Nhận định được báo Mỹ đưa ra trong bài viết đăng ngày 21 tháng 2, trong đó có đoạn: "Liên minh châu Âu (EU) thiếu sự gắn kết, năng lực quân sự và ý chí chính trị để thay thế NATO.
Pháp và Đức chia rẽ về tương lai phòng thủ châu Âu, trong khi các quốc gia Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và vùng Baltic, phải chịu thiệt hại nhiều nhất vì họ vẫn coi Mỹ, chứ không phải EU, là người bảo đảm an ninh chính cho họ.
Việc Mỹ rút khỏi NATO chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề nói trên, buộc châu Âu phải đối mặt với điểm yếu về chiến lược của chính mình".
Bài báo cũng nhận xét rằng sự hợp tác trong tương lai của Washington với Liên minh Bắc Đại Tây Dương đang bị đe dọa khi các quan chức cấp cao ám chỉ Nhà Trắng ngày càng mất kiên nhẫn.
Bài viết cảnh báo rằng nếu các đồng minh châu Âu tiếp tục dựa vào vai trò bảo đảm an ninh của Mỹ thì họ có thể sớm mất đi sự bảo đảm này.
"Châu Âu hậu NATO sẽ là một lục địa của các quốc gia cạnh tranh chứ không phải là một khối thống nhất gắn kết.
Các nước có khả năng chiến đấu cao nhất sẽ phải đối mặt với việc xung đột lợi ích, trong khi các nước Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và vùng Baltic, sẽ tìm cách có được sự bảo đảm an ninh nào đó, chính điều này có thể làm sâu sắc hơn mối quan hệ của họ với Mỹ bên ngoài liên minh phòng thủ châu Âu.
Một kịch bản như vậy về cơ bản sẽ thay đổi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, khiến châu Âu rơi vào tình thế bấp bênh trong kỷ nguyên bất ổn toàn cầu", tờ Hill viết.
Bài báo cũng lưu ý rằng trọng tâm lợi ích của Mỹ từ lâu đã chuyển từ châu Âu sang khu vực Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đặt ra thách thức trực tiếp đối với quyền lực của Mỹ. Ngoài ra, Washington ngày càng nghi ngờ tính khả thi về mặt kinh tế của việc duy trì NATO.
Cùng với bài viết của Hill, ông David Pyne, cựu sĩ quan Bộ Quốc Phòng Mỹ, nhận định việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi NATO là mối đe dọa có thực.
Ông Pyne cho hay: "Tổng thống Trump có thể rút lại các đảm bảo an ninh của Mỹ đối với từng quốc gia phản đối sáng kiến hòa bình của ông với Nga nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine, hoặc có thể đe dọa rút Mỹ hoàn toàn khỏi NATO".
Trên thực tế, ông Trump đã cân nhắc việc rút Mỹ khỏi NATO hai lần trong nhiệm kỳ đầu làm tổng thống. Ông cho rằng, liên minh quân sự đã lỗi thời, và không thấy có mối đe dọa nào biện minh cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại châu Âu.
Theo cựu sĩ quan Mỹ, nếu EU và Anh càng cố gắng làm chệch hướng sáng kiến hòa bình của ông Trump, khả năng Tổng thống Mỹ sẽ đáp trả.
Chính quyền của ông Trump được cho đang cân nhắc cắt giảm 20.000 binh sĩ Mỹ hoạt động ở châu Âu. Chuyên gia Pyne nhấn mạnh, nếu như Anh và EU tiếp tục gây khó dễ, ông Trump có thể cắt giảm 50.000 quân hoặc nhiều hơn nữa.
Nói về quyết định của nhóm ông Trump khi không để châu Âu và Ukraine tham gia đàm phán giữa Nga - Mỹ, ông Pyne cho hay:
"Tổng thống Trump tin rằng cách nhanh nhất để giải quyết xung đột ở Ukraine theo các điều khoản mà đôi bên có thể chấp nhận được là thông qua đàm phán trực tiếp với Nga".
Cũng theo ông, không giống như các đối tác của Kiev ở châu Âu, chính quyền Mỹ vẫn nhớ việc Tổng thống Ukraine Zelensky đã ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với Nga, và cho tới nay sắc lệnh này vẫn còn hiệu lực.