Văn hóa – Sức mạnh nội sinh của Nhân dân vùng mỏ

Công nhân vùng mỏ với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”

GD&TĐ - Trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh và ngành than luôn gắn bó mật thiết tạo nên sức mạnh nội sinh cho sự phát triển chung.

Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm giữ vững an toàn trước ca sản xuất.
Công nhân Công ty CP Than Vàng Danh thể hiện sự đoàn kết, quyết tâm giữ vững an toàn trước ca sản xuất.

Biểu tượng sức mạnh đoàn kết

Cách đây 88 năm, cuộc tổng bãi công tháng 11 năm 1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm chúng ta nhất định thắng” yêu cầu chủ mỏ phải tăng lương, chống đánh đập, ngược đãi công nhân, cải thiện điều kiện lao động, đã gây choáng váng cho bộ máy thống trị thực dân Pháp và chủ mỏ Đông Dương, buộc chúng phải chấp nhận mọi yêu sách của công nhân.

Thắng lợi của cuộc tổng bãi công năm 1936 đã mang lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng công nhân, về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp.

Bài học “Kỷ luật và Đồng tâm” đã đồng hành với cuộc đấu tranh của đội ngũ công nhân mỏ trong các chặng đường cách mạng và trở thành một động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

88 năm qua, với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhưng vượt lên tất cả, tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” vẫn lan tỏa sâu rộng trong văn hóa công nhân mỏ, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong người dân vùng mỏ Quảng Ninh với nhiều ý nghĩa tốt đẹp.

cong-nhan-vung-mo-anh-2.jpg
Công nhân khai thác than dưới hầm lò ở Quảng Ninh.

Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” góp phần quan trọng để công nhân ngành than bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức. Trong đó, có thể kể đến trận mưa lũ lịch sử cuối tháng 7 đầu tháng 8/2015 làm ngành than thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân ngành than đã cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn.

Tiếp đến là đợt dịch bệnh Covid-19 bùng phát kéo dài từ cuối năm 2019 đến quý I năm 2022, làm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sinh hoạt của toàn xã hội, trong đó có ngành than.

Tiếp tục phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, đội ngũ công nhân, cán bộ ngành than tích cực, quyết liệt cùng nhau chống dịch, linh hoạt, sáng tạo trong lao động sản xuất. Trong 3 năm (từ năm 2020 đến năm 2022), ngành than đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mới đây nhất, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ ngày 7/9/2024 với sức gió mạnh gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương và TKV.

Ngay sau khi bão tan, TKV đã chỉ đạo các đơn vị phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” và tinh thần vượt khó thần tốc khắc phục hậu quả sau bão, nhanh chóng ổn định sản xuất. Các đơn vị hỗ trợ nhân lực, phương tiện, thiết bị cùng ngành điện, chính quyền địa phương khôi phục hệ thống điện lưới, hệ thống giao thông, giúp đỡ các trường học, các khu phố thu dọn, vệ sinh môi trường.

Tổ chức công đoàn rà soát, thống kê những gia đình công nhân của tập đoàn tại Quảng Ninh và các tỉnh ngoài bị thiệt hại do bão số 3. Kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ để người lao động ổn định cuộc sống.

Sau mỗi lần thiên tai, dịch bệnh, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, tinh giản và bố trí lại lao động, sản xuất, kinh doanh lại phát triển mạnh mẽ hơn, công nhân, cán bộ phấn khởi hơn, thu nhập và chế độ phúc lợi cho công nhân được tăng lên, được chăm lo tốt hơn cả về vật chất và tinh thần.

Có thể nói truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã tạo nên sức mạnh giúp ngành than vượt qua mọi khó khăn thử thách, là tài sản tinh thần vô giá của đội ngũ công nhân mỏ, trở thành biểu tượng sức mạnh đoàn kết, làm nên thương hiệu trong văn hóa doanh nghiệp vùng than.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng khẳng định, sức mạnh nội sinh để tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đó chính là truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của người thợ mỏ để hun đúc tạo nên nét văn hóa của Quảng Ninh, máu thịt của vùng mỏ bất khuất. Chúng ta tự hào vững bước vượt qua khó khăn, thử thách từ truyền thống quý báu của vùng than. Tự hào về truyền thống cách mạng của vùng mỏ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh càng ý thức hơn về trách nhiệm to lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển của đất nước.

Gìn giữ và phát huy truyền thống

Hiện nay, việc gìn giữ và phát huy truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” của những người thợ mỏ tiếp tục được thực hiện gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển sản xuất kinh doanh của TKV.

cong-nhan-vung-mo-anh-4.jpg
Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” góp phần quan trọng để công nhân ngành than bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức.

Đồng thời, gắn với việc chăm lo đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, từ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đến nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực thi nhiệm vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân mỏ đáp ứng yêu cầu giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cùng với đó, gắn với việc xây dựng văn hóa, con người Quảng Ninh “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”.

Có thể nói, điều kiện làm việc của công nhân ngành than là rất khó khăn và nặng nhọc, đòi hỏi người lao động không chỉ có sức khỏe mà còn phải có sự quyết tâm, lòng yêu nghề, tình yêu đất mỏ và lao động khoa học.

Trong đội ngũ thợ mỏ ở Quảng Ninh, có nhiều người từ nơi khác đến, nhưng đều có chung một suy nghĩ, một hành động là sản xuất than cho Tổ quốc, làm giàu cho quê hương Quảng Ninh.

Người thợ mỏ luôn có tinh thần yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, trong chiến tranh luôn khát vọng được độc lập và tự do, trong thời kỳ xây dựng đất nước thì luôn khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo khó, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, dù trong khó khăn, vất vả, họ vẫn hăng say phấn đấu vì lợi ích chung.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy than Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Tường cho biết, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã đã trở thành biểu tượng tinh thần của ngành than cũng như của tỉnh Quảng Ninh, để văn hóa công nhân thực sự là cơ sở nền tảng để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa công nghiệp than trong phát triển nền kinh tế xanh ở Quảng Ninh. Trong giai đoạn tới ngành sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, trước hết trong lãnh đạo cấp uỷ, cơ quan chuyên môn về ý nghĩa và trách nhiệm đối với việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam trong thời kỳ mới.

Phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu sắc của người thợ mỏ và người dân Quảng Ninh về bản chất, ý nghĩa to lớn để từ đó tiếp tục gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá cốt lõi “Kỷ luật và Đồng tâm” của công nhân vùng mỏ…

Đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Tỉnh ủy “về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.