Trường học hạnh phúc:

Yêu thương và được yêu thương

GD&TĐ - Là một người dạy học, tôi cứ bần thần mỗi khi nghĩ đến hình ảnh ngôi trường mang tên Tắk Pổ tranh tre nứa lá trống trải trên ngọn đồi mù sương.

Cô Trà Thị Thu - giáo viên điểm trường Tắk Pổ cùng các em học sinh đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Trà Thị Thu
Cô Trà Thị Thu - giáo viên điểm trường Tắk Pổ cùng các em học sinh đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2022 - 2023. Ảnh: Trà Thị Thu

Rồi còn nhiều cảnh khai giảng đơn sơ ở những vùng non cao Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Nghệ An… mà tôi được xem qua các phương tiện báo đài.

Nơi chứa chan tình người

Nỗi xúc động mạnh không chỉ với riêng tôi về lễ khai giảng năm học 2019 và những năm học sau đó của cô trò điểm trường Tắk Pổ, một điểm lẻ của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Trà Tập miền cao xứ Quảng ấy. Xúc động đến trào nước mắt và thấy thật thân thương, gần gũi. Vì sao? Có phải vì hình ảnh những đứa trẻ nghèo chân đất, áo quần còn nhem nhuốc, trường lớp, bàn ghế gần như không thể đơn sơ hơn được nữa? Đó có thể là nguyên nhân chính, nhưng theo tôi cũng không phải tất cả.

Cảm xúc thân thương còn đến từ sự bất ngờ tương phản, với một nơi còn đầy khó khăn như vậy, tưởng như mọi thứ dễ dàng chặc lưỡi phó mặc “buông xuôi” cho hoàn cảnh - điều không mấy ai biết, cũng chẳng ai trách - mà lại chứa chan tình người, ở đây là tình cô trò. Hình ảnh hai cô giáo trẻ cắm bản cùng gần 40 đứa trò nhỏ đã chạm vào sâu thẳm tình người. Nó vượt lên ý nghĩa trường lớp, mà giống như một gia đình, nơi mẹ con, chị em quấn quýt vượt khó cưu mang lẫn nhau, cùng học tập vui chơi, cùng hướng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động phong trào thi đua xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Vào thời điểm đó, có lẽ cô giáo Trà Thị Thu năm ấy mới 25 tuổi cùng một nữ đồng nghiệp cùng cắm bản nơi hẻo lánh này không nghĩ rằng mình đã xây dựng được một ngôi trường hạnh phúc thực sự. Thì ra hạnh phúc đâu phải điều gì lớn lao, là trường lớp cao tầng, tiện nghi học tập và vui chơi đầy đủ!

Hạnh phúc là khi những tâm hồn trẻ thơ được hớn hở, được tin yêu và thương yêu. Một tin vui, đó là ngay những ngày cuối cùng của năm 2022, ngôi trường Tắk Pổ khang trang đã hoàn thành đón cô trò vào học. Món quà do cộng đồng cựu sinh viên Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITAA-VN) thông qua Báo Tuổi trẻ TPHCM mang đến cho cô và trò nơi “ngôi trường cổ tích” này, nối dài thêm niềm hạnh phúc cho cô trò trên con đường kiếm tìm con chữ.

Hạnh phúc - định nghĩa của nó thật phong phú cũng như chính là… hạnh phúc vậy. Theo tháp nhu cầu Maslow của phương Tây, hay theo quan điểm phương Đông, như Phật giáo? Theo tiêu chuẩn của Liên Hiệp Quốc, hay tiêu chí của các bảng xếp hạng hạnh phúc hàng năm của nhiều tổ chức trên thế giới? Nhưng dù thế nào và ở đâu thì một trong những trụ cột căn bản nhất của hạnh phúc vẫn là Yêu thương và được Yêu thương.

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm lại lấy cảm hứng từ một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới là Vương quốc Buhtan. Một quốc gia Nam Á có nền kinh tế thuộc loại nhỏ nhất thế giới, chủ yếu nông nghiệp với điều kiện địa lý, địa hình núi non đầy khắc khổ. Thế nhưng nơi ấy, chỉ số Tổng Hạnh phúc quốc gia (GNH) được coi trọng hơn chỉ số Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP). Điểm trường Tắk Pổ nhỏ bé khiến liên tưởng tới xứ sở Buhtan chăng?

Lan tỏa hạnh phúc

Chủ trương “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo vì một Trường học hạnh phúc” được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động và triển khai từ tháng 4/2019 vẫn còn nguyên giá trị, đã và đang được nhân rộng tại các trường học trên toàn quốc. Với ba yếu tố cốt lõi: Yêu thương, An toàn và Tôn trọng.

Ở đây có thể nhận ra ý tứ chặt chẽ trong câu chữ của một chủ trương lớn mang tính nhân văn và cần thiết. Đó là đề cập trước hết đến chủ thể chính quan trọng có tính quyết định nhất: Nhà giáo.

Tại Hội thảo “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc năm 2022” vừa được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham gia của hơn 400 hiệu trưởng các cấp từ 50 tỉnh, thành cả nước và các chuyên gia giáo dục quốc tế, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - khẳng định: “Cả nước hiện có gần 30 nghìn hiệu trưởng trường phổ thông. Khi hiệu trưởng hạnh phúc có thể tạo ra môi trường tốt cho hơn 800 nghìn giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo ra hạnh phúc cho hơn 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ nhân lên và lan tỏa trong xã hội”.

Nhưng, như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong văn bản gửi các đại biểu Quốc hội hồi cuối năm 2022, thì nguyên nhân chủ yếu là “chế độ, chính sách về tiền lương (của giáo viên) còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống”. Tư lệnh ngành Giáo dục đã đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo; tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục…

Một mùa Xuân mới đã về. Mong muốn của các thế hệ thầy, cô giáo - những người gieo mầm mùa Xuân tương lai cho đất nước - là được quan tâm, được tin yêu và tôn trọng hơn, xứng đáng với trọng trách của mình, để thầy, cô giáo góp phần đem đến mùa Xuân trí tuệ, nhân ái và sáng tạo mãi sinh sôi, vững bền trên đất nước chúng ta, đồng hành cùng bước tiến của nhân loại…

Ngoài tiền lương, theo các chuyên gia giáo dục, cũng cần phải cải tổ quy trình công việc, điều kiện làm việc của giáo viên để giảm bớt công sức tham gia vào những công việc, hoạt động không cần thiết. Việc đảm bảo an toàn và tôn trọng giáo viên cũng cần có kế hoạch căn cơ, bài bản, khi nghề giáo là một nghề đặc biệt, với nhạy cảm đặc biệt thuộc về lĩnh vực cảm xúc, tâm hồn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ