Ôn thi hiệu quả với môn Sinh học

GD&TĐ - Cô Quảng Thị Kiệp – Tổ trưởng tổ Sinh học, Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Gia Lai) chia sẻ phương pháp ôn thi hiệu quả môn Sinh học. 

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.

Cô Kiệp cũng chia sẻ bí quyết vượt vũ môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Tuyệt đối không không học tủ, học vẹt

Theo cô Kiệp, đối với học sinh không theo khối B, các em chỉ cần học trong chương trình sách giáo khoa Sinh học lớp 12 và bám chắc vào kiến thức cơ bản là có thể được điểm 6-7.

Với những học sinh theo khối B, ngoài việc thẩm thấu từng kiến thức sách giáo khoa, các em cần luyện nhiều bài tập tính toán lớp 12 (trừ bài tập phả hệ) và 4-6 câu thuộc kiến thức lớp 11.

Ngoài ra, các em cần nắm chắc kiến thức và biết vận dụng, vận dụng cao kiến thức để giải quyết bài tập trong đề thi. Có như vậy, mới gia tăng cơ hội đạt được điểm 9 trở lên.

Riêng với môn Sinh, để vượt vũ môn thành công trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô Kiệp nhấn mạnh, học sinh cần nắm chắc kiến thức lý thuyết lớp 12. Muốn vậy, học sinh cần có phương pháp ôn tập hiệu quả.

Theo đó, các em cần biết hệ thống hóa lý thuyết bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu. Nghiên cứu đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2022 môn Sinh học cho thấy, nội dung lý thuyết tập trung ở chương I của Sinh học lớp 11 và toàn bộ chương trình Sinh học lớp 12.

Để ghi nhớ và hiểu bản chất kiến thức, các em có thể hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy, bảng biểu theo hướng dẫn của giáo viên hoặc theo phương pháp của riêng mình, miễn sao các em thấy phù hợp và hiệu quả.

Đặc biệt, các em tuyệt đối không không học tủ, học vẹt. Thay vào đó, cần hiểu bản chất của mỗi đơn vị kiến thức. Cô Kiệp phân tích, bài thi môn Sinh học – kỳ thi tốt nghiệp THPT được thi theo hình thức trắc nghiệm. Nội dung kiến thức trải đều toàn bộ chương trình.

Một số em dành nhiều thời gian ôn tập cho phân môn di truyền mà không chú trọng các phần khác, dẫn đến điểm không cao. Thí sinh cần hiểu bản chất kiến thức để trả lời những câu hỏi lý thuyết ở mức độ thông hiểu và vận dụng.

Đây là những câu đòi hỏi thí sinh có khả năng tổng hợp thông tin, hiểu sâu vấn đề và giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra. Mỗi ngày, thí sinh nên luyện tập ít nhất một đề lý thuyết để ghi nhớ kiến thức.

Đối với bài tập môn Sinh học, thí sinh nên phân loại thành các dạng bài tập như: cơ chế di truyền - biến dị, quy luật di truyền, phả hệ, di truyền quần thể, sinh thái học... và phương pháp giải của mỗi dạng bài tập.

Đặc biệt, các em cần thuộc các công thức về cấu trúc của ADN, nhân đôi ADN, xác định số loại kiểu gen trong quần thể ngẫu phối, tần số kiểu gen của quần thể ngẫu phối và tự phối, mối quan hệ giữa tỷ lệ các loại kiểu hình với kiểu gen của P đã cho, tính hiệu suất sinh thái...

Ngoài ra, để đạt kết quả cao, thí sinh cần tích cực giải bài tập, tự rút ra phương pháp, cải thiện kỹ năng tính toán, tốc độ sau mỗi lần luyện đề. “Cần lưu ý, với những em chọn các ngành học tốp cao, thuộc trường tốp đầu, phải học kĩ cả phần lý thuyết và bài tập lớp 12” – cô Kiệp nhấn mạnh.

Cô Quảng Thị Kiệp (thứ 4 từ trái qua phải) cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Cô Quảng Thị Kiệp (thứ 4 từ trái qua phải) cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Không nên trông chờ vào “cầu may”

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sinh học là môn thi trắc nghiệm nên nhiều học sinh chủ quan trong học tập; thậm chí có học sinh chờ vào “cầu may”. Theo cô Kiệp, thông thường đây là những học sinh thi môn Sinh theo tổ hợp Khoa học tự nhiên nhưng không dùng kết quả thi của môn này để xét tuyển vào đại học.

Do vậy, học sinh thường chủ quan, học lệch, học tủ, không chú tâm học môn Sinh học, mà các em dành nhiều thời gian học các môn thi có sử dụng kết quả thi để xét đầu vào đại học. “Nếu thi cử mà các em trông chờ quá nhiều vào “cầu may” thì cũng có nguy cơ bị dưới 2 điểm (điểm liệt).

Vì thế, để chắc chắn không bị điểm liệt, các em phải đọc lại và nắm chắc kiến thức lý thuyết trong sách giáo khoa Sinh học lớp 12. Với lượng kiến thức này, chắc chắn các em có thể đạt được điểm trung bình” – cô Kiệp trao đổi.

Cũng theo cô Kiệp, đề thi môn Sinh học có câu dẫn và các phương án lựa chọn thường nhiều chữ (câu dài). Tuy nhiên, thí sinh nên đọc nhanh nhưng cần cẩn thận, tránh nhầm lẫn khi đọc lướt.

Trong giờ thi, thí sinh nên biết phân bố thời gian hợp lý. VD: khoảng 30 câu đầu làm trong thời gian từ 10 - 15 phút. Thời gian còn lại 35 - 40 phút là để làm 10 câu tính toán khó.

Đối với bài thi trắc nghiệm, thí sinh không cần làm tuần tự từ đầu đến hết đề thi. Điều này có thể khiến các em bị “mắc kẹt” hoặc đi vào “bế tắc” khi gặp câu khó ở giữa chừng; trong khi nhiều câu khác ở phía sau các em hoàn toàn có thể làm được. Các em nên làm bài thi thành nhiều vòng.

Vòng thứ nhất có thể trả lời nhanh khoảng 50% số câu hỏi, tùy khả năng của mình. Vòng thứ hai, các em dành thời gian suy nghĩ thêm để trả lời những câu còn lại. Không nên mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi.

“Nếu thí sinh nào luyện được kỹ năng làm bài như trên thì sẽ có điểm số cao, thậm chí là trên 9 điểm” – cô Kiệp quả quyết, đồng thời cho rằng, học môn Sinh học không khó. Nếu các em biết vận dụng các phương pháp tư duy, phương pháp học tập khoa học cũng như cách thức làm bài thi hợp lý, thì không khó để đạt điểm cao môn Sinh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo cô Quảng Thị Kiệp, để việc ôn thi đạt hiệu quả cao, không những phải có phương pháp học hiệu quả, mà học sinh cần có lộ trình ôn tập cụ thể. Có thể chia ra thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1: tìm kiếm kiến thức. Theo đó, các em nên bắt đầu từ năm học cho đến trước Tết Nguyên đán. Giai đoạn 2, củng cố kiến thức thông qua việc làm đề thi. Giai đoạn này bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4. Giai đoạn 3, hệ thống kiến thức kết hợp với luyện đề thi. Giai đoạn này nên bắt đầu từ đầu tháng 5 cho đến gần thi. Đây được coi là giai đoạn “tăng tốc” để “về đích”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.