Vừa qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết rằng, Hoa Kỳ muốn Ukraine đưa ra đảm bảo về việc cung cấp cho Mỹ kim loại đất hiếm bao gồm graphite, lithium và uranium, với tổng giá trị thỏa thuận vào khoảng 500 tỷ USD, để đổi lấy việc dòng viện trợ tài chính và quân sự từ Washington sẽ “không bị gián đoạn".
Còn Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent cũng bày tỏ quan điểm rằng, ông tin là chính quyền Kiev sẽ đồng ý ký thỏa thuận cho Washington tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine, để đổi lấy việc dòng viện trợ quân sự của Mỹ không bị gián đoạn.
Theo người đứng đầu Bộ Tài chính Hoa Kỳ, thỏa thuận này sẽ có hiệu lực lâu dài và mang lại lợi ích cho cả hai bên, đặc biệt là nó sẽ góp phần tăng cường an ninh cho Ukraine.
Đất hiếm gồm 17 kim loại có tính chất hóa học tương tự nhau, do sở hữu từ tính và cách thức phản ứng với ánh sáng đặc biệt nên được sử dụng rộng rãi cho xe điện, tua bin gió cùng nhiều thiết bị điện tử.
Lithium rất được thèm khát vì các ngành công nghệ cao đều cần đến, đặc biệt là pin cho xe điện và trong các thiết bị điện tử, bán dẫn khác.
Nhu cầu tăng cao khiến các quốc gia quyết liệt chạy đua đa dạng hóa nguồn cung. Cơ quan Năng lượng quốc tế ước tính nhu cầu đất hiếm năm 2040 sẽ gấp 7 lần hiện tại.
Mặc dù đất hiếm “không quá hiếm” như tên gọi nhưng lại khó khai thác vì hầu hết các mỏ đất hiếm đều có chất lượng lẫn nồng độ thấp. Do đó, những mỏ lớn, nồng độ cao, dễ khai thác thực sự còn có giá trị cao hơn “những mỏ vàng lộ thiên”, là trọng điểm giành giật của các ông lớn thế giới.
Hiện tại nguồn cung đất hiếm của Mỹ khá là khan hiếm. Mỏ đất hiếm quy mô lớn nhất trên lãnh thổ nước này là Mountain Pass ở bang California chỉ cung cấp được một lượng nhỏ, còn lại hơn 95% khối lượng đất hiếm Washington cần cho các ngành công nghiệp phải nhập từ nước ngoài, chủ yếu từ Trung Quốc.
Trước đó, tờ Financial Times của Anh cũng dẫn nguồn tin thân cận với chính quyền Kiev nói rằng, Ukraine đồng ý chuyển giao kim loại đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ, còn Tổng thống Volodymyr Zelensky tuyên bố sẵn sàng trao cho Hoa Kỳ cơ hội đầu tư vào khai thác và cùng phát triển ngành khoáng sản ở nước này.
Thời gian qua đã xuất hiện những thông tin về việc chính quyền Kiev đã cố tình phóng đại về trữ lượng đất hiếm của Ukraine, nhằm dùng nó như quân bài tẩy đổi lấy sự hỗ trợ của Mỹ.
Theo cây viết của Bloomberg là ông Javier Blas viết trong một bài bình luận hôm 19/2, Ukraine có thể đã “phóng đại một cách có chủ ý” về trữ lượng khoáng sản đất hiếm của mình để giành được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo ông, Kiev đã lập lờ giữa hai khái niệm là “đất hiếm” và “khoáng sản quan trọng”, bởi nước này chủ yếu có than đá và quặng sắt, chứ không hề có trữ lượng kim loại quý hiếm lớn như vậy.
Thêm nữa, một số mỏ hiện nay đã nằm trong tay Nga hoặc cũng sắp mất trong tương lai không xa.
Nhận định của ông Javier Blas hoàn toàn chính xác, bởi ngày 21/02, giới truyền thông Nga đưa tin rằng, Moscow sắp lấy mất một nguồn cung đất hiếm lớn và rất quan trọng đối với Washington.
Trang Deep State (chuyên theo dõi tình hình chiến sự) xác định lực lượng Nga hiện chỉ cách mỏ lithium lớn ở Shevchenko chỉ vài km và đang dần tiếp cận từ 3 hướng khác nhau.
Mỹ ước tính Ukraine có trữ lượng khoảng 500.000 tấn, trong đó Shevchenko là mỏ lithium lớn hàng đầu nước này, nằm ở độ sâu được phép khai thác thương mại. Nhưng ngôi làng này nằm trên địa bàn vùng Donetsk, 1 trong 4 khu vực mà Nga đơn phương sáp nhập nhưng chưa kiểm soát hoàn toàn.
Theo giám đốc công ty tư vấn Rochan Konrad Muzyka (người vừa trở về từ Ukraine) cho biết, với nhịp độ tấn công của Nga trên chiến trường, lực lượng Nga sẽ chiếm được khu mỏ này trong thời gian ngắn tới.
Mặc dù đánh chiếm các cơ sở khai thác khoáng sản không phải mục tiêu chiến tranh chính của Nga, nhưng việc vừa chiếm giữ được tài nguyên của Ukraine lại góp phần làm phá sản thỏa thuận giữa Washington và Kiev lại là một trong số mục tiêu chiến lược mà Moscow theo đuổi.