Yêu cầu nhận xét tường minh trong bài kiểm tra

GD&TĐ - Trong hướng dẫn kiểm tra cuối học kì I, Sở GD&ĐT TP HCM đã đặc biệt lưu ý, khi chấm thi, giáo viên chủ nhiệm ghi nhận những hạn chế của học sinh trong quá trình làm bài, kèm nhận xét tường minh.

Yêu cầu nhận xét tường minh trong bài kiểm tra

Nhấn mạnh đây là việc làm bình thường nhằm nắm bắt tình hình học sinh, Sở yêu cầu hiệu trưởng nhắc nhở giáo viên không tạo áp lực cho cha mẹ học sinh và các em học sinh trước khi kiểm tra.

Trong khi kiểm tra, giáo viên chủ nhiệm coi thi tại lớp mình phụ trách, tổ chức cho học sinh làm dưới dạng một bài kiểm tra bình thường, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng .

Việc kiểm tra cuối học kì I do Phòng GD&ĐT và các trường Tiểu học sắp xếp lịch cho phù hợp với kế hoạch năm học.

Đề kiểm tra, Sở khuyến khích giao nhiệm vụ cho Hiệu trưởng chỉ đạo thực hiện (phân công soạn và duyệt đề) với các yêu cầu:

Thực hiện theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT; đảm bảo theo chuẩn kiến thức và kỹ năng của từng khối lớp; chính xác và khoa học, đánh giá được kết quả thực chất của học sinh.

Bài kiểm tra cuối kì được giáo viên sửa lỗi, nhận xét những ưu điểm và góp ý những hạn chế, cho điểm cuối cùng theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân.

Môn Toán:

Thời gian làm bài: 35 phút (lớp 1); 40 phút (lớp 2, 3, 4, 5).

Kiến thức số học (khoảng 50%): Củng cố về các vòng số và các phép tính trên các vòng số.

Đại lượng và đo đại lượng (khoảng 27%): Tập trung về các bảng đơn vị đo

Yếu tố hình học (khoảng 23%): Xoay quanh các hình trọng tâm trong chương trình đã học.

Giải toán có lời văn được tích hợp vào trong ba mạch kiến thức trên với mức độ khác nhau, chủ yếu ở mức độ vận dụng.

Môn Tiếng Việt:

Đảm bảo các mức độ nhận thức cần đạt trong đề kiểm tra: Nhận biết (khoảng 50%); thông hiểu (khoảng 30%), vận dụng (khoảng 20%)

Nội dung kiểm tra theo từng khối lớp (dạng bài đọc thầm, đọc thành tiếng, chính tả, tập làm văn, số lượng câu hỏi theo từng phần, thời gian hoàn thành nội dung kiểm tra theo quy định…). Tỉ lệ điểm giữa các nội dung kiểm tra trong đề theo từng khối lớp.

Môn Khoa học - Sử -Địa:

Đề kiểm tra (viết) có các hình thức sau: Đề kiểm tra tự luận; đề kiểm tra trắc nghiệm khách quan; kết hợp cả hai hình thức trên. Số lượng câu hỏi không quá 10 câu cho mỗi bài kiểm tra. Thời gian làm kiểm tra: Từ 35 đến 40 phút.

Môn Tin học:

Bài kiểm tra tin học được tiến hành trong thời gian một tiết học, với 30% thời gian cho bài tập lý thuyết và 70% cho bài tập thực hành.

Giáo viên tin học dạy khối lớp nào thì ra đề kiểm tra cho khối lớp đó, mỗi khối chuẩn bị ba đề kiểm tra và cho tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên một trong các đề kiểm tra này.

Đề kiểm tra gồm hai phần lý thuyết và thực hành. Khuyến khích ra đề kiểm tra lý thuyết dưới dạng trắc nghiệm, có thể sử dụng các phần mềm tạo trắc nghiệm để chuẩn bị sẵn cho học sinh làm bài trắc nghiệm ngay trên máy tính.

Môn Tiếng Anh:

Học sinh học theo bộ sách nào, đề kiểm tra được soạn trên ngữ liệu của sách đó (Gogo Loves English, Family and Friends, Let’s Learn English, UK English Program)

Bài kiểm tra cuối học kì I môn tiếng Anh được tiến hành trong thời gian 60 phút cho 3 kĩ năng: Nghe, viết, đọc (20 phút cho 1 kĩ năng). Riêng kĩ năng nói, giáo viên kiểm tra theo các tiết dạy trên lớp. Kết quả kiểm tra là kết quả trung bình cộng từ 4 kĩ năng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ