6 bước thực hiện phân tích nhiệm vụ học tập
ThS Nguyễn Thị Hoa (Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết: Phân tích nhiệm vụ là quá trình chia tách một nhiệm vụ phức hợp thành các bước, thành phần nhỏ hơn và có thể thực hiện được.
Số lượng các bước được chia ra từ nhiệm vụ phức hợp phụ thuộc vào khả năng của trẻ và độ khó của nhiệm vụ, có những trẻ cần nhiều bước nhưng cũng có trẻ chỉ cần vài bước.
Phân tích nhiệm vụ trong dạy học cho trẻ khuyết tật trí tuệ, theo phân tích của ThS Nguyễn Thị Hoa, có thể hiểu là một kỹ thuật dạy học, trong đó giáo viên phân chia nhiệm vụ học tập thành những nhiệm vụ nhỏ hơn (một chuỗi các bước) phù hợp với khả năng của trẻ, giúp trẻ khuyết tật trí tuệ thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.
ThS Nguyễn Thị Hoa cho biết, để phân tích nhiệm vụ học tập, có thể thực hiện theo 6 bước sau:
Bước 1: Xác định các kỹ năng mục tiêu
Đây là kỹ năng trẻ cần phải học. Một kỹ năng mục tiêu nên bao gồm một chuỗi các bước cụ thể. Lưu ý, kỹ năng riêng biệt không phù hợp để phân tích nhiệm vụ.
Bước 2: Xác định các kỹ năng tiên quyết và các học liệu cần thiết
Kỹ năng tiên quyết là những kỹ năng cần phải có để trẻ có thể thực hiện được kỹ năng mục tiêu. Những kỹ năng nào trẻ đã thành thạo, lưu ý không nên lặp lại trong chuỗi kỹ năng.
Sau khi đã xác định được kỹ năng tiên quyết, giáo viên cần xác định các kỹ năng cần thiết còn lại để trẻ có thể thực hiện được kỹ năng mục tiêu.
Nếu có quá trình nhiều các kỹ năng tiên quyết cần phải học thì kỹ năng mục tiêu nên được thay đổi. Sau đó, giáo viên cần xác định các học liệu cần thiết để dạy trẻ thực hiện được các kỹ năng.
Bước 3: Chia kỹ năng thành các bước nhỏ
Việc này có thể thực hiện bằng cách: Giáo viên tự mình thực hiện kỹ năng đó và chia thành các bước. Hoặc quan sát người khác (tốt nhất nên là các bạn đồng trang lứa với trẻ) thực hiện kỹ năng và ghi lại các bước. Lưu ý, mỗi bước nên là 1 kỹ năng riêng lẻ.
Bước 4: Kiểm tra các bước
Ở bước này, ThS Nguyễn Thị Hoa lưu ý, giáo viên cần kiểm tra lại các bước để chắc chắn các bước thực hiện kỹ năng mục tiêu đã đầy đủ, mỗi bước là phù hợp để trẻ có thể thực hiện được.
Giáo viên có thể kiểm tra bằng cách nhờ giáo viên khác thực hiện kỹ năng theo các bước này và nhờ họ cho ý kiến; hoặc nhờ một đứa trẻ khác thực hiện kỹ năng này để xem có cần bớt hoặc thêm bước nào nữa không.
Bước 5: Xác định phương pháp giảng dạy
Ở bước này, theo ThS Nguyễn Thị Hoa, giáo viên cần xác định phương pháp giảng dạy giúp trẻ thực hiện tốt các bước trong chuỗi kỹ năng. Muốn vậy, phương pháp hướng dẫn cần phù hợp với khả năng hiểu và đáp ứng, cách học, sở thích… của trẻ.
Để dạy trẻ thực hiện kỹ năng, với trẻ khuyết tật trí tuệ, có thể sử dụng phương pháp xâu chuỗi.
Theo đó, chuỗi tiến (giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện bước đầu, sau đó giáo viên thực hiện bước thứ 2 cho đến hết; tương tự như vậy cho tới khi học sinh tự thực hiện được tất cả các bước);
Chuỗi lùi: Giáo viên thực hiện từ bước đầu đến gần cuối, hướng dẫn học sinh tự thực hiện bước cuối, tương tự như vậy cho tới khi học sinh tự thực hiện được tất cả các bước);
Chuỗi toàn bộ nhiệm vụ: Giáo viên hướng dẫn học sinh thực hiện thành thục 1 bước ròi mới chuyển sang bước 2, tương tự như vậy cho tới bước cuối cùng.
Bước 6: Can thiệp và giám sát
Sau khi đã có các bước phù hợp, giáo viên thực hiện dạy trẻ theo các bước với các học liệu và phương pháp đã xác định. Trong quá trình can thiệp, cần lưu ý đến việc giám sát trẻ thực hiện để có những hỗ trợ trẻ kịp thời cũng như có những điều chỉnh phù hợp.
Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật phân tích nhiệm vụ
Khi thực hiện kỹ thuật phân tích nhiệm vụ, ThS Nguyễn Thị Hoa lưu ý, cần xác định kỹ năng tiên quyết để dạy cho trẻ và đảm bảo kỹ năng đó có thể chia ra thành các bước nhỏ.
Các bước được chọn phân tích từ một nhiệm vụ học tập cần đảm bảo trẻ có thể thực hiện được, đồng thời, cần có sự so sánh các bước đã phân tích với các bước thực hiện nhiệm vụ đó của trẻ đồng tranh lứa khác, đảm bảo các bước phân tích là phù hợp.
Việc xác định số lượng các bước cần dựa trên khả năng của trẻ khuyết tật trí tuệ. Một số trẻ cần nhiều bước để thực hiện một nhiệm vụ học tập nhưng một số trẻ khác lại cần số lượng các bước ít hơn.
Quá trình dạy học theo các bước đã phân tích yêu cầu giáo viên cần có sự giám sát kỹ lưỡng đối với việc thực hiện kỹ năng của trẻ, để có sự hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp.
Đồng thời, cần có sự phối hợp của gia đình trong việc cùng thực hiện các bước phân tích nhiệm vụ đã xác định trong dạy học cho trẻ khuyết tật trí tuệ.
ThS Nguyễn Thị Hoa cho rằng, kỹ thuật phân tích nhiệm vụ có thể ứng dụng để dạy trẻ khuyết tật trí tuệ nhiều kỹ năng khác nhau như kỹ năng tự phục cụ, nhận thức, kỹ năng xã hội…
Kỹ thuật này cũng có thể ứng dụng ở nhiều môi trường khác nhau như gia đình, trường học, cộng đồng.
Khi đã phân tích được các bước một cách phù hợp và chuẩn bị được các học liệu cần thiết và phương pháp phù hợp, giáo viên sẽ có được sự chủ động trong dạy học cũng như giúp cho việc dạy trẻ thực hiện nhiệm vụ diễn ra nhanh hơn, dễ hơn.
Một lợi ích có thể khẳng định của kỹ thuật này là giúp trẻ được học theo khả năng của mình, việc thực hiện nhiệm vụ cũng sẽ nhẹ nhàng hơn giúp giảm bớt căng thẳng trong quá trình học tập.
Tuy nhiên, khi sử dụng kỹ thuật này, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian cho việc phân tích các bước thực hiện nhiệm vụ cũng như xác định các học liệu và phương pháp dạy học.
Thêm nữa, một trẻ khuyết tật trí tuệ là khác nhau, việc ứng dụng kỹ thuật này không thể áp dụng cho mọi trẻ ở cùng một kỹ năng. Do đó, việc phân tích nhiệm vụ, ứng dụng, quản lý mục tiêu dạy học đôi khi sẽ gây căng thẳng cho giáo viên.