Học sinh tiểu học chia sẻ về việc học thêm và sử dụng mạng xã hội

GD&TĐ - Nhiều chủ đề thời sự hiện nay như dạy thêm học thêm, sử dụng mạng xã hội,… được chia sẻ tại cuộc thi “THedu English Rising Stars Contest”.

Các thí sinh tham gia các phần thi phản biện sôi nổi tại cuộc thi.
Các thí sinh tham gia các phần thi phản biện sôi nổi tại cuộc thi.

Chiều 22/2, vòng bán kết và chung kết cuộc thi tranh biện tiếng Anh dành cho học sinh 9-14 tuổi “THedu English Rising Stars Contest” do Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TH (THedu) tổ chức diễn ra hấp dẫn với nhiều chủ đề thời sự hiện nay như dạy thêm học thêm, sử dụng mạng xã hội an toàn, vệ sinh thực phẩm cổng trường.

Khởi động từ tháng 12/2024, “THedu English Rising Stars Contest” thu hút đông đảo học sinh tiểu học và THCS đến từ TPHCM và các địa phương lân cận tham gia.

Ban tổ chức đã chọn được 9 thí sinh xuất sắc nhất đến từ TPHCM và TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) bước vào vòng bán kết.

Tại vòng bán kết, thí sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ, nhận câu hỏi từ ban giám khảo và có 15 phút chuẩn bị.

Sau đó, các nhóm lần lượt thuyết trình về chủ đề được bốc thăm trong vòng 10 phút và trả lời câu hỏi phản biện từ ban giám khảo.

Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc THedu trao giải quán quân cho Minh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc THedu trao giải quán quân cho Minh Hòa.

Ở vòng thi chung kết, mức độ khó được tăng lên khi thí sinh được yêu cầu trình bày quan điểm cá nhân cũng như tranh biện về các vấn đề xã hội gần gũi với lứa tuổi các em như ảnh hưởng của mạng xã hội đối với việc học, học sinh tiểu học có nên đi học thêm hay không.

Là thí sinh giành được giải thưởng cao nhất của cuộc thi, Đặng Minh Hòa, học sinh Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp, TPHCM), chia sẻ quan điểm không muốn tạo thêm áp lực tài chính cho bố mẹ nếu phải đóng tiền cho con đi học thêm.

Theo Minh Hòa, hiện nay, học sinh tiểu học có rất nhiều ứng dụng hỗ trợ học tiếng Anh và học Toán.

Nếu thường xuyên rèn luyện phương pháp tự học, các bạn có thể tự trang bị kiến thức qua máy tính hoặc điện thoại. Khi gặp câu hỏi hóc búa, các bạn nên tìm gặp thầy cô hoặc bạn bè để nhờ giúp đỡ.

Các thí sinh đạt giải tại cuộc thi.

Các thí sinh đạt giải tại cuộc thi.

Còn Hoàng Ngọc Đông Phương, học sinh Trường Tiểu học Hạnh Thông cho rằng, với sự phát triển nhanh của các thiết bị công nghệ, học sinh có thể tự bổ sung kiến thức qua nhiều kênh khác nhau như học online, lập nhóm Zalo hoặc Facebook trao đổi kiến thức với bạn bè.

Chia sẻ về việc sử dụng mạng xã hội, Nguyễn Nguyên Khang - thí sinh giành giải nhì cuộc thi, bày tỏ, nếu sử dụng mạng xã hội đúng cách và trong giới hạn thời gian nhất định sẽ hữu ích.

Khi đó, mạng xã hội giúp học sinh trao đổi kiến thức với thầy cô, bạn bè, tăng cường sự kết nối và cập nhật tin tức về các vấn đề thời sự.

Chỉ khi học sinh sử dụng không kiểm soát, mạng xã hội mới ảnh hưởng tiêu cực đến việc học và cuộc sống hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Song Trà, Giám đốc Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo TH (THedu), đơn vị tổ chức cuộc thi tranh biện tiếng Anh cho biết cuộc thi với mục tiêu giải quyết vấn đề giáo dục, trao quyền cho thế hệ trẻ.

“Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc sử dụng tiếng Anh thành thạo không chỉ là lợi thế mà còn là yêu cầu thiết yếu. Chúng tôi mong muốn khắc phục khoảng cách về kỹ năng ngôn ngữ của học sinh, giúp các em tiếp cận một phương pháp học tập hiện đại, thực tiễn và mang tính ứng dụng cao. Thông qua các vòng thi, học sinh không chỉ được rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn được thử thách với các tình huống thực tế như hùng biện, phản biện, tranh luận. Điều này giúp các em phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề và giao tiếp linh hoạt, những kỹ năng quan trọng để vững bước trong thời đại mới”, bà Song Trà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Lần đầu nếm kẹo dừa non

GD&TĐ - Thực ra, kẹo dừa non được nhắc là quà đặc sản ở Phú Yên và thường mang màu vàng hoặc xanh cốm.

Khu vườn nhà êm ả. Ảnh: Ngọc Phạm

Giọt quê, giọt nhớ

GD&TĐ - Mỗi lần ai đó hỏi quê tôi ở đâu, mùa Xuân năm nay có về quê không, tôi thường trả lời quê em xa lắm, em không về...