3,6 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ học ở Sừng châu Phi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Liên Hợp Quốc cảnh báo 3,6 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ học dài hạn ở vùng Sừng châu Phi do hạn hán.

Một lớp học dành cho nữ sinh ở vùng Somaliland, Somalia.
Một lớp học dành cho nữ sinh ở vùng Somaliland, Somalia.

Khủng hoảng có thể kéo theo một thế hệ không được học hành.

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 3,6 triệu trẻ em ở Kenya, Somalia và Ethiopia có nguy cơ phải nghỉ học khi hạn hán kéo dài. Con số đã tăng hơn gấp 3 lần so với mức 1,1 triệu trẻ em bỏ học vào đầu năm 2021.

Vùng Sừng châu Phi đang bước vào mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp. Các dự đoán mới nhất cho thấy mùa mưa từ tháng 10 đến tháng 12 tại khu vực này có thể tiếp tục thiếu mưa, dẫn đến thảm họa chưa từng có.

Hàng triệu gia đình lâm vào tình cảnh khó khăn về kinh tế, thiếu thốn lương thực, nước sạch. Số lượng trẻ em tử vong vì suy dinh dưỡng tăng. Các gia đình buộc phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nguồn lực.

Abhiyan Jung Rana, cố vấn giáo dục của UNICEF tại miền Đông và Nam châu Phi, cho biết, hạn hán còn gây ra hiệu ứng tiêu cực ở ba quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Kenya, Somalia và Ethiopia.

“Ở vùng Sừng châu Phi, khoảng 15 triệu trẻ em không được đến trường. Điều chúng tôi lo lắng là sẽ có thêm 3,6 triệu trẻ em bỏ học khi cùng cha mẹ di dời đến khu vực khác ở xa trường học”, ông Rana bày tỏ.

Cụ thể, 1,57 triệu trẻ em có nguy cơ bỏ học ở Kenya. Con số này lần lượt là 1,14 và 900 nghìn ở Ethiopia và Somalia. Nguyên nhân chủ yếu là gia đình chuyển đến nơi không có trường học. Phụ huynh không đủ khả năng mua đồ dùng học tập. Chương trình hỗ trợ học sinh nghèo trong trường học còn hạn chế.

Bà Kiin Farah Hasan, Hiệu trưởng một ngôi trường ở Somaliland, cho biết, từ cuối năm học 2021 – 2022, sau 2 mùa khô hạn liên tiếp, chỉ còn 31 trong số 56 nữ sinh đến trường.

“Một số nữ sinh đã lấy chồng, số khác chuyển đi nơi khác vì hạn hán. Nhiều người khác vì gia đình quá nghèo nên không thể đi học. Ngay cả việc kiếm kế sinh nhai giờ cũng là một thách thức với các em”, bà Kiin cho biết.

Tại ngôi trường này, giáo viên đã quen với việc dạy học cho những đứa trẻ đói. Đôi khi, thầy cô phải cho nghỉ giữa giờ 30 phút và tìm mua thức ăn cho học sinh. Khi khác, giáo viên nấu đồ ăn từ nhà và mang đi cho những đứa trẻ để các em có thể tập trung học tập.

Không chỉ làm tăng nguy cơ trẻ em bỏ học, hạn hán đang khiến tỷ lệ tảo hôn ở vùng Sừng châu Phi tăng cao, kéo theo đó là các vấn đề như mang thai ở tuổi vị thành niên, bạo lực giới... Đồng thời, bất bình đẳng trong giáo dục tiếp tục nới rộng khi tỷ lệ trẻ em gái và trẻ em trai trở lại trường học không đồng đều.

Bà Sadia Allin, Giám đốc quốc gia của Tổ chức Plan International, kêu gọi các quốc gia tài trợ như Vương quốc Anh nhận thức hạn hán và các cuộc khủng hoảng khác tại vùng Sừng châu Phi đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với giáo dục của trẻ em châu Phi, trong đó có trẻ em gái. Từ đó, các quốc gia tài trợ cần phân bổ khoản ngân sách phù hợp.

“Giáo dục có sức ảnh hưởng to lớn. Nếu chúng ta không cung cấp cho những nữ sinh này những nguồn lực để tiếp tục học tập, chúng ta sẽ mất đi một thế hệ trong tương lai”, bà Allin bày tỏ.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô và trò Trường Tiểu học Triệu Ái thành kính dâng hương tại Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Đ. Đức

Tháng 5 nhớ Bác...

GD&TĐ - Nhiều năm qua, Đền thờ Bác Hồ ở thôn Hà Xá (Quảng Trị) trở thành nơi tham quan, học tập của học sinh nhằm tưởng nhớ Người...
Minh họa/INT

Cảm ơn thầy đã 'thắp lửa'!

GD&TĐ - Lá thư này, em gói ghém tình cảm, kỉ niệm, niềm vui thầy trò trong năm học lớp 12 tuyệt vời, dành tặng thầy.
Ăn uống ngoài vỉa hè rất phổ biến ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng.

Ghi ở vỉa hè Hà Nội

GD&TĐ - Tối nay, tại quán phở yêu thích ở phố Quang Trung, lần đầu tiên tôi được đến gần những thực khách đến mức gần như có thể cảm nhận được hơi thở của họ.
Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Chiếc đèn bàn

GD&TĐ - Lúc này, giấc mộng tan đi, ánh sáng và bóng tối của chiếc đèn bàn hội tụ. Quá khứ qua đi để lại nỗi đau dù là nhỏ nhất trong tâm hồn…