(GD&TĐ)-Kỹ thuật hạt nhân là một tên gọi mới mẻ, thậm chí “lạ” với rất nhiều thí sinh. Chính sự ít ỏi về thông tin đối với ngành học này làm nhiều thí sinh bỏ lỡ cơ hội với công việc yêu thích trong tương lai.
Sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân (ĐHBK Hà Nội) thực hành trên máy phát tia X. Ảnh: gdtd.vn |
Để giúp thí sinh có thêm thông tin về ngành học cũng như những triển vọng việc làm, PV Báo Giáo dục & Thời đại Online đã có cuộc trao đổi với TS.Trần Kim Tuấn – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hạt nhân & Vật lý Môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), trường có truyền thống lâu đời nhất đào tạo ngành học Kỹ thuật Hạt nhân trong cả nước.
PV. TS có thể cung cấp giúp thí sinh những thông tin cơ bản về ngành học Kỹ thuật hạt nhân? Hiện những trường nào có đào tạo ngành học này?
TS.Trần Kim Tuấn: Kỹ thuật hạt nhân là một nhánh của kỹ thuật liên quan đến việc áp dụng sự phân tách về hạt nhân nguyên tử và/hoặc vật lý dưới nguyên tử khác, dựa trên các nguyên tắc của vật lý hạt nhân. Nó bao gồm, nhưng không giới hạn, sự tương tác và duy trì hệ thống phân hạch hạt nhân và các thành phần, đặc biệt là lò phản ứng hạt nhân, nhà máy điện hạt nhân, và/hoặc vũ khí hạt nhân. Lĩnh vực này cũng bao gồm việc nghiên cứu các phản ứng tổng hợp hạt nhân, y học hạt nhân và ứng dụng bức xạ (thường là ion hóa) khác, an toàn bức xạ, tải nhiệt /nhiệt động học, nhiên liệu hạt nhân và/hoặc các công nghệ liên quan khác (ví dụ, xử lý chất thải), phổ biến hạt nhân, và hiệu quả của chất thải phóng xạ hoặc phóng xạ trong môi trường.
TS.Viện trưởng Trần Kim Tuấn. Ảnh: gdtd.vn |
Kỹ thuật hạt nhân gồm 2 chuyên ngành là Kỹ thuật năng lượng hạt nhân và Kỹ thuật hạt nhân ứng dụng. Ứng dụng của ngành trong kiểm tra không phá huỷ mẫu trong công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải; thăm dò khoáng sản, dầu khí, nước ngầm; khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế; chiếu xạ để kiểm tra và xử lý thực phẩm; tạo giống mới, diệt sâu bệnh trong nông nghiệp…
Về các trường đào tạo ngành học này theo tôi được biết, ngoài ĐH Bách khoa Hà Nội, trường có truyền thống đào tạo kỹ thuật hạt nhân từ năm 1970, hai trường khác mới bắt đầu đào tạo ngành học trên thời gian gần đây là Trường ĐH Đà Lạt và ĐHQG TP.HCM. Ngoài ra, còn một số trường đào tạo về công nghệ hạt nhân (một nhánh của kỹ thuật hạt nhân) như Trường ĐH Điện lực, ĐH Công nghệ - ĐHQGHN và ĐHKHTN – ĐHQG TP.HCM.
PV. Nhận định của TS về lượng thí sinh đăng ký vào ngành học này trong những năm gần đây?
TS.Trần Kim Tuấn: Đối với trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khoảng thời gian từ năm 2007 trở về trước, lượng thí sinh đăng ký ngành học này rất ít, khoảng từ 10 đến 20 sinh viên mỗi khóa. Nhưng gần đây, việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân khiến sự quan tâm của xã hội đối với kỹ thuật hạt nhân tăng lên đáng kể, đồng thời thí sinh cũng biết nhiều hơn đến ngành học này. Mặc dù vậy, hiện ĐH Bách khoa cũng chỉ tuyển từ 40 đến 50 sinh viên ngành kỹ thuật hạt nhân cho mỗi khóa để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Điểm đầu vào của ngành không cao, cụ thể, năm 2011 là 17 điểm theo nhóm ngành 05 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, sau 1 năm sẽ xét kết quả học tập để vào học theo ngành.
PV. Triển vọng việc làm của ngành này trong thời gian tới ra sao, thưa TS?
TS.Trần Kim Tuấn: Một trong những nơi thu hút nhân lực mạnh mẽ nhất cho ngành Kỹ thuật hạt nhân là nhà máy điện hạt nhân. Theo dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, sẽ cần khoảng 2400 nhân lực có trình độ ĐH, trong đó, Kiểm soát an toàn & bảo vệ bức xạ cần 60 nhân lực; Quản lí dự án: 360; Quản lí & lãnh đạo nhà máy: 10; Vận hành – điều hành lò: 140; Kiểm soát viên đảm bảo chất lượng: 18; Bảo trì & hỗ trợ kỹ thuật: 300; Nhiệm vụ hỗ trợ khác: 160 và dịch vụ bên ngoài: 152 nhân lực.
Trong cuộc họp với Bộ GD&ĐT về đào tạo nhân lực hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu mỗi trường cần đào tạo theo một hướng để tránh chồng chéo. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội, những sinh viên năm cuối ngành Kỹ thuật hạt nhân sẽ làm đề án tốt nghiệp về công nghệ lò phản ứng hạt nhân. Bộ cũng cam kết, tất cả các sinh viên tốt nghiệp theo chương trình này sẽ được EVN nhận vào làm việc.
Ngoài cơ hội việc làm trên, sinh viên tốt nghiệp ngành Kỹ thuật hạt nhân cũng có thể làm việc trong các viện nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật hạt nhân; các cơ quan quản lý về hạt nhân; các cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ như bệnh viện… Theo như tôi được biết, hiện các bệnh viện đang cần rất nhiều nhân lực ngành này.
PV. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành này tại ĐH Bách khoa ra trường có việc làm là bao nhiêu, thưa TS?
TS.Trần Kim Tuấn: Trong những năm gần đây, 100% sinh viên ngành Kỹ thuật hạt nhân ra trường có việc làm, trong đó, làm đúng ngành vào khoảng 65-70%.
PV. TS có lời khuyên nào cho những thí sinh muốn vào học ngành này?
TS.Trần Kim Tuấn: Trước hết, các em cần xác định, ngành hạt nhân là ngành đặc biệt, có những nguy hiểm nhất định. Bên cạnh đó, theo học ngành này cũng cần niềm đam mê, yêu thích Vật lý. Khi đã vào học, các em có thể lựa chọn hướng chuyên sâu cho phù hợp. Có những hướng chuyên sâu khó như Thiết kế lò và tính toán phân tích lò phản ứng hạt nhân, an toàn hạt nhân … nhưng cũng có ngành chuyên sâu dễ hơn như Y học hạt nhân, Kỹ thuật hạt nhân ứng dụng, An toàn bức xạ…
PV. Xin trân trọng cảm ơn TS!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|