Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động sẽ diễn ra vào ngày 24/4 tại Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội. Chuyên gia khuyên rằng, các bạn trẻ cần đọc kĩ các thỏa thuận công việc để tránh tranh chấp quyền lợi sau này.
Nhiều cơ hội việc làm hậu Covid-19
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội, Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2021 tới đây là cơ hội để các bạn trẻ có nhiều lựa chọn về việc làm.
Với 1.500 vị trí việc làm, Hội nghị nhằm thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, người học và xã hội về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm giúp học sinh, sinh viên, người lao động chọn nghề và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Hội nghị có 42 gian hàng tư vấn tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó là 22 gian hàng trình diễn kỹ năng nghề, trưng bày giới thiệu mô hình khởi nghiệp, sản phẩm thực hành của HS, SV và 9 mô hình thiết bị đào tạo tự làm.
Bên cạnh đó, có 30 doanh nghiệp tiêu biểu đại diện cho các doanh nghiệp đang liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Hà Nội tham gia ký kết tại Hội nghị với 1.500 chỉ tiêu.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: “Với 1.500 vị trí, chúng tôi chia ra các mức lương 6 - 10 triệu đồng/tháng, 10 - 20 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, nhiều công việc đặc thù có mức lương hơn 30 triệu đồng/tháng đối với vị trí bếp trưởng, giám đốc kinh doanh...”.
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội): “Hội nghị hướng tới lực lượng lao động ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bị mất việc làm hoặc có nhu cầu chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm với thu nhập tốt hơn”.
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Vũ Quang Thành cho biết, các ngành thuộc khối nghề như cơ khí, điện dân dụng… luôn “khát “nhân lực. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp phản hồi chỉ cần ứng viên đáp ứng được 70 - 80% yêu cầu tuyển dụng là sẽ được nhận vào thử việc ngay. Đây là cơ hội để các bạn học viên năm cuối tại cơ sở đào tạo nghề có cơ hội gặp trực tiếp nhà tuyển dụng.
“Kinh nghiệm làm việc cần thời gian, trao đổi trong thực tiễn. Tuy nhiên, các bạn học viên năm cuối phải nắm chắc kĩ năng, kiến thức nghề thật tốt để thuyết phục doanh nghiệp…”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng cho biết thêm, qua nắm bắt sơ bộ, các doanh nghiệp rất chủ động trong việc tham gia vào quá trình đào tạo, tìm nhân lực ngay còn trên ghế nhà trường. Đơn vị tuyển dụng trực tiếp đồng hành cùng cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình sao cho kiến thức phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, phiên giao dịch việc làm là cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu và định hướng tuyển dụng phù hợp điều kiện thực tế.
Do ảnh hưởng của Covid-19, các thị trường quen thuộc như Trung Á, Đông Âu, Đông Á… hạn chế tuyển dụng thêm lao động do đơn hàng hạn chế, cắt giảm nhân công để giảm chi phí…
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), một số nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… đang có kế hoạch tuyển dụng các ngành như điều dưỡng đa khoa, hộ lý, thi công cốt thép…
Người trẻ phải chủ động thích ứng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố, việc bùng phát dịch Covid-19 đợt 3 làm giảm đà phục hồi của thị trường lao động. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu người, tăng 12.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Số người thiếu việc làm được ghi nhận là 971.400 người. Tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm nay là 2,42%. Thêm nữa, tỉ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập hoặc đào tạo trong quý I là 16,3%, tương đương với gần 2 triệu thanh niên.
Do vậy, ông Thành nhấn mạnh, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho đối tượng người trẻ rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là tại Hà Nội. “Nếu chúng ta kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tốt thì cơ hội việc làm, thị trường tuyển dụng sôi nổi, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển thêm nhân lực. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, doanh nghiệp yếu thì người lao động không thể khỏe được…”, ông Thành nói.
“Đầu tiên, các bạn nên tham gia các buổi tư vấn việc làm để xác định tâm thế sẵn sàng tham gia thị trường lao động hay chưa. Thứ hai, tự bản thân phải bổ sung kĩ năng mềm như làm việc nhóm, gia, quản lý thời gian, vượt qua khủng hoảng… Thứ ba, các bạn phải tìm hiểu các yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp như trình độ, yêu cầu ngoại ngữ… để trau dồi. Thứ tư, ai cũng phải nắm rõ Bộ luật Lao động 2019 với các điểm cụ thể như hợp đồng lao động, chế độ, quyền lợi nghỉ phép, giờ làm thêm…”, ông Thành nói thêm.
Ngoài ra, ông Thành khuyên các ứng viên phải đọc kĩ các thỏa thuận công việc được giao để tránh việc tranh chấp quyền lợi sau này. Ông khuyên: “Các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm nên tìm đến hệ thống các trung tâm việc làm được cơ quan chức năng giao nhiệm vụ tuyển dụng để được hỗ trợ thông tin chính thống tránh việc “ngợp” trước “rừng thông tin” trên mạng Internet”.
Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động việc làm cho thấy trong quý I năm 2021, có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng dịch, 540.000 người mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh, 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ việc, nghỉ luân phiên, có 6,5 triệu người bị giảm thu nhập.
NGƯT.TS Phạm Hữu Lộc - Bí thư, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều lao động bị mất việc làm. Số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Theo tính toán, nhóm đối tượng này sẽ có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp và nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Hơn nữa, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với GDNN tuy đã có nhiều thay đổi, song vẫn chưa có chính sách đầu tư để đáp ứng yêu cầu trong việc phát triển, nâng cao chất lượng GDNN. Điều này dẫn đến chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động hiện nay.