Thầy giáo đem môn Vật lý đến gần với học sinh

GD&TĐ -  Đó là thầy giáo Nguyễn Quốc Huy, giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 1 – 1 trong 3 người vừa đoạt giải cao nhất trong cuộc thi “Tri thức trẻ vì Giáo dục” do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.  

Thầy Nguyễn Quốc Huy, giảng viên khoa Vật lý , Trường ĐHSP Hà Nội 1 trước giờ nhận giải thưởng "Tri thức trẻ vì Giáo dục"
Thầy Nguyễn Quốc Huy, giảng viên khoa Vật lý , Trường ĐHSP Hà Nội 1 trước giờ nhận giải thưởng "Tri thức trẻ vì Giáo dục"

Với công trình thiết thực, phục vụ giảng dạy ở phổ thông: “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông”, thầy đã đem lại một luồng gió mới trong cách dạy và học Vật lý ở trường phổ thông.

Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, phóng viên báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện cùng thầy Nguyễn Quốc Huy.

- Tại sao thầy lại chọn đề tài: “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông” để tham dự cuộc thi “Tri thức trẻ vì Giáo dục”?

Xuất phát từ niềm say mê yêu thích Vật lý từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và cho đến sau nay khi đã làm thầy giáo giảng dạy môn Vật lý tôi càng say mê, nghiên cứu nhiều hơn vì vậy tôi đã nhận thấy: Trong chương trình Vật lý ở trường phổ thông các kiến thức về điện là phần kiến thức khó, trừu tượng nhưng lại có ứng dụng nhiều trong thực tế đời sống, kĩ thuật.

Do đó, khi dạy học các kiến thức này với các thiết bị hiện có còn gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì thiếu các thiết bị thí nghiệm, một phần nữa là các thiết bị thí nghiệm hiện có quá phức tạp, không phù hợp với quá trình hình thành kiến thức, nhiều khi cái “hiện đại” lại che lấp đi bản chất Vật lý của hiện tượng.

Để hiểu được bản chất vấn đề thì đối với nhiều giáo viên còn đang bị quá tải. Đồng thời, với nhiều học sinh giỏi tôi đã tiếp xúc lại không hiểu biết thí nghiệm, không hiểu kiến thức sách giáo khoa. Thế nên, tôi luôn băn khoăn tự hỏi mình rằng: Kĩ năng của người học, người dạy hiện giờ ra sao? Làm thế nào để người học, người dạy không sợ thí nghiệm? Làm thế nào để đơn giản các thí nghiệm mà vẫn đạt hiệu quả cao? Đó là những động lực thúc đẩy tôi lựa chọn đề tài này để dự thi.

- Thầy có thể nói một vài nét khái quát về nội dung khoa học đề tài này cho mọi người cùng hiểu rõ hơn?

- Đề tài nghiên cứu thiết kế, chế tạo được 10 bộ thiết bị thí nghiệm (TBTN), tiến hành được 29 thí nghiệm về cảm ứng điện từ với các phương án khác nhau trong chương trình Vật lý ở trường phổ thông. 10 TBTN đó là: TBTN nghiên cứu hiện tượng cảm ứng điện từ; 3 TBTN máy phát điện xoay chiều một pha; 3 TBTN máy phát điện xoay chiều ba pha; TBTN mô hình quạt điện; TBTN minh hoạ sự quay đồng bộ và quay không đồng bộ; 2 TBTN nghiên cứu cấu tạo, hoạt động của động cơ không đồng bộ ba pha.

Các thiết bị đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản về mặt khoa học kỹ thuật, sư phạm và thẩm mỹ đối với TBTN được sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông. Sản phẩm không chỉ giúp HS dễ dàng lĩnh hội các kiến thức vật lý tương ứng trong các thí nghiệm, đào sâu, mở rộng vốn kiến thức đã được học mà còn làm tăng hứng thú học tập vật lý, kích thích tính tích cực, phát triển năng lực, hoạt động trí tuệ - thực tiễn độc lập sáng tạo của HS.

- Công trình nghiên cứu khoa học này thầy muốn truyền tải gì đến cho HS?

Với tâm huyết và nhiệt huyết một lòng say mê với Vật lý, tôi mong muốn các em HS hiểu được bản chất và vai trò của môn Vật lý trong thực tế đời sống, kĩ thuật. Rèn luyện cho HS tư duy logic và tư duy biện chứng, hình thành ở các em niềm tin về bản chất khoa học của các hiện tượng tự nhiên cũng như khả năng nhận thức của con người; khả năng áp dụng khoa học để đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống.

- Phương pháp dạy học Vật lý này giúp ích gì cho GV và HS?

- Theo tôi, đây là một phương pháp dạy học giúp cho giáo viên am hiểu sâu về các thiết bị thí nghiệm, dễ sử dụng, vận hành trong dạy học. Đồng thời, giúp GV linh động trong việc tổ chức dạy học, GV có thể tổ chức dạy học dự án, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo…

Đồng thời cũng giúp cho HS dễ dàng lĩnh hội các kiến thức Vật lý tương ứng trong các thí nghiệm, đào sâu, mở rộng vốn kiến thức đã được học mà còn làm tăng hứng thú học tập Vật lý; kích thích tính tích cực, phát triển năng lực hoạt động trí tuệ - thực tiễn độc lập và sáng tạo của HS.

Khi các thí nghiệm này được triển khai dạy học trong nhà trường, phản ứng của các HS như thế nào thưa thầy?

HS rất hứng thú, tích cực, qua thực nghiệm HS có thể kiểm tra lại các lí thuyết, các công thức đã được học. Nhiều HS của tôi đã phải thốt lên khi thực hành các thí nghiệm: “Bây giờ em mới hiểu những kiến thức được học dùng để làm gì và tại sao như thế…”.

Là một người thầy luôn say mê nghiên cứu, thầy có mong muốn gì, kiến nghị gì với Bộ GD&ĐT về việc đổi mới phương pháp dạy học hiện nay?

Theo tôi, để đổi mới phương pháp dạy học hiện nay cần phải:

Tăng cường các câu hỏi thực nghiệm trong đề thi trung học phổ thông quốc gia;

Cần xem việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học là một tiêu chí quan trọng để đánh giá giáo viên. Do vậy, cần đưa ra tiêu chí cụ thể để cho các sở giáo dục áp dụng;

Cần có sách hướng dẫn chi tiết các thí nghiệm, các phương án thí nghiệm có thể triển khai với các thí nghiệm đã được cấp cho trường phổ thông, hướng dẫn cách sử lí các sự cố, các hiện tượng nhiễu hoặc các hỏng hóc thường gặp của các thiết bị thí nghiệm, cách thay thế hoặc sửa chữa nhỏ…để giáo viên có thể tham khảo.

Rất mong Bộ GD&ĐT quan tâm, chỉ đạo, đầu tư để công việc dạy học môn Vật lý ở trường phổ thông được tốt hơn nữa.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Thành tích của thầy Nguyễn Quốc Huy

10 báo cáo tại hội nghị khoa học cán bộ trẻ cấp khoa, cấp trường; 
5 bài báo công bố các trên tạp chí; 3 báo cáo tại các hội nghị toàn quốc; Chủ trì một đề tài khoa học và công nghệ cấp trường; Là tác giả 1 sách luyện thi đại học môn Vật lý; 1 giải nhất Olympic vật lí sinh viên toàn quốc lần 9 năm 2005; giải thưởng KOVA năm 2007; 1 Giải Nhất Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2016.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ