(GD&TĐ)-UBVHGDTNTNNĐ của QH, Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) đã cân nhắc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự thảo 3 Luật GD ĐH trước khi trình Quốc Hội thông qua ở kỳ họp thứ 3, QH khóa XIII.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Dự thảo Luật GD Đại học đã giải quyết được những vấn đề "nóng" đặt ra trong thực tế, ảnh MH |
1. Hoàn thiện các điều khoản về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các chuyên gia, Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội và Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học đã có những điều chỉnh các qui định về Hội đồng trường và Hội đồng quản trị trong dự thảo 3. Cụ thể như sau:
Về Hội đồng trường:
Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIII về dự thảo 1 Luật Giáo dục Đại học, Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc Hội (UBVHGDTNTNNĐ) đã phối hợp với Ban soạn thảo Luật hoàn thiện dự thảo 2. Bản dự thảo này đã đưa ra lấy ý kiến chuyên gia qua hội nghị tại 3 địa điểm: Bình Dương, Thành Phố Hồ Chí Minh và Hà Nội với sự chủ trì của Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc Hội Tòng Thị Phóng và Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo dục, Thanh Niên, Thiếu niên, Nhi đồng Đào Trọng Thi. Đồng thời, bản dự thảo cũng được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý qua nhiều kênh khác nhau.Trên cơ sở kết luận của các đồng chí chủ trì hội thảo và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý, UBVHGDTNTNNĐ đã hoàn thiện dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 sắp tới. |
Điều 15 của dự thảo Luật qui định hội đồng trường được thành lập ở các cơ sở giáo dục đại học công lập, là tổ chức quản trị, đại diện chủ sở hữu của nhà trường, làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Hội đồng trường là hội đồng quyền lực phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; Quyết nghị về cơ cấu tổ chức và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường; Quyết nghị về việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các tổ chức của cơ sở giáo dục đại học…
Thành viên hội đồng trường gồm Ban giám hiệu, bí thư đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện một số khoa, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học; một số nhà hoạt động giáo dục, khoa học, doanh nghiệp. Chủ tịch hội đồng trường do thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm. Tiêu chuẩn chủ tịch hội đồng trường như tiêu chuẩn của hiệu trưởng. Điều lệ nhà trường sẽ qui định cụ thể thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền của chủ tịch, thư ký; việc bổ nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường.
Về Hội đồng quản trị:
Điều 16 của dự thảo Luật qui định hội đồng quản trị được thành lập ở cơ sở giáo dục đại học tư thục. Đó là tổ chức đại diện duy nhất cho quyền sở hữu của nhà trường. Hội đồng quản trị có nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông; phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và quy chế về tổ chức và hoạt động của nhà trường; quyết nghị phương hướng hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục; quyết nghị những vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và phương hướng đầu tư phát triển của nhà trường…
Thành viên hội đồng quản trị gồm đại diện của các tổ chức, cá nhân có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định; Hiệu trưởng; đại diện cơ quan quản lý địa phương nơi cơ sở giáo dục đại học có trụ sở; đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể; đại diện giảng viên. Chủ tịch hội đồng quản trị do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín. Chủ tịch hội đồng quản trị phải có trình độ đại học trở lên. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị là 5 năm. Hội đồng quản trị làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số.
Thủ tục thành lập, số lượng và cơ cấu thành viên; nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị; tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền hạn của chủ tịch, thư ký; việc công nhận, không công nhận hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên hội đồng quản trị được quy định trong Điều lệ, Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.
2. Tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học
Về các điều khoản liên quan đến tự chủ đại học, tiếp thu ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, dự thảo 3 lần này đã qui định rõ “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm về các hoạt động chủ yếu trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học được tự chủ trong những hoạt động khác phù hợp với năng lực thực hiện quyền tự chủ và kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của nhà trường. Cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tùy thuộc mức độ, bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động đào tạo hoặc giải thể nhà trường” (điều 33 dự thảo 3).
Trong đào tạo, các trường được tự chủ phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng nghề nghiệp; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo (điều 29 dự thảo 3). Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chịu trách nhiệm công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học (điều 35 dự thảo 3). Cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh là thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh. Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học; quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; quy định các môn học bắt buộc trong chương trình đào tạo đối với các trình độ đào tạo của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài; quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo khóa học, năm học và học kỳ, thực hiện quy chế và chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo, hình thức đào tạo theo niên chế hoặc học chế tín chỉ (điều 38). Cơ sở giáo dục đại học in phôi văn bằng, cấp văn bằng cho người học; công bố công khai các thông tin liên quan về văn bằng cho người học trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mẫu văn bằng giáo dục đại học; việc in, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng giáo dục đại học; quy định trách nhiệm và thẩm quyền cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam khi liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục đại học nước ngoài; quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện việc cấp văn bằng giáo dục đại học tại Việt Nam; ký hiệp định tương đương và công nhận văn bằng với các nước, tổ chức quốc tế; quy định trình tự, thủ tục công nhận văn bằng giáo dục đaị học do nước ngoài cấp (điều 39 dự thảo 3).
Như vậy trong dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học, tự chủ được xem là thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học. Khi cơ sở được phép hoạt động thì có đầy đủ các quyền đã được qui định cụ thể trong dự thảo luật. Điều này khác biệt cơ bản so với dự thảo 2, trong đó qui định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học được cơ quan quản lý nhà nước giao tùy thuộc vào năng lực thực hiện quyền tự chủ.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, mục tiêu cơ bản của xây dựng dự thảo Luật Giáo dục đại học là tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước hiện nay và chuẩn bị nguồn nhân lực cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn tiếp theo. Có thể nói nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực là mục tiêu xuyên suốt của bản dự thảo Luật Giáo dục đại học, đó là trục trung tâm để xây dựng dự Luật chuyên đề này. Dự thảo Luật GDĐH xử lý những vấn đề quan trọng trong giáo dục đại học mà cho tới nay chưa có văn bản pháp qui nào hoặc có văn bản nhưng chưa đủ để áp dụng một cách có hiệu quả. Luật Giáo dục là luật khung, điều chỉnh toàn bộ các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, do vậy Luật giáo dục không quy định cụ thể đối với từng cấp học và trình độ đào tạo. Luật Giáo dục chỉ có 6 điều quy định về giáo dục đại học, chưa điều chỉnh cụ thể và riêng biệt các lĩnh vực quan hệ xã hội của giáo dục đại học. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: GDĐH nước ta đang đứng trước những thách thức to lớn trong thời kỳ CNH–HĐH và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên phương pháp quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH chậm được thay đổi, chưa đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của toàn hệ thống, chưa phát huy mạnh mẽ được sự sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và sinh viên. Chất lượng nguồn nhân lực chưa mang tính cạnh tranh cao, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành kinh tế mũi nhọn. Mặt khác, trong bối cảnh GDĐH Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động GDĐH chưa thay đổi, bổ sung kịp thời để các cơ sở giáo dục đại học, cơ quan quản lý nhà nước đủ căn cứ để làm tốt nhiệm vụ của mình. |
3. Hoàn thiện quy định về cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận, không vì lợi nhuận và vấn đề tài chính đại học
Vấn đề gây tranh cãi nhất trong các dự thảo luật Giáo dục Đại học trước đây đã được xử lý trong dự thảo luật lần này, đó là qui định cơ sở giáo dục đại học vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.
Tiếp thu ý kiến phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học đã đưa ra các tiêu chí về cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận. Điều 4 của dự thảo nêu rõ “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.”
Để đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển bền vững, điều 65 của dự thảo 3 của Luật qui định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Dự thảo luật cũng qui định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục và giá trị của các tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng cho cơ sở giáo dục đại học tư thục là tài sản chung không chia, được quản lý theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển.
Mặt khác, tài sản và đất đai Nhà nước giao cho cơ sở giáo dục đại học tư thục quản lý và tài sản cơ sở giáo dục đại học tư thục được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng phải được sử dụng đúng mục đích, không chuyển đổi mục đích sử dụng và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất cứ hình thức nào.
Về học phí, điều 64 của dự thảo Luật qui định Chính phủ quy định nội dung, phương pháp xây dựng khung học phí đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập. Cơ sở giáo dục đại học công lập được chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí nằm trong khung học phí do Chính phủ quy định. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình đào tạo chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài thì mức thu học phí do các trường chủ động xây dựng nhưng phải được công bố công khai cùng thời điểm thông báo tuyển sinh.
Có thể nói, trong bối cảnh nước ta hiện nay, khó có trường tư thục nào tìm được các khoản hiến tặng đủ lớn như các trường đại học nước ngoài để có thể trang trải cho mọi hoạt động mà phải dựa vào các nhà đầu tư. Vì vậy những tiêu chí mà dự thảo luật đưa ra lần này là phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta nhằm một mặt, đảm bảo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đại học và mặt khác, ngăn chặn những hành vi trục lợi trong hoạt động giáo dục đào tạo.
4. Hoàn thiện qui định về giảng viên và hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học
Trên thực tế, hầu hết các trường đại học nước ta hiện nay đều phải nhận cán bộ có trình độ ban đầu là đại học để đào tạo bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy có trình độ cao hơn. Có những ngành đặc thù mà trong nước chưa có chương trình đào tạo sau đại học nên không có cán bộ trình độ thạc sĩ. Trong các đợt kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa 12 vừa qua về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải cho dừng tuyển sinh nhiều ngành do không đủ điều kiện tối thiểu về số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ (mỗi ngành chỉ cần có 1 Tiến sĩ và 3 Thạc sĩ. Nhiều cơ sở giáo dục đại học lúc mở ngành đăng ký đủ số lượng giảng viên theo quy đinh nhưng trong quá trình đào tạo đã không giữ được số lượng giảng viên có trình độ Tiến sĩ, Thạc sĩ).
Theo thống kê, tổng số giảng viên đại học, cao đẳng ở nước ta đến nay là 77.500 người, trong đó giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%; giảng viên có trình độ tiến sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 10% và giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm tỷ lệ khoảng 40%. Như vậy còn khoảng 50% giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học chưa có bằng Tiến sĩ, Thạc sĩ. Vì vậy nếu qui định cứng trong Luật Giáo dục Đại học là giảng viên đại học phải có trình độ Thạc sĩ trở lên thì khi Luật có hiệu lực sẽ có khoảng 50% số cán bộ giảng dạy hiện nay không được dạy, đồng nghĩa với việc giảm 50% qui mô đào tạo.
Để phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo chất lượng giảng viên ngày càng được nâng cao, điều 53 của dự thảo 3 qui định “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ cao hơn trình độ được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục làm giảng viên”. Khoản 6 Điều 10 dự thảo Luật giáo dục đại học quy định chính sách của Nhà nước về phát triển đội ngũ giảng viên: “Có chế độ thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ và chức danh giáo sư, phó giáo sư của các cơ sở giáo dục đại học”.
Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định chính sách thu hút, kéo dài thời gian làm việc đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, để tiếp tục làm nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học: “Giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ công tác trong cơ sở giáo dục đại học được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu giảng viên có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu” (Điều 55 dự thảo 3).
Chức danh của giảng viên giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học quy định trong dự thảo Luật giáo dục đại học khác so với các quy định hiện hành, cụ thể là tại khoản 2 Điều 53 dự thảo Luật quy định: “Chức danh của giảng viên bao gồm: trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư và giáo sư”.
Dự thảo Luật cũng quy định rõ các quyền của giảng viên, như: được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định; giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định; tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật; được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; được khen thưởng theo quy định của pháp luật;…
Về chức vụ Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học, sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học không còn qui định cứng tuổi bổ nhiệm của hiệu trưởng các trường ngoài công lập. Điều này được điều chỉnh bởi điều lệ và qui chế hoạt động của nhà trường. Mặt khác qui định nhiệm kỳ hội đồng quản trị theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng cơ sở giáo dục tư thục cũng đã rút ra khỏi dự thảo. Điều 20 của dự thảo đưa ra những qui định chung về trách nhiệm của hiệu trưởng là quản lý các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học. Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm (đối với cơ sở giáo dục đại học công lập) hoặc công nhận (đối với cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập).
Dự thảo cũng qui định tiêu chuẩn hiệu trưởng là có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; có uy tín về khoa học và giáo dục; có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm; Có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng; Có sức khoẻ tốt để đảm đương nhiệm vụ. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm trước pháp luật về toàn bộ công tác quản lý tài chính và tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm công khai, minh bạch về tài chính theo quy định của pháp luật; chấp hành các quy định về kế toán và kiểm toán.
Đối với Hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập thì tuổi khi bổ nhiệm phải bảo đảm công tác ít nhất một nhiệm kỳ.
5. Hoàn thiện các điều khoản về phân tầng cơ sở giáo dục đại học
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội và của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học đã bổ sung các điều khoản và làm rõ phân tầng cơ sở giáo dục đại học. Điều 4 của dự thảo Luật nêu rõ phân tầng cơ sở giáo dục đại học là việc phân chia hệ thống cơ sở giáo dục đại học thành các loại trường khác nhau dựa trên chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học. Điều 9 của dự thảo Luật nêu các cơ sở giáo dục đại học được phân tầng thành các đại học nghiên cứu, các đại học ứng dụng và các trường cao đẳng huẩn luyện nghề nghiệp. Cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu gồm các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ chất lượng cao, trong đó quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tỷ lệ ít nhất 40% so với tổng quy mô đào tạo và có kết quả cao về nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Cơ sở giáo dục đại học ứng dụng gồm các trường đại học thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng, đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt tỷ lệ dưới 40 % so với tổng quy mô đào tạo. Cơ sở giáo dục đại học nghề nghiệp gồm các trường cao đẳng thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, đào tạo đến trình độ cao đẳng. Trên cơ sở phân tầng này, điều lệ trường đại học sẽ qui định xếp hạng chất lượng trong từng nhóm trường dựa vào kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Điều 12 của dự thảo Luật nêu rõ phân tầng cơ sở giáo dục đại học theo chất lượng đào tạo và kết quả nghiên cứu khoa học để có chính sách đầu tư, giao nhiệm vụ và thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với vị trí, vai trò, năng lực bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học. Theo đó Nhà nước đầu tư ngân sách có trọng điểm để hình thành một số cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao theo định hướng nghiên cứu thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học xã hội, các ngành khoa học và công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
Ở nước ta, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, bên cạnh các đại học theo hướng ứng dụng, tiếp tục xây dựng các đại học phát triển theo định hướng nghiên cứu để trở thành các trường đại học nghiên cứu thực sự trong tương lai. Một trong những nhiệm vụ của cơ sở giáo dục đại học là phát triển các chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng (Điều 28) tương ứng với mục tiêu đào tạo của hai loại hình trường đại học nói trên.
Việc xây dựng các trường đại học của nước ta để trở thành những đại học đào tạo đa ngành theo hướng ứng dụng cũng như củng cố chất lượng đào tạo kỹ thuật viên của các trường cao đẳng hiện nay không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu là một thử thách rất lớn. Để đưa các trường này vào quỹ đạo phát triển đại học nghiên cứu thì việc đầu tư phát triển nghiên cứu khoa học trong trường là yêu cầu không thể thiếu. Dự thảo Luật qui định rõ các cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ thực hiện nghiên cứu khoa học, gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với cơ sở nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp để tạo ra tri thức, công nghệ, giải pháp mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; Chính phủ ưu tiên đầu tư cho các cơ sở giáo dục đại học có tiềm lực mạnh về nhân lực nghiên cứu và triển khai ứng dụng .
Như vậy việc phân tầng đại học đã được quy định trong dự thảo Luật theo hướng củng cố chất lượng đào tạo của các trường đại học theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng đào tạo kỹ thuật viên đồng thời tập trung đầu tư phát triển các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Các đại học nghiên cứu này có vai trò đặc biệt quan trọng để chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức khi nước ta hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chúng ta nên phân biệt giữa phân tầng đại học và xếp hạng chất lượng đại học. Phân tầng là phân chia các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu đào tạo còn xếp hạng là đánh giá chất lượng trong từng nhóm trường. Không thể so sánh chất lượng đào tạo của trường thuộc nhóm ngành nghiên cứu với trường thuộc nhóm ngành ứng dụng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phân tầng cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng giáo dục được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn (Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục) hoặc các tổ chức khác (như tổ chức hiệp hội, tạp chí khoa học,…) , các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng kết quả kiểm định chất lượng và phân tầng cơ sở giáo dục để đầu tư, giao nhiệm vụ,…
6. Hoàn thiện các điều khoản về Đại học hai cấp
Tại các hội thảo về dự thảo 2 của Luật Giáo dục Đại học có rất nhiều ý kiến khác nhau về đại học hai cấp cả về mô hình, tổ chức bộ máy, mối quan hệ giữa các trường thành viên và đại học, quyền tự chủ của các trường thành viên...
Tại hội nghị đánh giá 15 năm hoạt động của Đại học 2 cấp, bên cạnh những thành tựu đã đạt được cũng còn không ít ý kiến băn khoăn về tính hợp lý của mô hình và vấn đề tự chủ của các trường thành viên trong đại học 2 cấp. Hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo Nghị định mới về Đại học Quốc gia.
Về mặt pháp lý, cho tới nay tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia cũng như Đại học vùng (Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng) chưa được luật hóa mà chỉ được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật. Dựa trên kết quả đánh giá 15 năm hoạt động, ý kiến đóng góp của các đại biểu quốc hội và ý kiến của các nhà khoa học qua các hội thảo, dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học đã xác định vai trò và địa vị pháp lý của Đại học Quốc gia, đó là cơ sở giáo dục đại học được Nhà nước giao nhiệm vụ là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư từ đầu phục vụ sự phát triển khoa học công nghệ, cung cấp nhân lực chất lượng cao và đổi mới quản lý các trường đại học. Đại học quốc gia có quyền chủ động cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy. Đại học Quốc gia chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quản lý theo lãnh thổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đại học Quốc gia đặt địa điểm.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể của đại học quốc gia được qui định trong các văn bản dưới luật của Chính phủ. Các văn bản này sẽ qui định việc phân công, phối hợp thực hiện nhiệm vụ đào tạo giữa Đại học Quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên. Đại học quốc gia được phép tổ chức đào tạo thí điểm các ngành, chuyên ngành đào tạo chưa có trong danh mục đào tạo nhà nước và sau khi tổng kết đánh giá kết quả thí điểm đào tạo báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để đăng ký bổ sung vào danh mục đào tạo nhà nước.
Đại học Quốc gia quyết định mở ngành, chuyên ngành đào tạo mới; thí điểm đào tạo ngành, chuyên ngành chưa có trong danh mục đào tạo nhà nước; điều phối đào tạo các ngành, chuyên ngành đào tạo có tính chất liên lĩnh vực, các ngành, chuyên ngành đào tạo thí điểm; phân công, điều phối giảng dạy các khối kiến thức chung, cơ bản.
Cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Quốc gia tổ chức đào tạo các ngành, chuyên ngành đào tạo chính thức thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường; tổ chức giảng dạy khối kiến thức nghề nghiệp thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường; tổ chức giảng dạy khối kiến thức chung, cơ bản thuộc lĩnh vực đào tạo của nhà trường theo sự phân công của đại học quốc gia; thực hiện các nhiệm vụ đào tạo khác do Đại học Quốc gia giao.
Giám đốc Đại học Quốc gia cấp bằng tốt nghiệp các chương trình đào tạo có tính chất liên lĩnh vực, các chương trình đào tạo thí điểm, các chương trình đào tạo do các đơn vị không phải là cơ sở giáo dục đại học thành viên thực hiện. Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành viên cấp bằng tốt nghiệp các chương trình đào tạo chính thức do nhà trường thực hiện.
7. Hoàn thiện các điều khoản về kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật cần qui định việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học là bắt buộc chứ không phải tự nguyện. Đồng thời có nhiều ý kiến đề nghị qui định rõ việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng giáo dục trong quản lý nhà nước.
Khi tính tự chủ của các trường cao thì kiểm định chất lượng giáo dục trở thành một công cụ hữu hiệu để quản lý chất lượng giáo dục. Đó là một trong những cơ chế thúc đẩy sự tiến bộ của nhà trường. Kiểm định chất lượng được thực hiện với một bộ tiêu chí đòi hỏi nhà trường phải chứng minh mục tiêu đào tạo của nhà trường phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương và cả nước, đạt mức chất lượng cam kết, đảm bảo sự minh bạch và luôn chịu trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng.
Mục tiêu của kiểm định chất lượng giáo dục đại học là xác nhận mức độ cơ sở giáo dục đại học hoặc chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục trong từng giai đoạn nhất định để làm căn cứ để cơ sở giáo dục đại học giải trình với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo; làm cơ sở cho người học lựa chọn cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo và người sử dụng lao động tuyển chọn nhân lực (Điều 50).
Từ năm 2004, với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng các trường đại học. Từ năm 2007 đã điều chỉnh lại thành bộ tiêu chuẩn có 61 tiêu chí bao quát toàn bộ các hoạt động của các học viện, trường đại học. Tương tự như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành bộ tiêu chuẩn kiểm định các trường cao đẳng gồm 55 tiêu chí. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành một số bộ tiêu chuẩn để kiểm định các chương trình giáo dục đại học.
Trong giai đoàn từ 2004 đến nay đã có 200 trường đại học và cao đẳng, 100 chương trình đại học hoàn thành báo cáo tự đánh giá; 40 trường đại học và 4 chương trình đã được thí điểm đánh giá ngoài. Kết quả tự đánh giá và đánh giá ngoài cho thấy các bộ tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm định chất lượng của chúng ta có độ tin cậy cao.
Thành lập và tổ chức, điều hành các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục là những công việc còn rất mới đối với nước ta. Vì vậy, trong những năm đầu chỉ nên tập trung kiểm định các trường đại học để rút kinh nghiệm, sau đó mở rộng cho các trường cao đẳng, tiếp theo mới là kiểm định chương trình. Nếu thực hiện theo thứ tự ưu tiên như thế, thì trong 3 năm đầu chỉ nên thành lập một tổ chức kiểm định chất lượng để tập trung kiểm định các trường đại hoc, sau đó mở rộng cho các đối tượng khác.
Dự thảo Luật Giáo dục Đại học đã đưa ra những qui định đối với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đó là một tổ chức có tư cách pháp nhân, chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập khi có đề án thành lập phù hợp với quy hoạch mạng lưới tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; được phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục khi có cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, đội ngũ kiểm định viên đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có trách nhiệm công khai các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục; công khai kết quả kiểm định và báo cáo kết quả kiểm định chất lượng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 51 dự thảo 3).
Điều 49 qui định nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Theo đó cơ sở giáo dục đại học xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục đại học; định kỳ đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và kiểm định cơ sở giáo dục đại học; được lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục trong số các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận để kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học có trách nhiệm thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và công bố công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo, kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học, kết quả đánh giá và kiểm định chất lượng trên trang thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng khác. Kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng giáo dục đại học, vị thế và uy tín của cơ sở giáo dục đại học; phân tầng cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; là căn cứ để Nhà nước hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học (Điều 52).
Như vậy những băn khoăn của các đại biểu về tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã được xử lý trong dự thảo 3 của Luật Giáo dục Đại học. Kết quả kiểm định chất lượng là thông tin quan trọng hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và sự lựa chọn của người học, đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động giáo dục đào tạo.
PV