Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện về bé Hải An (7 tuổi) mắc bệnh ung thư đã tình nguyện hiến tặng giác mạc. Trước lúc qua đời, câu nói “mẹ ơi, con nhường lại ánh sáng cho bạn khác nhé” của em khiến hàng triệu trái tim lay động.
Hình ảnh bé gái nhỏ nhắn, có nụ cười tươi sáng, thánh thiện ấy có lẽ sẽ vẫn còn khắc sâu trong lòng bạn đọc ấn tượng không bao giờ phai. Dù mang trong mình trọng bệnh nhưng Hải An lại sẵn sàng quên đi nỗi đau của mình để dũng cảm hy sinh vì người khác.
Trong những bộ đề thi, trên các trang báo, mọi người đều nhắc đến An như một thiên thần nhí. Đã lâu rồi, ở nước ta chuyện hiến tạng vẫn được xem là một vấn đề nhức nhối bởi vì số lượng hiến tặng vẫn còn rất hạn chế. Nhiều người thậm chí còn cho rằng, hiến tạng là một điều cấm kỵ hoặc rất đáng sợ.
Thế nhưng nếu tìm hiểu, có lẽ bạn sẽ biết rằng Hải An không phải người duy nhất quyết tâm hiến tạng, giúp đỡ người khác. Trong số nhiều người giống em còn có chàng trai 29 tuổi tên Lê Ngọc Sang (pháp danh Thiện Quy). Để kêu gọi và tuyên truyền về hiến tạng, anh đã đi bộ xuyên 23 tỉnh thành với chặng đường dài hơn 2.000km để tới Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đăng ký.
Ngày 5/7/2017, chàng trai khuyết tật bán vé số 28 tuổi ở Sài Gòn bắt đầu chuyến hành trình dài của mình tìm về với đất phật Yên Tử (Quảng Ninh). Mục đích ban đầu của chuyến đi là nhằm vận động mọi người ăn chay, quy y phật pháp và bảo vệ môi trường.
Thiện Quy từ Sài Gòn qua Đồng Nai, Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng và cán đích ở Quảng Ninh.
Chuyến đi kéo dài cho đến tháng 10/2017, anh mới gặp được anh Trần Nguyễn An Khương (tham gia Câu lạc bộ xuyên Việt) - người đã đạp xe xuyên Việt để kêu gọi các các hoạt động thiện nguyện và hiến tạng. Nghe anh Khương chia sẻ về hiến tạng, Thiện Quy mới hiểu ra ý nghĩa tốt đẹp của nó và từ đó, anh có thêm một ý niệm mới cho hành trình của mình rằng “cho đi là nhận lại”.
Hành trình xuyên Việt kết thúc vào ngày 12/1 vừa qua và hiện tại, Thiện Quy cũng đã hoàn thành tâm nguyện đăng ký hiến tạng. Có lẽ đi bộ xuyên đất nước để kêu gọi, tuyên truyền một điều gì đó không phải ý tưởng quá mới lạ. Thế nhưng, hành trình kéo dài gần 300 ngày đêm đối với chàng trai khuyết tật hở hàm ếch và chân tay teo tóp bẩm sinh như Thiện Quy quả là thử thách to lớn.
Để kịp tiến độ, Thiện Quy đã đi xuyên ngày đêm. Khi đi, anh chỉ chuẩn bị vỏn vẹn 2 bộ quần áo và 1 chiếc máy sấy tóc cùng 500.000 đồng. Gặp lúc đói khát hay mệt quá, Thiện Quy xin nghỉ lại nhà dân rồi lại tiếp tục hành trình của mình.
Ngày mưa cũng như khi nắng cháy, anh không hề dừng lại. Đối với người bình thường điều đó đã thật khó khăn nhưng với chàng trai cao 1m35, nặng 35kg và nói không rõ tiếng, thách thức dường như được nhân đôi hay có lúc tưởng như còn khó hơn gấp cả 10 lần.
Quyết tâm đi trên chặng đường gian nan với mục đích kêu gọi mọi người hiến tạng, Thiện Quy nhận được rất nhiều câu hỏi hồ nghi.
Có người thắc mắc, bây giờ phương tiện truyền thông phát triển, muốn hiểu về ý nghĩa của hiến tạng, họ có thể tự lên mạng đọc cả ngày với hàng ngàn thông tin hữu ích, đâu cần đến một chàng trai khuyết tật phải đi bộ xuyên Việt để tuyên truyền?
Có người nặng lời hơn còn nói Thiện Quy bị điên, dở hơi hay nhiều người lại bảo anh thực ra là một kẻ hám danh, nhân chuyến đi bộ này để khuếch trương thân thế.
Đối diện với những lời nói ác ý ấy, Thiện Quy chỉ mỉm cười. Anh nói rằng, trong gần 1 năm thực hiện hành trình của mình, Thiện Quy đã nghe thấy rất nhiều lời gièm pha nhưng đều bỏ ngoài tai và dần dần quên đi, không còn nhớ đến.
“Vì nếu cứ nghĩ về những câu nói như thế chắc mình chẳng đủ năng lượng mà đi tiếp. Muốn cho tâm hồn thanh thản hơn có lẽ đôi lúc chúng ta phải không sợ sự khác biệt và gạt qua những lời nói xấu từ người ngoài”.
Thiện Quy phân tích, bản chất của tờ giấy đăng ký hiến tạng không có nhiều ý nghĩa như mọi người vẫn nghĩ. Bởi thế trong hành trình của anh, điều quan trọng nhất mà Thiện Quy muốn hướng đến là tuyên truyền cho mọi người hiểu tại sao nên hiến tạng.
“Đến hôm nay Thiện Quy đã đăng ký hiến tạng thành công nhưng liệu tờ giấy cam kết ấy có thể giúp được ai không thì chính mình vẫn còn chưa biết. Bởi theo quy định của pháp luật, tạng của mình sẽ chỉ được hiến cho y học nếu toàn bộ người thân trong gia đình đồng ý”, Thiện Quy nói.
Thiện Quy cũng phân tích, việc hiến tặng phải được thực hiện ngay khi sau người hiến qua đời do tai nạn, chết não bởi hầu hết các cơ quan nội tạng như gan, thận, tim… đều chỉ bảo quản được vài giờ. “Điều đó có nghĩa là nếu tại thời điểm mình mất mà không có đội ngũ y tế gần kề, có thể kịp thời lấy tạng thì bản đăng ký cũng không còn ý nghĩa”.
Theo Thiện Quy, trong tương lai việc có thể hiến tạng hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, cả bên trong lẫn bên ngoài. Còn ở thời điểm hiện tai, chắc chắn tờ giấy đăng ký chỉ có ý nghĩa như một lời hứa khá xa xôi.
Cho đến lúc anh mất, lời hứa ấy có thể trở thành hiện thực hay không lại phải phụ thuộc vào những tác nhân khác mà có khi chính Thiện Quy không kiểm soát được.
“Bởi vậy, chuyến đi của mình mang mục đích chính là kêu gọi. Nếu nhiều người cùng đăng ký, hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tặng thì chắc chắn, số mô tạng được cấy ghép sẽ nhiều hơn. Thiện Quy đi cùng vì mong gia đình ủng hộ để khi mình mất, tâm nguyện hiến tạng sẽ được hoàn thành”.
Thiện Quy sinh ra và lớn lên ở Thái Bình. Năm 2012, anh quyết định chuyển vào Sài Gòn mưu sinh với nghề bán vé số. Cả một quãng thời gian dài, Thiện Quy sống trong tâm trạng tiêu cực.
Khuyết tật bẩm sinh hở hàm ếch làm anh giao tiếp khó khăn, tay chân teo tóp làm sức khỏe anh yếu đuối… để rồi đối diện trong tình huống ào của cuộc sống, Thiện Quy cũng đều cảm thấy tự ti, mất niềm tin.
“Nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi từ khi mình quy y phật pháp vào năm 2014″, anh chia sẻ. Đạo Phật cùng những quan điểm tích cực đầy tính khoa học của nó đã khiến Thiện Quy thay đổi cách sống. Thay vì chỉ biết nghĩ đến bản thân, Thiện Quy muốn hướng năng lượng của mình ra bên ngoài để giúp đỡ mọi người.
Mong muốn lớn nhất của anh là có thể giúp đỡ người nghèo có cơm ăn, việc làm ổn định. Tuy với sức lực của Thiện Quy hiện tại, anh chưa đủ khả năng làm được điều đó nhưng chàng trai 29 tuổi hy vọng, những tư tưởng sống lạc quan mà anh truyền đạt có thể giúp họ thay đổi suy nghĩ, cách sống để từ đó thay đổi số phận.
“Phật dạy rằng khi chết, thân xác lại về với cát bụi. Bởi thế, thay vì để lãng phí, mình muốn tặng lại cho người khác mô tạng để họ tiếp tục sống. Phật cũng nói rằng, cho đi là mãi mãi, khi sống mà đã cho hết đi thì lúc chết mình mới được thanh thản, nhẹ nhàng”.
“Lúc mình đi vào đúng mùa mưa bão, khi đi bộ qua miền Trung, chứng kiến cảnh mưa lũ mình mới thật sự hiểu rằng hóa ra mình khổ nhưng vẫn còn rất nhiều người khổ hơn mình. Vào đến Hà Tĩnh, mình cùng đội tình nguyện Mái ấm Hương Khê đi làm từ thiện ở địa phương và lại càng thấu hiểu hơn nỗi khổ của người dân”, Thiện Quy chia sẻ.
Hành trình kéo dài 282 ngày cũng đem đến cho Thiện Quy rất nhiều trải nghiệm. Đi dọc đất nước, anh gặp được nhiều người tốt, sẵn lòng giúp đỡ mình qua cơn hoạn nạn, khó khăn.
Thiện Quy nói rằng, hàng ngày đọc báo, xem truyền hình anh thấy cảnh cướp bóc hay các vấn đề tiêu cực xảy ra nhiều nhưng đến khi đi bộ xuyên 23 tỉnh thành mới hiểu rằng thực ra, đó chỉ là những chấm nhỏ trong bức tranh muôn màu rực rỡ của cuộc sống. “Xung quanh chúng ta vẫn luôn là những người Việt Nam rất tốt bụng, lương thiện và tất cả điều ấy, mình đều có trải nghiệm thật“, Thiện Quy kể.
Anh nhớ lại 2 lần từng bị cướp hết đồ đạc, có lần còn bị thương nặng. Một lần đi bộ qua vùng biển Bình Thuận - Ninh Thuận anh bị giật mất điện thoại nhưng sau đó lại được người dân góp tiền mua cho chiếc khác.
Tới vùng Nha Trang - Ninh Hòa (Khánh Hòa), anh lại gặp cướp, bị xô ngã chảy rất nhiều máu và mất hết đồ đạc. Sau đó, anh lại được người dân giúp đỡ, cho ăn, ngủ nhờ và mua điện thoại mới để tiếp tục lên đường.
“Mình nhớ nhất kỉ niệm ở Tam Hải (Quảng Nam), người dân ở xã đảo cũng rất nghèo nhưng vẫn giúp mình, chia cho mình từng gói mì tôm, bát canh rau khiến mình rất cảm động. Mình đã tự nhủ nếu có cơ hội sẽ quay lại đó cảm ơn mọi người. Một kỉ niệm khác là khi đến Yên Tử mình leo bộ lên chùa Đồng nhưng khi xuống lại quá mệt, không leo nổi và nhân viên ở trạm cáp treo sẵn sàng cho mình đi miễn phí xuống”.
Cứ mỗi lần bị cướp hay gặp khó khăn, Thiện Quy lại được người dân kịp thời giúp đỡ.
Thiện Quy đi đến đâu cũng được giúp đỡ, mỗi bước chân anh đi lại có thêm nhiều người hướng Phật, mỗi miền anh qua lại có thể nhiều người hiểu về hiến tạng và điều ấy giúp Thiện Quy tin là chuyến đi của mình đã thành công tốt đẹp.
Hành trình 282 ngày của anh sẽ không thể hoàn thành nếu không có người dân giúp đỡ. Đến giờ khi nhìn lại, điều anh cảm thấy tâm đắc nhất là lòng tốt của mọi người cùng những câu chuyện tốt đẹp, bình dị vẫn luôn xảy ra từng ngày, từng giờ.
“Cuối cùng thì một người khuyết tât như mình, bỏ hết mọi việc, vượt qua khó khăn đi bộ xuyên Việt cũng chỉ là để mong vận động, tuyên truyền cho mọi người hiểu, để sẽ ngày càng có nhiều người được cứu chữa nhờ nguồn mô, tạng được hiến tặng“, Thiện Quy nói thêm.