệu USD vào quỹ. Hàn Quốc sẽ đóng góp 100 triệu USD, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) góp 130 triệu USD và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) góp 70 triệu USD.

Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.