Đổi mới giáo dục phải gắn liền với đổi mới đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Đổi mới giáo dục gắn liền với đổi mới đào tạo đội ngũ giáo viên (GV). Đó là mối quan hệ nhân-quả. Nhận ra tính tất yếu của mối quan hệ đó mới hy vọng tìm ra giải pháp bảo đảm thành công của bất kỳ một sự đổi mới giáo dục nào.

Đổi mới giáo dục phải gắn liền với đổi mới đào tạo giáo viên

Khẳng định như vậy, đồng thời trên cơ sở định hướng đổi mới giáo dục phổ thông, các năng lực nghề nghiệp cần có của người GV trong nhà trường phổ thông hiện đại, GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - đưa ra một số định hướng đào tạo GV đáp ứng các yêu cầu mới.

Đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục

Điều đầu tiên được GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh là gắn đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục, xem đào tạo ban đầu ở ĐHSP và bồi dưỡng GV là 2 giai đoạn của một quá trình liên tục, biến việc nâng cao trình độ GV là quá trình thường xuyên, suốt đời hoạt động nghề nghiệp của họ.

Trong hai giai đoạn đó, đào tạo ban đầu là cơ sở, đặt nền móng vững chắc, bền vững cho giai đoạn bồi dưỡng tại chức. Muốn vậy ĐHSP phải hình thành được phẩm chất tự học. Học trong gia đoạn tác nghiệp phải bằng tự học, bao gồm quá trình phát hiện, nhận biết những điều mình cần cho nghề nghiệp và tiếp đó là tìm được phương pháp học thích hợp.

Đào tạo GV trở thành nhà giáo dục

Đã là GV thì là nhà giáo dục. Nhấn mạnh điều này, GS Đinh Quang Báo cho rằng, nguyên lý đó chưa được quán triệt trong đào tạo và trong thực tế tác nghiệp của nhiều GV.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ khiếm khuyết của quá trình đào tạo ban đầu và hệ tiêu chí đánh giá chất lượng tác nghiệp của GV, chất lượng giáo dục phổ thông.

Thực trạng qua đánh giá chương trình đào tạo, đánh giá GV theo chuẩn năng lực nghề nghiệp cho thấy coi nhẹ năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh. Từ lâu việc đào tạo GV, đánh giá hoạt động nghề nghiệp GV vẫn chủ yếu tập trung vào việc trang bị kiến thức, kĩ năng dạy học.

"Trong bối cảnh xã hội phát triển nhanh, mục tiêu giáo dục phổ thông cần hướng vào học để biết, học để làm, học để tồn tại, cùng chung sống thì nhà trường cần quan tâm đầy đủ hơn mặt giáo dục học sinh tuy dạy học vẫn là hoạt động cơ bản trong nhà trường.

Theo đó, GV phải có năng lực cố vấn, tư vấn, hướng nghiệp, giáo dục kĩ năng sống. Như vậy việc đào tạo phải hướng tới tạo ra năng lực GV vừa là người dạy học, vừa là nhà giáo dục, vừa là người tác nghiệp, vừa là nhà nghiên cứu giáo dục. Phải kết hợp hữu cơ việc đào tạo kiến thức, kĩ năng với đào tạo nhân cách người GV" - GS Đinh Quang Báo nêu quan điểm.

Tích hợp đào tạo chuyên môn và đào tạo nghiệp vụ sư phạm

Theo GS Đinh Quang Báo, đào tạo chuyên môn và đào tạo nghiệp vụ là 2 lĩnh vực cơ bản trong chương trình đào tạo ở trường ĐHSP. Thường thì về tỷ lệ khối lượng trong chương trình đào tạo GV, nội dung đào tạo chuyên môn (khoa học cơ bản) chiếm khoảng 60%, nội dung nghiệp vụ khoảng 25%. Năng lực nghề nghiệp GV là tri thức tích hợp 2 lĩnh vực tri thức đó.

Tuy nhiên, GS Đinh Quang Báo cho rằng, thực tiễn đào tạo ở các ĐHSP đã không tích hợp hiệu quả 2 lĩnh vực nội dung đó, làm hiệu suất đào tạo không được khai thác đúng mức. Thực trạng đó đã dẫn tới khiếm khuyết lớn nhất của quá trình đào tạo ở ĐHSP là không gắn hữu cơ với thực tiễn giáo dục, dạy học ở phổ thông. "Tiếp cận đổi mới đào tạo GV là hướng tới khắc phục tồn tại đó" - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Đào tạo GV trong bối cảnh tác nghiệp ở trường phổ thông

Phương thức đào tạo GV tại thực địa theo cách nội trú đang được vận dụng hiệu quả ở các nước phát triển và một số kinh nghiệm ở Việt Nam.

Chia sẻ điều này, GS Đinh Quang Báo cho rằng, liên kết sư phạm-phổ thông một cách toàn diện đang là khâu yếu nhất trong qui trình đào tạo, sử dụng, đào tạo ban đầu và đào tạo liên tục.

Thực hiện phương châm phổ thông là nội dung, là mục tiêu, là phương pháp đào tạo GV phải trở thành triết lý đổi mới đào tạo GV. Với phương châm đó, nhà trường phổ thông phải được sử dụng triệt để trong mọi hoạt động đào tạo: Lý thuyết, thực hành, thực tập, kiến tập, phát triển học thuật, nghiên cứu khoa học.

Một giờ học VNEN tại Bắc Giang
Một giờ học VNEN tại Bắc Giang

Đào tạo GV có nền tri thức rộng

Theo GS Đinh Quang Báo, GV với tư cách nhà giáo dục thì tri thức rộng là yếu tố quan trọng trong năng lực nghề nghiệp. Như vậy, với GV, tri thức rộng là nội dung giáo dục học sinh, là năng lực dạy học, giáo dục.

Khi nói khía cạnh nội dung giáo dục, GV phải biết rằng: một kiến thức khoa học ngày nay chỉ được hiểu sâu sắc, chỉ có giá trị từ nhận thức, giá trị vận dụng trong tình huống lý thuyết và thực tiễn khi kiến thức đó là kết quả của sự tích hợp tri thức liên môn, liên ngành.

Khi đề cập khía cạnh năng lực giáo dục thì đó là một tiếp cận, một phương pháp tổ chức hoạt động học của học sinh. Ngày nay dạy học tích hợp các khoa học đang là xu hướng giáo dục phổ thông hiện đại vì tích hợp vừa là bản chất của tri thức khoa học, vừa là phương pháp hoặc nhận thức.

Gắn đào tạo với sử dụng GV

Với nội dung này, GS Đinh Quang Báo cho rằng, gắn đào tạo với sử dụng đội ngũ GV cần được hiểu theo một tiếp cận mới: sử dụng không chỉ là mục tiêu của đào tạo mà còn là động lực chủ yếu của chất lượng đào tạo, là phương pháp đào tào, là nội dung, phương pháp đào tạo.

"Sử dụng từ trước đến nay chỉ mới nhận thức như là mục đích của việc đào tạo theo một chiều từ đào tạo đến sử dụng, và đó là nguyên nhân của việc chỉ trích nặng nề về yếu kém của cơ sở đào tạo khi tìm nguyên nhân yếu kém mặt này nọ của đội ngũ GV.

Bất cập đó là ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng độ ngũ GV từ giai đoạn đào tạo ban đầu và giai đoạn hành nghề. Tiềm năng khai thác, tạo động lực phản hồi sử dụng - đào tạo là rất lớn, thậm chí quyết định chất lượng đội ngũ GV" - GS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ