Xây dựng Chuẩn giảng viên sư phạm: Nâng chất lượng đào tạo giáo viên

GD&TĐ - Trước yêu cầu về đổi mới giáo dục phổ thông, GS.TS Phạm Hồng Quang, Hiệu trưởng Trường ĐHSP - ĐH Thái Nguyên cho rằng, xây dựng Chuẩn giảng viên sư phạm là nhu cầu cấp bách và thiết yếu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Xây dựng Chuẩn giảng viên sư phạm:  Nâng chất lượng  đào tạo giáo viên

Đây là căn cứ giúp giảng viên đánh giá được năng lực nghề nghiệp bản thân, từ đó xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, phát triển nghề nghiệp.

Bắt kịp xu hướng quốc tế

Thưa GS.TS Phạm Hồng Quang, chương trình giáo dục phổ thông mới đặt ra những thách thức và cơ hội mới đối với đội ngũ giảng viên các trường sư phạm. Việc xây dựng chuẩn giảng viên sư phạm có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình đổi mới GD?

Việc chuẩn hóa là chủ trương được đặt ra trong Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Và trong Đề án của Bộ GD&ĐT, trong đó xây dựng chuẩn giảng viên, chuẩn giáo viên, chuẩn giảng viên sư phạm, chuẩn Hiệu trưởng là xu hướng chuẩn hóa mà quốc tế đang coi trọng.

Do vậy, việc xây dựng chuẩn có ý nghĩa rất quan trọng để giảng viên phấn đấu, giảng viên tự soi tự sửa, để xã hội nhìn nhận đánh giá, đặc biệt nhìn vào xu hướng hội nhập quốc tế.

Đối với các trường đại học sư phạm hiện nay, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học giáo dục, yêu cầu xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và cơ cấu thực sự trở thành nhu cầu cấp bách thiết yếu. Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm là khung năng lực tham chiếu để cơ sở đào tạo đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng dựng kế hoạch, chương trình đào tạo lại, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên.

Đồng thời đây cũng là căn cứ để cơ quan quản lý Nhà nước có căn cứ khoa học để đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên, là dữ liệu tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực. Trong chuẩn này bao gồm ý tứ đánh giá hiện trạng, hướng tới mức độ cao để các giảng viên hướng tới chuẩn quốc tế.

Đối với giảng viên sư phạm khi xây dựng chuẩn cho họ cần lưu ý những vấn đề có ý nghĩa đặc thù: Thứ nhất họ phải là nhà khoa học, sáng tạo và đổi mới; thứ hai người thầy sư phạm có đặc điểm là dẫn dắt sự phát triển cho thế hệ sau; thứ 3 là có phẩm chất năng lực, có ảnh hưởng, tác động dẫn dắt sinh viên, tác động dẫn dắt GV phổ thông và HS phổ thông. Chính vì thế, yêu cầu chuẩn giảng viên sư phạm rất đặc thù, cốt cách vẫn là “ông thầy”, nếu “ông thầy” phổ thông chủ yếu tập trung vào việc thực hiện, còn ông thầy sư phạm tập trung chủ yếu là dẫn dắt, sáng tạo.

Người thầy dẫn dắt các thế hệ trẻ

Thưa GS, lâu nay, ở các trường đại học, khi chưa xây dựng chuẩn thì các trường đại học đánh giá giảng viên như thế nào?

Trong thực tiễn hiện nay ở các trường sư phạm, trong Thông tư của ngành, trong Luật Giáo dục, trong Điều lệ trường ĐH quy định rất rõ những yêu cầu về phẩm chất và năng lực của giảng viên, trên cơ sở đó các trường cụ thể hóa yêu cầu với giảng viên sư phạm. Ở từng trường cũng cụ thể hóa dựa theo Luật Viên chức theo Nghị định 56, hàng năm các trường vẫn đánh giá theo hệ thống ấy. Khi có chuẩn thì việc đánh giá sẽ cụ thể và rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, trong quá trình đánh giá giảng viên sư phạm cũng có nhiều bất cập. Có 3 vấn đề: Thứ nhất chuẩn trình độ. Theo nghị định và theo thông tư của ngành, giảng viên phải có trình độ ít nhất thạc sĩ trở lên, có trình độ ngoại ngữ, tin học theo yêu cầu. Hiện nay một số trường ĐH (chưa phải tất cả) các giảng viên trong các trường ĐH đạt yêu cầu.

Về mặt định tính, năng lực của giảng viên sư phạm phải được cụ thể hóa, giúp cho cơ sở quản lý giảng viên có căn cứ đào tạo lại, bồi dưỡng lại các thầy.

Đối với giáo viên phổ thông thì chuẩn nghề nghiệp rất rõ (đã ban hành từ năm 2009), nhưng đối với giảng viên ĐH có đặc điểm riêng, mặc dù họ không được đào tạo thành giảng viên mà họ là nhà khoa học được giữ lại giảng dạy nên phần nghiệp vụ sư phạm, năng lực sư phạm còn hạn chế, đây là điều trong chuẩn giảng viên sư phạm đang quan tâm.

Năng lực nghiệp vụ sư phạm, nghiên cứu khoa học giáo dục, nghiên cứu phát triển chương trình, nghiên cứu đặc điểm tâm lý sinh viên, dẫn dắt GD phổ thông là những điểm còn thiếu của giảng viên sư phạm. Khi xây dựng bộ chuẩn giảng viên sư phạm có ý nghĩa lớn ở chỗ, một số nhà khoa học ở trường ĐHSP trước đây chỉ chú tâm vào nghiên cứu cơ bản, giảng dạy những vấn đề khoa học thuần túy, khi có chuẩn, buộc các thầy phải hướng tới nghiên cứu cơ bản, ứng dụng hướng đến nghiệp vụ, hướng đến GDPT, hướng và dẫn dắt các thế hệ trẻ, đó là sứ mạng của người thầy. Tôi cho rằng rất quan trọng và các thầy sư phạm đều thấy cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

Hướng tới hội nhập

Sắp tới, khi bộ chuẩn năng lực nghề nghiệp giảng viên được ban hành, đó có phải là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ GV? Những tiêu chuẩn và năng lực cần có của giảng viên sư phạm là gì, thưa GS?

Đúng thế! Khi nhìn vào bộ chuẩn, các thầy sư phạm đã trực tiếp tham gia xây dựng, các thầy đề xuất và xây dựng ý tưởng, đặt ra yêu cầu cho chính mình, chắc chắn trong quá trình đó các thầy bao giờ cũng đặt ra tiêu chuẩn cao hơn yêu cầu, chưa nói là hội nhập quốc tế. Mặc dù đây là vấn đề khó, nhạy cảm nhưng vẫn phải nỗ lực xây dựng.

Trong quá trình xây dựng chuẩn có huy động 8 trường ĐHSP lớn tham gia và có thảo luận và trao đổi có hướng đến là xác định các mức năng lực nghề nghiệp của người giảng viên. Có 4 mức độ năng lực nghề nghiệp của người giảng viên: Mức 1 là mức tối thiểu, cơ bản: Giảng viên hiểu được những quy định nghề nghiệp, đã thực hiện được một phần công việc, chưa có kinh nghiệm, cần hỗ trợ của đồng nghiệp khi thực hiện.

Mức 2 (Đạt): Giảng viên có khả năng thực hiện công việc độc lập, đúng quy định, đầy đủ, đã có kinh nghiệm nhưng chưa nhiều. Mức 3 (Khá): Thực hiện đầy đủ, thành thạo, sáng tạo công việc, nhiều kinh nghiệm và có thể hướng dẫn đồng nghiệp. Mức 4 (Tốt): Dẫn đầu, vượt trội, đổi mới trong thực hiện công việc, có năng lực phản biện đánh giá. Ở mức độ này, gần như tiệm cận với năng lực giảng viên của một trường đại học khu vực ASEAN.

Ví dụ như yếu tố công bố quốc tế, yếu tố giảng dạy, yếu tố ngoại ngữ… Tiêu chuẩn 4, rất cao, điều đó khiến các thầy phải có hướng phấn đấu hướng tới hội nhập. Bộ tiêu chí cũng có giao thoa với chuẩn giáo viên, chuẩn Hiệu trưởng phổ thông (đang triển khai) theo chỉ đạo của ngành là đồng trục, đồng hướng và chất lượng.

Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các trường sư phạm hoàn thiện Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm. Dựa trên cơ sở khoa học nghiên cứu về vấn đề này, sẽ ban hành thông tư. Đây là một cách làm rất căn cốt, có đầy đủ cơ sở khoa học tạo ra một sự đánh giá, sự tôn vinh, tạo ra sự phấn đấu của các thầy cô giáo rất bài bản. Về mặt học thuật và cơ sở khoa học, chúng ta có đầy đủ cơ sở để xây dựng và hoàn thành bộ chuẩn này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.