(GD&TĐ) - Sáng nay (5/3), tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã diễn ra Lễ công bố và chuyển giao thành quả của Dự án “Hỗ trợ và phát triển chương trình giáo dục gắn liền với việc nâng cao tỷ lệ đi học của trẻ chậm phát triển trí tuệ” (triển khai trong 5 năm từ 2008 đến 2013).
Tới dự buổi Lễ có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; đại diện lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội; đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, TP Hồ Chí Minh; đại diện Trường ĐH Ritsumeikan (Nhật Bản), cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản, tổ chức Unicef Việt Nam.
Các đối tác Nhật Bản đã hỗ trợ Dự án |
Từ năm 2008, được sự cho phép của Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã ký biên bản thoả thuận với JICA về Dự án trên. Dự án đã được phối hợp với Trường ĐH Ritsumeikan trong khuôn khổ Chương trình đối tác phát triển của JICA. Dự án nhằm giúp phía Việt Nam đào tạo giáo viên có chuyên môn về kỹ năng xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ (bao gồm xây dựng chương trình và kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ khuyết tật trí tuệ) và nâng cao kỹ thuật can thiệp thực tế trên trẻ. Đồng thời Dự án cũng tiến hành phổ biến rộng rãi kiến thức và kỹ thuật của chương trình giáo dục trẻ khuyết tật trí tuệ cho các cán bộ chủ chốt, giáo viên tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và các trung tâm nguồn trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa: “Đây là dự án có ý nghĩa chuyên môn và nhân văn sâu sắc” |
Tại buổi Lễ, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đã phát biểu cảm ơn và ghi nhận sự giúp đỡ hiệu quả của đối tác phía Nhật Bản, đồng thời đánh giá cao nỗ lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng như của các cá nhân, đơn vị đã cùng góp phần thực hiện thành công Dự án.
Theo Thứ trưởng, đây là một Dự án hết sức ý nghĩa. Việc chăm sóc, giáo dục trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ khuyết tật đã luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội. Những năm qua, Bộ GD&ĐT cũng đã thực hiện nhiều dự án về trẻ khuyết tật, nhằm tăng số lượng trẻ khuyết tật đến trường. Bộ công cụ trong thành quả của dự án lần này (giúp đánh giá ngôn ngữ, giao tiếp, thể chất, nhận thức, hành vi của trẻ chậm phát triển trí tuệ) rất hữu ích, nhằm góp phần thực hiện công bằng trong giáo dục, đồng thời có ý nghĩa chuyên môn và ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng nhận xét Dự án trên còn nhiều việc phải làm. Số trẻ được dạy thử nghiệm chưa nhiều, do đó cần được thí điểm chương trình trên diện rộng hơn, nhằm xây dựng được bộ chuẩn trước khi đưa vào giáo dục rộng rãi trẻ có trí tuệ chậm phát triển...
PV