13 mộ liệt sỹ không có hài cốt?
Chương trình Chuyển động 24h của Đài truyền hình Việt Nam tối 2/12/2019 đưa tin phản ánh sự việc "Bắc Kạn: Hàng loạt mộ liệt sỹ không có hài cốt, chỉ toàn đất đá", ngay khi nắm được thông tin, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã yều cầu Cục Người có công phối hợp với Sở LĐ-TBXH Bắc Kạn làm rõ sự việc.
Theo thông tin trong phóng sự này, cách đây hơn 50 năm, ngày 9/8/1968, chân đập ở hồ Tân Minh (xã Thanh Vận - Chợ Mới, Bắc Kạn) bất ngờ bị vỡ, khiến 13 chiến sỹ thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ hi sinh.
Thế nhưng cho đến hôm nay, những nỗi đau lại một lần nữa đến với thân nhân các liệt sĩ khi họ phát hiện rằng bên dưới những ngôi mộ vẫn quanh năm thờ cúng trong nghĩa trang không hề có hài cốt mà chỉ toàn đất đá.
Đập thủy lợi Tân Minh, nguồn cung cấp nước tưới tiêu cho hàng nghìn ha đất nông nghiệp của xã Thanh Vận, cũng là nơi ghi dấu sự hy sinh của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong của đơn vị C933 khi xây dựng con đập này. Sau 3 lần quy tập, hài cốt của 13 chiến sỹ thanh niên xung phong đã được đưa về nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bắc Kạn, thế nhưng tất cả đều không xác định được danh tính.
Theo đề nghị của thân nhân các liệt sỹ, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khai quật phần mộ của 13 thanh niên xung phong để giám định ADN. Người thân của các liệt sỹ cũng được mời đến lấy mẫu để so sánh.
Thế nhưng hy vọng bao nhiêu thì thất vọng bấy nhiêu khi bên dưới 13 ngôi mộ không hề có hài cốt. Chỉ có những chiếc túi nylon đựng đất, đá bên trong. Ngay cả đến tiểu sành, một vật dụng tùy táng bắt buộc phải có khi quy tập hài cốt liệt sỹ, ở dưới những ngôi mộ này cũng không có.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu xác minh, làm rõ vụ nhiều mộ liệt sỹ không có hài cốt tại Bắc Kạn. |
Câu hỏi "Trách nhiệm thuộc về ai?" cũng đã được phóng viên VTV chuyển tới Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn - đơn vị chủ trì cuộc khai quật cũng như quản lý tất cả các chính sách thương binh liệt sỹ trên địa bàn. Tuy nhiên, đơn vị này không còn giữ được bất cứ tài liệu gì liên quan đến việc quy tập hài cốt của C933 thanh niên xung phong.
Theo lãnh đạo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn, những túi nylon đất đá được tìm thấy có thể do hài cốt đã hóa thành đất. Tuy nhiên, chính trong buổi khai quật, ngôi mộ thứ 14 của liệt sỹ thuộc một đơn vị khác cũng nằm trong danh sách giám định AND lại có đầy đủ tiểu sành, hài cốt. Liệt sỹ này cũng hy sinh năm 1968, tại tỉnh Bắc Kạn, chỉ khác đơn vị với 13 liệt sỹ thanh niên xung phong. Sự việc này khiến cho lời giải thích hài cốt để lâu hóa thành đất trở nên khó thuyết phục đối với thân nhân của 13 liệt sỹ thuộc C933.
Đến thời điểm hiện tại, 13 phần mộ đã được xây trả lại nguyên trạng, thế nhưng câu hỏi "Sau 3 lần quy tập, hài cốt các liệt sỹ giờ đang ở đâu?" vẫn chưa có lời giải.
Trước những thông tin trên, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Cục Người có công phối hợp cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn kiểm tra và báo cáo sự việc trên về Bộ.
Hồ sơ quy tập không tìm thấy
Liên quan tới thông tin 13 ngôi mộ liệt sỹ tại Bắc Kạn không có hài cốtgây xôn xao dư luận, thực hiện Văn bản 5189/LĐTBXH-VP của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã có báo cáo về sự việc này.
Cụ thể, về thông tin quy tập cho thấy, ngày 9/8/1968, đập hồ Tân Minh (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới) bị vỡ, 13 chiến sĩ Thanh niên xung phong thuộc Đại đội 933, Đội 92 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Bắc Thái đã hy sinh do bị nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ đắp đập theo huy động của cấp có thẩm quyền.
Theo thông tin thu thập được, 13 chiến sĩ thanh niên xung phong được chôn cất ban đầu tại đồi Nà Cóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Sau đó được lực lượng chức năng quy tập lần 1 vào nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông (cũ) trước năm 1980 (hiện nay không tìm thấy hồ sơ quy tập).
Đến năm 1990, sau khi nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông cũ được UBND tỉnh Bắc Thái nâng cấp, mở rộng, khánh thành và hoạt động (nghĩa trang mới), 13 mộ liệt sĩ được quy tập, di chuyển lần 2 từ nghĩa trang liệt sĩ cũ sang nghĩa trang liệt sĩ mới nhưng trong quá trình an táng đã làm mất thông tin (hiện nay không tìm thấy hồ sơ quy tập).
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn ra văn bản thông tin sự việc. |
Trên sơ đồ Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông mới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Thái lập ngày 10/9/1990 có ghi số mộ liệt sĩ chống Mỹ từ số 97 đến 110, qua nắm bắt thông tin được biết, số mộ liệt sĩ trên là mộ liệt sĩ Thanh niên xung phong hy sinh tại hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Theo sơ đồ mộ Nghĩa trang liệt sĩ tại khu C có 14 mộ liệt sĩ chưa biết tên và để xác định danh tính hài cốt cho 13 liệt sĩ thanh niên xung phong, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn đã xin ý kiến của Cục Người có công khai quật toàn bộ 14 mộ nêu trên.
Sau khi có văn bản đồng ý của Cục Người có công, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh đã xây kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khai quật mộ theo đúng quy định, kết quả cụ thể như sau: Ngôi mộ số 97,98,100,101,102,103,104,105,106,107,108,109,110: Không có cốt (có túi nilon trong có đất), không có tiểu. Riêng ngôi mộ số 99 còn nguyên cốt, nguyên hàm, xương mủn đen, có tiểu.
Mẫu hài cốt liệt sĩ lấy tại ngôi mộ số 99 (gồm 13 răng) và mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã bàn giao cho giám định viên chuyển về Cục Người có công - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện việc giám định theo quy định.
Mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ phục vụ cho xét nghiệm ADN sẽ được hoàn trả lại sau khi thực hiện xong quy trình xét nghiệm ADN.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hộiphối hợp với phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bạch Thông hợp đồng lực lượng khai quật và sửa chữa lại vỏ mộ sau khi lấy mẫu sinh phẩm theo quy định. Hiện tại 14 ngôi mộ đã được sửa lại đảm bảo như hình mẫu ban đầu.
Riêng mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại ngôi mộ số 99 sau khi Cục Người có công hoàn trả Sở sẽ chỉ đạo thực hiện việc hoàn mẫu vào phần mộ theo quy định.
Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để tìm kiếm thêm thông tin về các đợt quy tập di chuyển hài cốt liệt sĩ từ nhân chứng còn sống trong lực lượng quy tập trước đây.
Đồng thời, tìm kiếm các hồ sơ lưu trữ tại tỉnh, huyện Bạch Thông và làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên để tra cứu hồ sơ lưu trữ liên quan đến quá trình quy tập các mộ liệt sĩ thanh niên xung phong. Sau khi thu thập thông tin, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện những công việc tiếp theo.