Yêu cầu cấp bách với trường Sư phạm

GD&TĐ - Trước sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục (GD) phổ thông nước ta cần được phải đổi mới căn bản, toàn diện nhằm thực hiện tốt mục tiêu nâng cao dân trí đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Yêu cầu cấp bách với trường Sư phạm

Bên cạnh đó, trước sự bão hòa của nguồn nhân lực giáo viên (GV) trong thị trường tuyển dụng, nhiều sinh viên (SV) đã phải dịch chuyển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, vấn đề phát triển chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đáp ứng thị trường lao động là yêu cầu cấp bách với các trường Sư phạm hiện nay.

10 bước phát triển chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp, ứng dụng cách tiếp cận và phát triển

Như chúng ta đã biết, Nhà trường là nơi đào tạo tiềm năng cho người học phát triển nghề nghiệp, sau khi tốt nghiệp SV có nền tảng học vấn rộng và khả năng dịch chuyển nghề nghiệp. Phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng trong đào tạo GV giúp cho SV sau khi tốt nghiệp đáp ứng chuẩn nghề nghiệp GV và những yêu cầu của thị trường lao động nghề nghiệp .

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư Phạm Thái Nguyên cho biết: Để phát triển nghề nghiệp đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng cần phải thực hiện theo quy trình sau đây:

Bước 1: Cần phân tích thị trường lao động của SV sau khi tốt nghiệp, chuẩn nghề nghiệp GV, dự báo yêu cầu về năng lực, của GV trong giai đoạn sau 2015.

Bước 2: Xác định hồ sơ nghề nghiệp của SV sau khi tốt nghiệp. Người làm chương trình phải mô tả được một cách rõ ràng người học sau khi tốt nghiệp có khả năng đảm nhận những công việc nào... Lĩnh vực công tác của SV sau khi tốt nghiệp.

Ví dụ: Đối với chuyên ngành đào tạo GV Lịch sử, có thể mô tả hồ sơ nghề nghiệp: Sau khi tốt nghiệp SV chuyên ngành Sư phạm Lịch sử có thể đảm nhiệm các nghề nghiệp như: GV dạy Lịch sử, GV dạy chủ đề liên môn khoa học xã hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên của các cơ quan văn hóa, nhà bảo tàng, chuyên viên của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT, chuyên viên trong các viện nghiên cứu khoa học xã hội.

Bước 3: Định dạng năng lực của SV tốt nghiệp. Chuyên gia làm chương trình phải mô tả năng lực cần có của người tốt nghiệp gồm năng lực cốt lõi của chuyên ngành đào tạo và có năng lực chung của người GV. Mỗi năng lực đó lại gồm những kiến thức, kĩ năng cụ thể làm tiền đề để xác định các module kiến thức tương ứng.

Bước 4: Xác định các module kiến thức cần có ở người học phù hợp với năng lực cần hình thành. Dựa trên những kiến thức, kĩ năng được xác định trong quá trình định dạng năng lực của SV tốt nghiệp, xác định các module kiến thức tương ứng.

Bước 5: Tổ hợp môn học. Dựa trên các module kiến thức các chuyên gia tổ hợp các môn học và đối sánh với chương trình hiện hành, loải bỏ các môn học không còn đáp ứng với năng lực cần của của SV tốt nghiệp.

Bước 6: Xây dựng đề cương môn học. Đây là bước vô cùng quan trọng giúp giảng viên đổi mới quá trình ĐT theo định hướng năng lực, trong quá trình xây dựng đề cương môn học đòi hỏi giảng viên phải tập trung giải quyết các vấn đề cơ bản: Mô tả mục tiêu môn học theo tiếp cận năng lực cần đạt được của SV sau khi kết thúc môn học; Mô tả các mục tiêu của từng thành phần nội dung dạy học theo 3 cấp độ: Nhận biết, tái hiện, hiểu; phân tích, tổng hợp, vận dụng trong tình huống đơn giản; vận dụng trong nhiều tình huống khác nhau, thể hiện năng lực khái quát hóa; Mô tả nội dung kiến thức cơ bản của môn học và phương pháp hình thức tổ chức dạy học sao cho phản ánh được hoạt động của giảng viên và hoạt động của sinh viên trong tiến trình giảng dạy, bản mô tả này là cơ sở để SV xây dựng kế hoạch học tập của cả nhân; Mô tả các tiêu chí kiểm tra, đánh giá hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của SV phù hợp với mục tiêu thành phần đã xác định ở 3 cấp độ và mục tiêu chung của môn học; Mô tả hệ thống học liệu phục vụ quá trình tự học, tự nghiên cứu cho SV. Trong đó cần chỉ rõ tài liệu bắt buộc và tài liệu tham khảo; Mô tả những điều kiện về học tập đối với SV: Số buổi có mặt trên lớp, tinh thần, ý thức tham gia xây dựng bài...

Bước 7: Thẩm định chương trình. Hiệu trưởng ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đánh giá chương trình đào tạo.

Bước 8: Hoàn thiện chương trình theo góp ý của Hội đồng thẩm định.

Bước 10: Tiếp tục hoàn thiện chương trình.

Thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của nghị quyết

Dự án POHE của Bộ GD&ĐT, Đảng ủy trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên đã xây dựng 4 chương trình hành động để đi trước, đón đầu cho việc thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông. Bốn chương trình đó là:

Đổi mới chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp; Đổi mới phương pháp hình thức tổ chức dạy học ở ĐH Sư phạm Thái Nguyên; Đổi mới đánh giá kết quả học tập của SV theo tiếp cận năng lực; Tăng cường cơ sở vật chất và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Tính – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Thái Nguyên cho biết: Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã phát triển chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp của GV trên cơ sở: Phân tích môi trường, tìm hiểu thị trường lao động của SV tốt nghiệp.

Xác định hồ sơ nghề nghiệp của SV tốt nghiệp hiện nay và dự báo hồ sơ nghề nghiệp của SV trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên sau 2015.

Xây dựng hồ sơ năng lực của SV các chuyên ngành đào tạo GV sau khi tốt nghiệp bao gồm những năng lực chung của người GV trung học và năng lực chuyên biệt của GV từng chuyên ngành.

Xác định module kiến thức tương ứng với từng năng lực chung nêu trên và các năng lực chuyên biệt của từng chuyên ngành đào tạo.

Tổ hợp môn học. Từ mô tả năng lực chung nêu trên khối kiến thức chung toàn trường sẽ được mô tả và chương trình đào tạo GV ở trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

Xây dựng đề cương môn học. Thực hiện đúng quy trình phát triển chương trình theo định hướng nghề nghiệp khối kiến thức cốt lõi của chương trình đào tạo GV có nhiều môn học đã phải loại khỏi chương trình vì không đáp ứng được những năng lực cần có của người GV.

Những rào cản gặp phải trong phát triển chương trình đào tạo GV của nhà trường đó là: Năng lực phát triển chương trình của giảng viên còn hạn chế; tâm lý e ngại thay đổi trong mỗi giảng viên và cán bộ quản lý; tư duy dạy nhiều để tính giờ, dạy những gì mà giảng viên có, tồn tại trong mỗi giảng viên và rất khó xóa bỏ; nhà trường chưa xây dựng được cơ chế phối hợp giữa trường đại học Sư phạm với trường phổ thông trong phát triển chương trình đào tạo GV; nguồn lực tài chính của nhà trường còn hạn chế chưa có nhiều kinh phí để đầu tư; năng lực quản lý và phát triển chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp và thị trường lao động của cán bộ quản lí còn hạn chế.

Để phát triển chương trình đào tạo một cách hiệu quả và vượt qua những rào cản trên cần tiến hành một số biện pháp: Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lí và giảng viên về chương trình và phát triển chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp; tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư phát triển hoàn thiện chương trình đào tạo GV theo định hướng nghề nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ