Gắn bó ngót ngét quãng thời gian 15 năm làm từ thiện với bao nhiêu chuyến đi đến những làng biển, ông hiểu hơn ai hết hoàn cảnh khó khăn của những gia đình ngư dân nghèo, cuộc sống chỉ biết bám vào biển cả. Sự khắc nghiệt của thời tiết với những trận bão lớn, hướng di chuyển khó lường, đã cướp đi sinh mạng của những người chồng, người cha của những gia đình ngư dân. Mất đi trụ cột, cuộc sống với những người phụ nữ góa bụa nuôi con càng thêm chồng chất khó khăn.
“Những chiếc áo phao thông thường không thể nào giúp người ngư dân sống sót được trên biển với nước mặn lạnh cóng và đói khát. Vậy tại sao mình không làm ra một loại áo phao đa năng giúp ngư dân giữ nhiệt độ cơ thể và có sẵn thức ăn nước uống để trụ lại trên biển chờ cứu hộ”- ông Minh trăn trở.
Một nhà sáng chế chuyên nghiệp đi theo lối đi riêng mà trước kia chưa có ai đặt chân đã khó. Với ông Minh, một người theo chuyên ngành kinh tế, một nhà sáng chế không chuyên không hề được đào tạo qua kỹ thuật vật liệu, khó khăn chồng chất bội phần.
Nhưng ông quyết tâm không từ bỏ dự định, bởi ông không thể kìm lòng trước nỗi đau mất chồng, của những người phụ nữ làng biển, nỗi buồn mất cha của những đứa trẻ ngây thơ vô tội.
Ngư dân có thể sống sót trên biển trong 1 tuần với chiếc áo phao cứu sinh đa năng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Năm 2010, ông bắt tay vào thiết kế, chế tạo chiếc áo phao đặc biệt này. Dốc hết toàn bộ 200 triệu tiền riêng, cộng với vốn kiên thức “học lỏm” được thời kỳ làm công ty nhựa Sài Gòn, ông đã cặm cụi vừa làm vừa sửa lỗi ròng rã suốt 3 năm trời mới cho ra sản phẩm hoàn thiện.
Áo phao đa năng được làm từ chất liệu sợi tổng hợp polyester và nhựa HDPE có chức năng chống thấm nước và giữ nhiệt cho người sử dụng. Mũ có thiết kế màu vàng phản quan giúp đơn vị cứu hộ có thể dễ dàng nhận biết. Bộ vớ (tất) và đôi bao tay được làm bằng cao su giúp người dùng cách ly với nước biển, tránh trường hợp chân tay bị cóng khi tiếp xúc thời gian dài với nước. Với mùi hôi đặc trưng từ cao su, các vật dụng này làm giảm khả năng các sinh vật biển phát hiện và tấn công ngư dân. Trên thân áo được bố trí 18 túi nhỏ, dùng để chứa thức ăn và nước uống đủ cho 1 người sử dụng trong 1 tuần.
Đặc biệt chiếc áo phao còn có một bộ phận đi kèm là bóng làm bằng cao su có tác dụng không làm cho sóng biển tạt nước vào mặt ngư dân. Ngoài ra, bóng cao su còn có thể kẹp ở dưới chân để toàn bộ cơ thể nổi trên mặt nước tạo sự thoải mái cho người sử dụng trong khi chờ đợi lực lượng cứu hộ.
Áo phao cứu hộ đa năng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Trong một lần làm từ thiện tại tỉnh Bạc Liêu, ông đã trình bàỳ ý tưởng cho một vị lãnh đạo tỉnh. Thấy ý tưởng của ông rất thiết thực vì cộng đồng, vị lãnh đạo này nói chuyện với Sở KHCN tỉnh Bạc Liêu cho thử nghiệm sản phẩm.
Khó khăn không dừng lại ở đó, nhiều lần thử nghiệm ở ngoài biển, sản phẩm bộc lộ nhiều bất cập. Lần thử nghiệm đầu tiên, do chất liệu làm áo không tốt, sóng biển đã làm rách áo. Lần thử nghiệm tiếp theo, áo phao có dấu hiệu bị phình do không có chỗ thoát khí. Mỗi lần thử nghiệm thất bại, ông không hề nản chí và đều tự tay sửa chữa, cải tiến sản phẩm. 8 lần lênh đênh trên biển thử nghiệm sản phẩm, cuối cùng chiếc áo phao đa năng đã đạt được các tiêu chí do Sở KHCN Bạc Liêu đề ra trong niềm vui mừng không xiết của người sáng chế.
Ông Võ Văn Hoàng Minh (ngoài cùng bên trái) tại một buổi thử nghiệm sản phẩm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Hiện tại, sản phẩm áo phao đa năng có giá khoảng 1,4 triệu VNĐ. Ông Minh mong muốn Nhà nước có thể tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân một phần để các ngư dân miền biển ai cũng có thể tiếp cận với sản phẩm áo phao đa năng này, giúp họ yên tâm vươn khơi bám biển.