Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng; lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ GD&ĐT; cùng đại diện các nhà khoa học, lãnh đạo các trường ĐH khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp sử dụng lao động.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, cho biết: Trước những yêu cầu thực tiễn đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) để điều chỉnh các chính sách đối với GDĐH. Dự án Luật được ban hành sẽ đảm bảo thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giải quyết được những đòi hỏi cấp bách trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân đối với GDĐH.
Việc bổ sung một số điều của Luật GDĐH cũng nhằm khắc phục được những hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành trong những năm qua, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi khác biệt so với thời điểm ban hành Luật GDĐH, đòi hỏi phải thay đổi quan điểm, mục tiêu, biện pháp điều chỉnh các chính sách đối với GDĐH và bảo đảm các quy định của GDĐH phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.
Cần hoàn hiện cơ cấu tổ chức giáo dục đại học
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề như: Mô hình, cấu trúc cơ sở GDĐH; Quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH; Phân tầng, xếp hạng ĐH; Cơ quan chủ quản các cơ sở GDĐH; Quản trị ĐH; Kiểm định chất lượng các cơ sở GDĐH; Điều kiện đảm bảo chất lượng GDĐH; Tự chủ trong các cơ sở GDĐH; Phát triển trường tư thục; Hội đồng trường; Đầu tư cho GDĐH; Chính sách xã hội hóa GDĐH…
Đặc biệt, về cơ cấu tổ chức GDĐH, các đại biểu ủng hộ phương án Trường - Viện nghiên cứu nhằm phát huy sức mạnh hệ thống. Về Hội đồng trường, nhiệm vụ và quyền hạng, thống nhất phương án 1 là Hội đồng trường tiến hành bầu hiệu trưởng và trình Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn.
Các đại biểu cũng kiến nghị luật cần quy định rõ nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm, cần có quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc… Đại diện Trường ĐH Y Dươc Cần Thơ, cho biết: Mặc dù trường được giao cơ chế tự chủ, Bộ chủ quản là Bộ Y tế, chúng tôi ủng hộ hội động trường tiến hành quy trình bầu hiệu trưởng và và trình Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn.
Ông Nguyễn Minh Trí - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Chúng tôi ủng hộ phương án 1 (Hội đồng trường bầu hiệu trưởng và trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê chuẩn).
Luật cũng cần quy định rõ nhiệm kỳ của hội đồng trường là 5 năm, cần có quy định thời điểm bắt đầu và kết thúc. Nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm, hiệu trưởng được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ và không quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Luật cũng không nên dùng cụm từ bổ nhiệm và bổ nhiệm lại hiệu trưởng...
Cũng theo ông Trí, Luật cần quy định các cơ sở GDĐH khác với ĐH Quốc gia được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo trình độ đại học và thạc sĩ và tiến sĩ… Cụ thể là cho phép mở đào tạo trình độ tiến sĩ đối với các trường ĐH đã được kiểm định, được công nhận chất lượng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Quang Trí - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cho biết: Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cụ thể trách nhiệm của hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường và chủ tịch HĐQT.
Với trách nhiệm được quy định, các trường phải chọn những người có tâm, có trách nhiệm, nếu họ không hoàn thành thì sẽ tiến hành sẽ xử lý. Nếu làm được việc này sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng GDĐH…
Làm rõ hoạt động của Hội đồng trường
Trao đổi về Hội đồng trường, ông Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết: Dự thảo Luật chưa khái quát đầy đủ về các trường ĐH thuộc địa phương. Trong đó có vấn đề mối quan hệ của hội đồng trường với Đảng ủy cơ sở ở địa phương. Vì thực tế, các quyết sách, định hướng phát triển của Trường ĐH An Giang đều phải thông qua Tỉnh ủy. Kể cả việc bổ nhiệm trưởng khoa, trưởng phòng cũng phụ thuộc vào Sở Nội vụ.
Theo ông Thắng, Luật cũng cần quy định rõ khi hội đồng trường quyết định chiến lược, nhân sự và đưa ra các quyết sách… thì trách nhiệm của hội đồng trường, của ban giám hiệu như thế nào? Ngân sách hoạt động của hội đồng trường, kinh phí hoạt động của hội đồng này chi từ đâu? Cần phân biệt tính độc lập, tính tự chủ giữa hiệu trưởng và hội đồng trường… "Trên thực tế để tiến hành họp hội đồng trường rất khó, có khi tập hợp 5 lần chưa được do các thành viên thuộc nhiều thành phần, trong và ngoài trường khác nhau, người bận công việc, người đi công tác...".
Các đại biểu cho ý kiến về vấn đề người ngoài trường tham gia vào hội đồng trường. Theo đó, việc đưa sinh viên tham gia vào hội đồng trường sẽ không khả thi vì sinh viên lo việc học, thời gian học chỉ có 4 năm, trong các năm đầu các em khó có thể vào được hội đồng trường. Còn các năm cuối thì sinh viên phải thực tế, thực tập và lo chuẩn bị tốt nghiệp. Còn các đại diện bên ngoài tham gia vào hội đồng trường cũng khó có sự gắn kết vì bận rộn công việc…
Ông Thái Thành Lượm - Hiệu trưởng ĐH Kiên Giang, nêu ý kiến: Thành phần ngoài trường tham gia hội đồng trường cần quy định ở một số lượng nhất định, thực tế rất khó tập hợp đông đủ vì họ bận công việc. Bên cạnh đó, việc chọn chủ tịch hội đồng trường cần phải có quy định cụ thể để làm sao chọn được người có uy tín, có trách nhiệm và đảm đương được nhiệm vụ.
Trao đổi về việc phân tầng, xếp hạng đại học, ông Dương Thái Công - Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ Thuật - Công nghệ Cần Thơ, nói: Dự thảo Luật có nêu phân tầng và xếp hạng cơ sở GDĐH là việc hết sức cần thiết cho GDĐH Việt Nam. Để làm tốt việc này nên có tổ chức khách quan để đánh giá, phân tầng, xếp loại GDĐH.
Ông Công có ý kiến đề xuất tổ chức đánh giá phải độc lập, không phụ thuộc vào cơ sở giáo dục nào. Có thể mời thêm các thành viên trong tổ chức đánh giá của nước ngoài để đánh giá, phân tầng, xếp hạng các cơ sở GDĐH Việt Nam… Đối với vấn đề Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH, theo ông Công cần có định hướng đưa các lĩnh vực đào tạo trùng với nhau có thể sáp nhập lại, để tạo thành các trường ĐH mạnh về nguồn lực, cơ sở vật chất.
Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đánh giá cao những tâm huyết, góp ý của các nhà quản lý, các chuyên gia, lãnh đạo các trường ĐH.
Các ý kiến đã mang đậm hơi thở thực tiễn, đóng vai trò rất quan trọng để Ban soạn thảo Dự thảo Luật GDĐH cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT xem xét để sớm xây dựng được một Dự thảo Luật GDĐH hoàn chỉnh trong thời gian tới...