Yêu thích Vật lý nhờ... nghịch ngợm

GD&TĐ - Về nước sau tấm huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế, Tạ Bá Dũng sẽ theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Gắn bó lâu dài với Vật lý là mong muốn của chàng sinh viên đẹp trai nhiều tài lẻ này.

Yêu thích Vật lý nhờ... nghịch ngợm

Đam mê Vật lý ngay từ lần đầu tiếp xúc với môn học năm lớp 6, Dũng cho rằng Vật lý có rất nhiều ứng dụng vào đời sống. Nhờ Vật lý, em đã biết rõ hơn về các hiện tượng trong tự nhiên, vì sao có nhật thực, nguyệt thực, vì sao có cầu vồng, tại sao ô tô xe máy lại có thể chạy được bằng xăng...

Từ kiến thức hữu ích ban đầu đó, tình yêu Vật lý của Dũng lớn dần. Dũng hay tò mò về những thiết bị xung quanh. Khi không hiểu nguyên lý hay quá trình hoạt động của thứ gì, em lại tìm tài liệu đọc.

Chia sẻ về bí quyết học tập, Dũng cho biết: Trước tiên là phải có niềm đam mê với môn học này, từ đó mở rộng kiến thức bằng cách đọc sách. Em không đọc quá nhiều sách nhưng em rất chú trọng tìm ý chính, tự phát triển và mở rộng kiến thức. Cách học này giúp em nhớ sâu và lâu hơn.

Sau mỗi bài học được các thầy cô giảng trên lớp, em viết những công thức đã học ra và cố gắng chứng minh lại nó để nhớ sâu hơn. Hoặc từ những công thức đó mình phát triển ra những ý mới chứ không hẳn là học thuộc lòng.

Vật lý là môn học hay nhưng cũng là một môn học khó, đòi hỏi phải có tư duy logic và phải tính toán nhiều. Với một bài Vật lý khó, vài ngày không nghĩ ra cách giải là chuyện bình thường. Những lúc như vậy, em và các bạn lại cùng nhau trao đổi. Mỗi lần trao đổi là có thể lục lại rất nhiều kiến thức, ngay cả khi không tìm ra cách giải quyết.

Và để nhớ lâu các công thức Vật lý là phải làm thí nghiệm. Em may mắn được học tại trường THPT chuyên KHTN nên có điều kiện tiếp xúc nhiều với phòng thí nghiệm. Nhưng cũng có lần em tự làm thí nghiệm ở nhà và tạo ra cảm giác "hú hồn". Bố mẹ nhiều lần đã từng rất sợ trước những trò nghịch ngợm của em- Dũng cho biết.

Gia đình và bạn bè chúc mừng Tạ Bá Dũng với tấm HCV Olympic Vật lý quốc tế
 Gia đình và bạn bè chúc mừng Tạ Bá Dũng với tấm HCV Olympic Vật lý quốc tế

Chị Đỗ Thanh Hà- mẹ Dũng nhớ lại những kỉ niệm về con trai: Hồi còn học THCS, Dũng rất hay hỏi mẹ những vấn đề liên quan đến Vật lý. Khi bất kỳ ai đó hỏi muốn làm gì, em cũng dõng dạc đáp muốn trở thành một nhà Vật lý. Học cấp 3, Dũng say mê với những thí nghiệm, em thường tự tìm hiểu rồi tự mua đồ về làm.

Một lần khi đang nấu cơm, điện vụt tắt và một tiếng nổ phát ra. Chưa kịp lấy lại bình tĩnh thì Dũng từ trong phòng lao ra hỏi mẹ có sao không rồi bảo con vừa làm thí nghiệm. Đôi khi cũng lo lắng với mấy thí nghiệm có phần mạo hiểm của con, nhưng không vì thế mà ngăn cản.

Cảm ơn sự dìu dắt dạy dỗ của các thầy cô giáo, chị Hà tâm sự: Dũng đã rất may mắn là được học ở những ngôi trường tốt và may mắn hơn là được học với hai cô giáo chủ nhiệm tuyệt vời là cô Cao Vân Khánh và cô Đào Minh Nguyệt. Ngoài ra Dũng còn một người thầy luôn bên cạnh dìu dắt là thầy Nguyễn Công Toản - phụ trách đội tuyển Vật lý của trường. Nhờ các thầy cô dạy dỗ dìu dắt, Dũng mới có được ngày hôm nay.

Những chàng trai vàng của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế 2017 chụp ảnh cùng thầy trường đoàn Nguyễn Thế Khôi trong ngày chiến thắng trở về
Những chàng trai vàng của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế 2017 chụp ảnh cùng thầy trường đoàn Nguyễn Thế Khôi trong ngày chiến thắng trở về

Với Dũng, việc tham dự các cuộc thi Olympic quốc tế là trải nghiệm thú vị, giúp em có cơ hội gặp gỡ bạn bè quốc tế, giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Sau mỗi lần dự thi APhO và IPhO, em làm quen được với nhiều người cùng đam mê Vật lý, có những trao dổi thú vị về bộ môn này. Ngoài ra, cuộc thi lần này không chỉ giúp Dũng mang về tấm huy chương quý giá mà còn giúp em nhận ra sự quan tâm hết mình của những người xung quanh.

Cùng với niềm đam mê Vật lý, Dũng đặc biệt thích chơi piano và coi đó là cách hiệu quả giúp thoải mái đầu óc. Đam mê âm nhạc từ khi mới học lớp 2 khi nghe những bản nhạc cổ điển hay và bị cuốn hút nên Dũng quyết định theo đuổi môn nghệ thuật này.

Đối với Dũng, Vật lý và âm nhạc có mối tương đồng: Âm nhạc cần có logic hay cấu trúc nào đó mới có thể viết ra một bản nhạc hay, Vật lý cũng cần có sự logic để dẫn dắt vấn đề. Hai bộ môn tưởng như xa lạ nhưng lại rất gần gũi.

"Sau những bài toán Vật lý căng thẳng thì em tìm đến âm nhạc để giải tỏa. Hơn nữa em cũng tìm thấy trong âm nhạc có sự logic khá tương đồng với Vật lý. Mỗi lần chơi xong một bản nhạc yêu thích, em lại có hứng thú hơn để tiếp tục ngồi học môn Vật lý".

Trở về Việt Nam cùng tấm huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế, Tạ Bá Dũng sẽ theo học ngành Cơ điện tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Ước mơ của Dũng sẽ trở thành một nhà nghiên cứu về Vật lý và sẽ có một phát minh nào đó thật thú vị.

Xem thêm: Chàng trai mê piano giành giải vàng Olympic Vật lý quốc tế 2017

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh giác với dòng rip

GD&TĐ - Dòng rip là luồng nước mạnh chảy vuông góc từ bờ ra biển. Hiểu nôm na, đó là một dòng nước chảy xiết nhưng bằng mắt thường rất khó phát hiện.
Học sinh Trường THPT Đức Hợp (Kim Động, Hưng Yên) tham gia trò chơi tại chương trình “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” năm 2024. Ảnh: TG

Cách làm mới hỗ trợ khởi nghiệp từ THPT

GD&TĐ - “Hành trình khởi nghiệp từ THPT” là cách làm mới mà nhiều địa phương đã và đang kết hợp với cơ sở GD đại học nhằm hỗ trợ học sinh THPT khởi nghiệp...