"Trường học hạnh phúc" phải có thầy cô hạnh phúc

GD&TĐ - Theo chia sẻ từ các thầy cô, để kiến tạo nên trường học hạnh phúc, một trong các yếu tố then chốt chính là đội ngũ giáo viên. Thầy cô hạnh phúc mới lan tỏa được tới học sinh và ngược lại.

Niềm hạnh phúc với mỗi thầy cô chính là được thấy nụ cười của học sinh mỗi ngày; phụ huynh, xã hội ghi nhận sự nỗ lực của giáo viên.
Niềm hạnh phúc với mỗi thầy cô chính là được thấy nụ cười của học sinh mỗi ngày; phụ huynh, xã hội ghi nhận sự nỗ lực của giáo viên.

Thầy cô hạnh phúc khi được xã hội ghi nhận

Cô Nguyễn Ngọc Dung - Hiệu trưởng Trường THCS Minh Khai (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ: Hạnh phúc của nhà giáo là sự trân trọng, tình cảm yêu quý mà học sinh dành cho. Đó cũng là sự tin tưởng, cảm giác gần gũi thân thiết mà phụ huynh dành cho thầy cô. Trong môi trường làm việc, đồng nghiệp thân thiện, sẵn sàng chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm cũng như những khó khăn, tâm tư cảm xúc trong cuộc sống, giáo viên sẽ hạnh phúc, thêm tự tin để cống hiến.

Để có được hạnh phúc trong công việc dạy học, giáo viên không thể ngồi chờ hạnh phúc đến với mình mà phải hành động. Đó là làm việc bằng chính cái tâm của người thầy, yêu thương với học sinh, mong muốn đem tới cho các em không chỉ là kiến thức mà còn là kỹ năng, cảm xúc về con người hay cuộc sống. 

Sau bao năm, học trò cũ vẫn nhớ tới cô giáo năm xưa chính là niềm hạnh phúc lớn lao với mỗi nhà giáo.
Sau bao năm, học trò cũ vẫn nhớ tới cô giáo năm xưa chính là niềm hạnh phúc lớn lao với mỗi nhà giáo.

Để giáo viên hạnh phúc, nhà trường cần tạo điều kiện để giáo viên phát huy năng lực, sở trường của mình thông qua việc giao nhiệm vụ đúng với năng lực của họ. Động viên, khích lệ bằng cả vật chất, tinh thần. Người thầy sẽ hạnh phúc khi được xã hội, mà cụ thể là phụ huynh ghi nhận, thấu hiểu được những vất vả cũng như những gì họ đã làm được cho học sinh, cho xã hội. 

"Với tôi, niềm hạnh phúc nhất vẫn là việc được lên lớp,  giảng dạy trực tiếp, nói với trò về những câu chuyện,  bài thơ..... Thật hạnh phúc khi các em vẫn thích những bài giảng của mình. Có lẽ điều hạnh phúc nhất của một giáo viên chính là tình cảm của những trò cũ. Sau bao nhiêu năm, trò cũ vẫn nhắc nhớ đến thầy cô, mong được trở về học lại với cô bên mái trường xưa" - cô Dung bộc bạch. 

Để trường học là ngôi nhà thứ 2 

Với hơn 20 năm gắn bó với ngành giáo dục, cô Ngô Thị Nhã - Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Hội A (Đan Phượng, Hà Nội) cho rằng: Để xây dựng một trường học hạnh phúc, điều đầu tiên là chính các giáo viên phải hạnh phúc. Từ đó, thầy cô mới lan tỏa tinh thần và hạnh phúc đó tới học sinh. 

Cô Ngô Thị Nhã luôn chú trọng tận dụng điểm mạnh của mỗi giáo viên để có sự phân công, phân nhiệm phù hợp với từng vị trí.
Cô Ngô Thị Nhã luôn chú trọng tận dụng điểm mạnh của mỗi giáo viên để có sự phân công, phân nhiệm phù hợp với từng vị trí.

Theo vị hiệu trưởng, một trong yếu tố quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc chính là đội ngũ. Trong nhiều năm qua, đội ngũ nhân sự của nhà trường luôn đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, nề nếp và mọi người sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ lần nhau mỗi khi khó khăn. Là người quản lý phải đối xử với đồng nghiệp như người thân. Thực tế cho thấy, thời gian các cô ở trường kéo dài từ 10 - 12 tiếng; thời gian ngủ ở nhà khoảng 6 - 7 tiếng, còn lại là dành cho chồng con, gia đình. Trường chính là ngôi nhà thứ hai của mỗi giáo viên. 

"Một khi đã là người thân trong nhà thì gặp vấn đề khó khăn gì đều có thể gặp gỡ, trao đổi để cùng nhau tìm cách tháo gỡ.  Có những lúc làm chưa đúng sẵn sàng đưa ra ý kiến góp ý để rút kinh nghiệm và điều chỉnh, tuyệt đối không mang tư tưởng thù hằn. Ngoài ra, ai giỏi lĩnh vực gì thì sẵn sàng chia sẻ với đồng nghiệp. Một người biết thì một người khổ, nhưng nhiều người biết thì nhiều người vui trong đó có mình. Do đó, cùng nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương, đồng cảm và đoàn kết mới kiến tạo nên được ngôi trường hạnh phúc" - cô Nhã tâm sự. 

Bên cạnh đó, nhà trường đi tìm con đường hạnh phúc cho đội ngũ thông qua việc khen thưởng rõ ràng, mọi thứ đều phải công khai, minh bạch. Trong công việc luôn có khen, có chê nhưng không phải chê để "dìm" người khác xuống. Khi góp ý thì phải định hướng cho đồng nghiệp cách khắc phục để phát triển cá nhân. Trong cả một tập thể gồm 41 giáo viên đứng lớp, mỗi người sẽ có những điểm mạnh riêng. Người quản lý phải nhìn rõ ra điều đó để phân công phù hợp. 

Cô Ngô Thị Nhã nhấn mạnh thêm, mỗi hoạt động hay phong trào của nhà trường đề ra, hiệu trưởng sẽ phải có cách sắp xếp để nâng mặt mạnh của giáo viên, tạo động lực giúp họ yên tâm cống hiến với nghề. Với học sinh, các cô giáo luôn dành những tình cảm yêu thương chân thành. Chỉ khi cô trò, đồng nghiệp cùng đối xử với nhau như những người thân trong gia đình  mới thực sự tô đậm thêm bức tranh về mô hình trường học hạnh phúc. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ