Cô Phạm Thị Việt Chinh cho biết: Sinh học là một trong ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Những học sinh sử dụng môn Sinh học để xét tuyển vào đại học chắc chắn đã có mục tiêu và kế hoạch học rõ ràng.
Tuy nhiên, với những học sinh chỉ sử dụng môn Sinh để xét tốt nghiệp cần nhiều thời gian cho môn thuộc khối chính và mục tiêu đặt ra có thể chỉ cần qua liệt để xét tốt nghiệp.
Do vậy, thí sinh thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia thành 2 nhóm: Thi để xét tốt nghiệp và thi để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Mỗi nhóm lại có mục tiêu điểm số riêng, kế hoạch ôn tập phù hợp để đạt được mục tiêu.
5 lưu ý cụ thể được cô Phạm Thị Việt Chinh chia sẻ với thí sinh như sau:
Xác định mục tiêu điểm số
Đầu tiên, học sinh cần xác định mục tiêu điểm số mong muốn đạt được. Từ đó mục tiêu, học sinh xác định vùng kiến thức cần ôn tập để đạt được kết quả như mong muốn (dựa vào ma trận đề minh họa).
Những học sinh không có mục tiêu sử dụng môn Sinh học để xét tốt nghiệp cần chú ý ôn tập mức độ ghi nhớ và thông hiểu.
Học sinh mục tiêu cao hơn xét điểm vào đại học cần rèn luyện kỹ năng làm câu hỏi mức độ vận dụng và vận dụng cao (thường ở dạng đếm số câu trả lời đúng…)
Nắm rõ cấu trúc kiến thức trong đề thi
Học sinh cần nắm rõ cấu trúc kiến thức trong đề thi. Đây là chìa khóa giúp các em lên được kế hoạch ôn thi sao cho đạt được hiệu quả và hợp lý nhất so với năng lực của bản thân.
Học sinh có thể tham khảo các dạng đề thi thử của các Sở GD&ĐT, các trường uy tín, các dạng đề chính thức của năm trước.
Cô Phạm Thị Việt Chinh, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội). |
Lập thời gian biểu
Để ôn tập hiệu quả, học sinh nên lập thời gian biểu cụ thể chi tiết để tránh dành thời gian quá nhiều cho một chuyên đề nào đó mà không dành thời gian cho chuyên đề khác.
Điều đó dẫn đến mất điểm đáng tiếc cho những câu hỏi dễ nhưng kiến thức của câu này lại nằm trong nội dung mà học sinh chưa học.
Học hiểu bản chất
Khi ôn tập kiến thức dưới dạng dạng chuyên đề học sinh cần chú ý học hiểu bản chất Sinh học, ghi nhớ dạng chuỗi các từ khóa liên quan, hiểu và phân tích rõ các hình ảnh, biểu đồ và ví dụ mở rộng trong sách giáo khoa.
Khi đọc sách giáo khoa theo từng bài, học sinh dùng bút đánh dấu các từ khóa quan trọng nhất của mỗi đoạn, sau đó ghi vào vở học.
Việc cầm sách hoặc nằm trên giường để đọc gây cảm giác ức chế, dễ ngủ và khó học. Do vậy, học sinh cần ngồi vào bàn học, có bút đánh dấu, vở ghi chứ không lướt như đọc truyện.
Các em cũng nên dùng cách học theo trình tự: Đọc hiểu, đánh dấu, ghi từ khóa, tái hiện kiến thức, vận dụng làm trắc nghiệm và vá hổng kiến thức.
Rèn kỹ năng giải đề
Điều quan trọng đối với giai đoạn nước rút là học sinh rèn kỹ năng giải đề. Thông qua quá trình giải đề, học sinh vừa có thể tích lũy kiến thức, vừa xác định kiến thức hổng, vừa rèn được kỹ năng làm bài (xác định từ khóa quan trọng, đọc hiểu đề, kỹ năng loại trừ và kỹ năng làm bài nhanh….), tự tạo phản xạ tư duy để từ đó đưa ra được phương án chính xác và hiệu quả nhất.
Cô Phạm Thị Việt Chinh lưu ý: Không có phương pháp học tập vạn năng. Bản thân mỗi học sinh nên chủ động tìm cho mình phương pháp học hiệu quả nhất, bởi “thích nghi là chìa khóa của chọn lọc” để được chọn lọc vào vị trí như mong muốn. Học sinh phải tự tạo giá trị thích nghi cho riêng mình.
Được tổ chức trong các ngày 27, 28,29 và 30/6, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tổ chức thi 5 bài thi, gồm: 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên gồm các môn thi thành phần Vật lí, Hóa học, Sinh học; 1 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội gồm các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh học chương trình GDTX cấp THPT.