Văn hóa – Sức mạnh nội sinh của Nhân dân vùng mỏ

Những đổi thay ở huyện miền núi Quảng Ninh

GD&TĐ - Những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã dành sự quan tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở các huyện miền núi.

Trung tâm huyện Tiên Yên nhìn từ trên cao.
Trung tâm huyện Tiên Yên nhìn từ trên cao.

Đời sống người dân được nâng lên

Bám sát quan điểm mục tiêu nhiệm vụ Nghị quyết 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, huyện Tiên Yên đã tìm ra hướng đi bằng chính sức mạnh nội lực, khai thác tiềm năng kinh tế sẵn có, kết hợp phát triển sản phẩm mang giá trị văn hóa.

Trong đó, gà Tiên Yên không chỉ là đặc sản được biết đến rộng rãi mà còn trở thành biểu tượng văn hóa địa phương, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, giúp người dân tự tin vươn lên thoát nghèo và làm giàu bền vững. Bên cạnh đó, tư duy của người dân Tiên Yên cũng đã có những bước chuyển tích cực, đổi mới trong cách nghĩ cách làm.

Anh Trần Đăng Hạnh (31 tuổi, xã Phong Dụ) đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ dây chuyền cao trong quy trình sơ chế, bảo quản gà thương phẩm đầu tiên tại xã.

“Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sơ chế, bảo quản, sản phẩm gà thương phẩm Tiên Yên của gia đình tôi hai lần được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, mang lại thu nhập cho gia đình 300 triệu đồng mỗi năm”, anh Hạnh nói.

Ông Phạm Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết, thực hiện Nghị quyết 17 của Tỉnh ủy gắn với triển khai Chương trình phát triển tổng thể kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bám sát sự chỉ đạo, định hướng của tỉnh, thời gian qua huyện Tiên Yên đã quan tâm đầu tư các tuyến giao thông quan trọng có tính kết nối vùng, liên vùng và các thiết chế văn hóa, thể thao.

Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây rừng trồng theo hướng bền vững, lâu dài gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng và triển khai các đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn để thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đến nay, theo số liệu thống kê, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 100 triệu đồng/người/năm.

nhung-doi-thay-o-huyen-mien-nui-quang-ninh-anh-3.jpg
Xã Đại Dực, huyện Tiên Yên với những ruộng bậc thang hút khách du lịch.

Cũng tận dụng lợi thế của địa phương, huyện Ba Chẽ, nơi từng chỉ được biết đến như một huyện vùng sâu vùng xa khó khăn, nay đã trở thành “vựa cây dược liệu” lớn nhất Quảng Ninh với hơn 500 ha cây dược liệu.

Với tiềm năng lợi thế thổ nhưỡng phù hợp với cây lâm nghiệp, huyện vùng cao Ba Chẽ đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ba Chẽ thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu của tỉnh Quảng Ninh, qua đó tạo sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân.

Theo ông Đặng Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, những năm qua, bên cạnh phát triển rừng trồng gỗ lớn, xã đã chỉ đạo nhân dân trồng xen các loại cây dược liệu như quế, trà hoa vàng, ba kích... để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhờ đó thu nhập của người trồng rừng từng bước được nâng lên. Năm 2023 thu nhập bình quân đạt 66,58 triệu đồng/người, tăng 4,98 triệu đồng so với năm 2022. Dự kiến hết năm 2024 đạt trên 70 triệu đồng/người.

Đổi mới giáo dục và bảo tồn văn hoá

Bên cạnh sự phát triển về kinh tế, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh cũng tăng cường đổi mới giáo dục, phát triển văn hoá giàu bản sắc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 17-NQ/TU về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.

Huyện Tiên Yên xác định quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, qua đó xây dựng phát triển con người Tiên Yên toàn diện cả về nhân cách, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, trách nhiệm xã hội. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện của con người.

Từ 2023 đến nay, huyện có 3 trường học được đầu tư xây mới với cơ sở vật chất khang trang. Cô giáo Nguyễn Mai Khanh, hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngũ chia sẻ: “Tập thể cán bộ giáo viên cùng phụ huynh, học sinh trong trường rất phấn khởi vì năm học 2024-2025 được học trong ngôi trường mới khang trang, rộng rãi. Đây là trường tiểu học khang trang nhất nhì của tỉnh, tổng diện tích 23.017m2, tổng mức đầu tư 109 tỷ đồng. Nhà trường có các phòng học chức năng và đặc biệt là một phòng công nghệ để tăng cường các hoạt động Stem vào dạy học”.

nhung-doi-thay-o-huyen-mien-nui-quang-ninh-anh-4.jpg
Trường Tiểu học Đông Ngũ, Tiên Yên được xây mới khang trang.

Bà Nguyễn Thị Mây, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tiên Yên cho biết, nhằm đáp ứng mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy học. Đặc biệt chú trọng các hoạt động trải nghiệm giáo dục địa phương, giáo dục di sản văn hoá, tổ chức cho học sinh tham quan Bảo tàng tỉnh, Thư viện và các di tích lịch sử.

Công tác kết hợp giữa giáo dục và bảo tồn văn hoá cũng được các huyện miền núi đẩy mạnh. Sự kết hợp này tạo nên sức mạnh nội sinh, vừa trang bị tri thức hội nhập, vừa giữ vững gốc rễ văn hóa dân tộc.

Tại Bình Liêu, một điểm sáng đặc biệt là sự hồi sinh các làng nghề truyền thống và các lễ hội dân gian như lễ cầu mùa của người Sán Chỉ, lễ rước râu và thêu của người Dao, lẩu then của người Tày, ngày hội kiêng gió ở xã Đồng Văn… Các lớp học dạy nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm nón lá, chế tác nhạc cụ dân tộc, giúp người dân có thêm thu nhập từ chính những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.

Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, huyện không chỉ tập trung khôi phục các giá trị văn hóa truyền thống mà còn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù như lễ hội hoa sở, chợ phiên vùng cao và các tour trải nghiệm văn hóa tại làng dân tộc. Các hoạt động bảo tồn nghệ thuật hát then, đàn tính, lễ hội đình Lục Nà của người Tày, múa khăn của người Dao, hay lễ hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ được tổ chức đều đặn và ngày càng thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương và du khách.

Nhờ đó lượng khách du lịch đến Bình Liêu trong năm 2023 đạt trên 150.000 lượt, tăng 40% so với năm trước, góp phần đưa văn hóa dân tộc ra khỏi phạm vi địa phương, đồng thời tạo nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng dân cư.

“Chúng tôi đang tập trung phát triển du lịch trải nghiệm, xây dựng bản văn hoá du lịch cộng đồng các dân tộc tại ba xã Lục Hồn, Húc Động, Đồng Văn. Phát triển ưu thế cảnh quan thiên nhiên môi trường, đẩy mạnh sử dụng công nghệ số để quảng bá và bảo tồn văn hóa. Việc này không chỉ bảo vệ di sản văn hóa mà còn tạo ra một nguồn lực mới để phát triển du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế cho huyện”, ông Ngò nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.