Cần thiết có một Luật làm khung pháp lý để chi phối hoạt động GDĐH

Cần thiết có một Luật làm khung pháp lý để chi phối hoạt động GDĐH

(GD&TĐ) - Ngày 25/5, Quốc hội đã thảo luận để thông qua Dự luật Giáo dục Đại học (GDĐH), không chỉ trên diễn đàn Quốc hội mà nhiều đại diện các nhà trường, giảng viên các trường đại học, cao đẳng đều đồng tình với các nội dung của Dự thảo Bộ Luật cũng như nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Luật này. 

TIN LIÊN QUAN

NGƯT.TS. Triệu Văn Cường – Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội: Tôi thấy Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học đã rất nghiêm túc tiếp thu, ghi nhận và chỉnh sửa theo ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến phản hồi rộng rãi trong dư luận xã hội. Có thể nói là Ban soạn thảo đã làm việc rất kỹ, quy trình thực hiện từ cấp cơ sở cho đến cao nhất là Thường vụ Quốc hội để lấy ý kiến, các ý kiến đều được ghi nhận và thay đổi cho phù hợp với thực tiễn yêu cầu của Luật và thực tế của xã hội. Dự thảo lần 3 này, sau khi tập hợp ý kiến chuyên gia giáo dục, các nhà khoa học, các nhà giáo và cán bộ quản lý để hoàn thiện trình trình Quốc hội tại kỳ họp này, theo tôi đã thể hiện đầy đủ tinh thần của một bộ luật khung chi phối các hoạt động của giáo dục đại học. 

Việc còn có ý kiến khác trong thảo luận tại Quốc hội là điều khó tránh khỏi, quan điểm của riêng tôi là một bộ Luật cần khái quát, có vai trò chi phối hoạt động chung của GDĐH chứ không thể chi tiết hết được. Vì dưới Luật còn có Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ, nếu một bộ luật quá chi tiết thì còn cần gì đến các Nghị định và Thông tư hướng dẫn nữa. Thực tế là Ban soạn thảo trên tinh thần cầu thị đã tiếp thu ý kiến của đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục và đã chỉnh sửa cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, mỗi người có cách nghĩ khác nhau, theo tôi thì Dự thảo Luật GDĐH như thế là đã khá hoàn thiện, theo đúng tinh thần được xây dựng là khung pháp lý chi phối hoạt động chung của GDĐH.

Cần thiết có một Luật làm khung pháp lý để chi phối hoạt động GDĐH ảnh 1
Chất lượng đào tạo đại học luôn gắn với điều kiện thực hành thí nghiệm  

TS. Hoàng Ngọc Trí – Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, TCCN kinh tế, kỹ thuật: Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) khi đề cập đến vấn đề xã hội hóa và lợi nhuận trong giáo dục, cần phải đưa vào luật để phân biệt rõ ràng hai loại hình dịch vụ giáo dục, đó là dịch vụ vì mục đích lợi nhuận và không vì mục đích lợi nhuận. Trên thực tế có thể nói đa số các đại học tư thục của ta hiện nay là vì lợi nhuận. 

Thực tế các trường ngoài công lập do phải chạy theo yêu cầu hoàn vốn, chưa nói tới thu lợi nhuận về cho các cổ đông, đây là một trong những nguyên nhân khiến các trường này khó đáp ứng được những chức năng giáo dục thường có của một trường đại học công lập. Điều này lý giải vì sao các trường ngoài công lập chạy theo ngành đào tạo chi phí thấp, nhu cầu lớn, không có đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, thậm chí có những hành vi vi phạm quy chế tuyển sinh và quy chế đào tạo. Và hiện nay, không ít trường đại học ngoài công lập phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ gay gắt, kéo dài không ngoài nguyên nhân vì lợi nhuận. Mong rằng, Luật Giáo dục Đại học sớm được ban hành và rõ ràng về mục đích hoạt động vì lợi nhuận/không vì lợi nhuận để các trường thực hiện. 

PGS.TS Quyền Đình Hà (Đại học Nông nghiệp Hà Nội): Ý kiến của đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng “với thực trạng của giáo dục hiện nay, nếu tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ ngay sẽ dẫn đến việc khó kiểm soát, sẽ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho xã hội”, theo tôi rất rõ vấn đề. Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường như tinh thần của Luật GDĐH là hoàn toàn phù hợp. Giao tự chủ, nhưng tự chủ cũng cần phải gắn với tự chịu trách nhiệm. Thực tế thời gian qua trong hệ thống GDĐH, cả công lập và ngoài công lập đặc biệt là những trường ngoài công lập đã thể hiện nhiều bất cập, đó là những sai phạm trong mở ngành, tuyển sinh.. các nhà trường cũng chưa tuân thủ nghiêm quy chế “3 công khai”. Nếu giao tự chủ hết cho các trường thì không thể kiểm soát được diễn tiến đến đâu, và khi đó người học và xã hội sẽ chịu thiệt lớn nhất. Chính vì thế chủ trương giao quyền tự chủ trong chừng mực nhất định, năng lực đến đâu trao tự chủ đến đó là phù hợp, xã hội, người học cũng đồng tình với điều đó.

Không chỉ các nhà trường mà đông đảo người học cũng đang mong muốn Luật GDĐH được chính thức ban hành. Khi đó, cả Bộ GD&ĐT cũng như các nhà trường đều phải điều hành, hoạt động theo đúng khuôn khổ của Luật. Bộ GD&ĐT giữ vai trò là cơ quan quản lý nhà nước có chức năng giám sát các hoạt động của các nhà trường trên cơ sở Luật Giáo dục Đại học. Còn các cơ sở GDĐH phải tuân thủ các hoạt động theo đúng Luật quy định. 

GS.TS Mai Trọng Nhuận – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Thông qua luật để tạo hành lang pháp lý cho sự đổi mới và phát triến Giáo dục đại học

Dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH) nhận được những ý kiến đóng góp đa dạng, đa chiều của các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục. Các ý kiến này đã Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng và Ban soạn thảo Luật GDĐH nghiên cứu kỹ lưỡng. Nhờ có sự tham vấn rộng rãi, nội dung dự thảo 3 của Luật GDĐH cơ bản đã phản ánh được khá toàn diện các nội dung phát triển và đối mới GDĐH trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. Đặc biệt, trong dự thảo luật có những nội dung mang tính đột phá như tự chủ đại học, phân tầng, xếp hạng đại học, đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục, tài chính đại học, v.v.

Việc Quốc hội sớm thông qua Luật GDĐH  sẽ tạo một hành lang pháp lý vững chắc, ổn định, đảm bảo được sự quản lý nhà nước về giáo dục, đồng thời đảm bảo quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học phù hợp năng lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, tạo đà cho sự phát triển hệ thống giáo dục đại học nói riêng, giáo dục quốc dân nói chung, đáp ứng yêu cầu của phát triển và hội nhập của đất nước. Có thể nói rằng dự thảo Luật GDĐH lần này đã thể hiện và luật hóa được các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển GDĐH cũng như các văn bản pháp qui dưới luật đang có và phát huy hiệu quả trong lĩnh vực này.

 Bà Nguyễn Thị Anh Đào-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Đông Á-Đà Nẵng

Bà Nguyễn Thị Anh Đào
Bà Nguyễn Thị Anh Đào
Về cơ bản, tôi thấy Dự thảo Luật giáo dục đại học lần này có sự hoàn thiện hơn, một số vấn đề đã khá sáng rõ và cụ thể, hi vọng sẽ nhận được sự đồng thuận cao của xã hội.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, có những vấn đề thực sự làm tôi quan tâm. Điều 4 của Dự thảo nêu rõ: “ “Cơ sở giáo dục đại học tư thục và cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận nếu phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất huy động tiền gửi bình quân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố.”
Tôi cho rằng, phi lợi nhuận hay lợi nhuận là cả một phương thức quyết định một con đường dài. Cần tránh những “lộm cộm” có thể xảy ra, chẳng hạn, có trường công bố trong vài năm để quảng bá, sau đó thì thay đổi và chia lợi. Nên chăng cần quy định chu kỳ công bố, ít nhất là bao nhiêu năm  từ lúc công bố hoặc công bố vĩnh viễn để tránh trường hợp Nếu công bố vĩnh viễn thì các chính sách sẽ ổn định. Nhưng nếu công bố phi lợi nhuận 1 chu kỳ thì sau đó xử lý các tài sản hiến tặng, các khoản hỗ trợ từ nhà nước ... sẽ có chế tài xử lý theo quy định dưới luật. 

Để đảm bảo cho các trường ngoài công lập phát triển bền vững, điều 65 của dự thảo 3 của Luật qui định phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục được dành ít nhất 25% để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học, cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, viên chức, cán bộ quản lý giáo dục, phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc cho các mục đích từ thiện, thực hiện trách nhiệm xã hội. Phần này được miễn thuế. Phần còn lại, phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở giáo dục đại học thì phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Vậy nếu cơ sở GD có 75% còn lại không chia mà đầu tư tiếp tục vào giáo dục thì có được miễn thuế  không? Cần quy định cho miễm giảm hẳn nếu các trường dùng lợi nhuận  đầu tư phát triển vào giáo dục

Về tiêu chuẩn giảng viên đại học, cao đẳng, dự thảo Luật Giáo dục Đại học dẫn chiếu quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật giáo dục. Theo đó giảng viên cao đẳng, đại học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Việc GV có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm là chưa đủ mà phải là chứng chỉ nghề sư phạm - là chứng chỉ NGHỀ THẦY.Trong sự nghiệp GD thì GV là người rất quan trọng. Người GV thực thụ trước hết là nhà khoa học, nhưng điều quan trọng làm nên sự khác biệt giữa các nghề khác đó là một nhà sư phạm.

Ở các trường công lập ra đời lâu, nên các thế hệ thầy giáo trước giúp thế hệ sau bằng kinh nghiệm nên cũng mất rất nhiều thời gian. Các trường tư thục càng khó hơn trong vấn đề nầy. Trong thực tế có rất nhiều người học vị cao nhưng chỉ dạy “chữ” đơn thuần chứ ít chú trọng dạy “người”, không truyền lửa được cho học trò, dẫn đến đến lớp học hiệu quả thấp  ...Vì vậy phải quy định bắt buộc có chứng chỉ nghề sư phạm ít nhất 6 tháng và được cấp chứng chỉ quốc gia  (chứ không phải chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm , chứng chỉ bồi dưỡng có tính dùng để cho ai có nghề rồi cần bồi dưỡng để nâng cao hơn hay để ôn lại sau một thời gian).  

PGS.TS Lê Kim Hùng
PGS.TS Lê Kim Hùng

PGS.TS Lê Kim Hùng - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Hội đồng trường sẽ là một trong những công cụ để tăng cường sự giám sát của các lực lượng xã hội khác nhau đối với việc quản trị nhà trường.

Chúng tôi rất tin tưởng và hy vọng dự thảo Luật GD Đại học lần này - với việc bổ sung, điều chỉnh hoặc làm rõ thêm một số nội dung của những điều khoản mới mà những dự thảo trước đó đã đề cập - sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần này. Nhìn chung dự thảo luật đã bao quát hầu hết hoạt động giáo dục đại học, phù hợp với các qui định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Vấn đề Hội đồng trường đã được đề cập từ lâu (Luật giáo dục năm 2005, Điều lệ trường đại học năm 2003 và Điều lệ trường cao đẳng năm 2008), tuy nhiên vẫn chưa thực hiện rộng rãi. Nguyên nhân chính là sự chồng chéo trách nhiệm, các thành viên trong Hội đồng trường chưa được gắn liền trách nhiệm và quyền lợi, hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức, đặc biệt vai trò của các thành viên Hội đồng ở bên ngoài trường còn quá mờ nhạt. Có lẽ chính vì vậy mà ở dự thảo Luật GD ĐH lần này đã có quy định cụ thể và chi tiết hơn về thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng trường.

Nếu Chủ tịch Hội đồng trường là Hiệu trưởng, Giám đốc thì tổ chức của Hội đồng trường sẽ nhiều thuận lợi hơn trong vấn đề điều hành, trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến hoạt động dạy và học của nhà trường, mạnh dạn hơn trong việc đưa ra các quyết sách cho sự phát triển nhà trường, dễ tạo ra được sự đồng thuận lớn trong nhà trường. Với phương thức tổ chức như vậy, Hội đồng trường sẽ là một trong những công cụ để tăng cường sự giám sát của các lực lượng xã hội khác nhau đối với việc quản trị nhà trường. Củng cố tổ chức Hội đồng trường là một nội dung quan trọng để vừa thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH vừa thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục.

Một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng rất quan tâm là kiểm định chất lượng GD Đại học. Công tác kiểm định chất lượng trường đại học còn khá mới mẻ với nhiều trường ở Việt Nam. Đa số các trường gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc tham gia kiểm định lúc đầu tiên. Thực tế cho thấy công tác kiểm định là thực sự cần thiết và cần một sự đầu tư lớn về công sức, kinh phí, đặc biệt cần nâng cao nhận thức về kiểm định của cán bộ viên chức... Tiêu chí về kiểm định nhà trường hiện nay mới chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, động viên các trường tham gia. Luật cần nhấn mạnh công tác này như một sự bắt buộc và có chính sách ưu tiên về đầu tư, chỉ tiêu tuyển sinh, được mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm... cho các trường tham gia kiểm định giáo dục và được đánh giá xếp hạng tốt, công khai của hội đồng kiểm định độc lập.

TS Võ Như Tiến - Hiệu trưởng trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng): Cần thiết phải có những ràng buộc trong việc trao quyền tự chủ cho các trường

TS Võ Như Tiến
TS Võ Như Tiến

So với những dự thảo trước, thì với dự thảo Luật GD Đại học lần này, vấn đề cốt lõi nhất của GD Đại học là tự chủ ĐH đã được giải quyết một cách căn bản. Chúng tôi kỳ vọng rằng đây sẽ là một trong những điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của GD ĐH trong tương lai. Với các điều khoản cụ thể liên quan đến tự chủ ĐH đã được đề cập trong dự thảo lần này sẽ giúp các cơ sở GD Đại học có đầy đủ phương tiện để nâng cao chất lượng trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Tất nhiên, cùng với việc trao quyền tự chủ cho tất các các cơ sở GD ĐH có đủ điều kiện hoạt động chứ không giao có điều kiện như dự thảo lần trước, dự thảo lần này có những điều khoản ràng buộc để tăng tính tự chịu trách nhiệm như tăng vai trò giám sát của Hội đồng trường, công khai kết quả kiểm định chất lượng… 

Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền tự chủ của các cơ sở GD ĐH trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Bộ GD&ĐT cũng cần có sự điều tiết để đảm bảo sự hợp lý, cân đối trong cơ cấu nguồn nhân lực cho xã hội. Điều này là cần thiết bởi thực tế cho thấy rằng, có nhiều cơ sở giáo dục chủ yếu tập trung đào tạo những ngành thời thượng, thu hút nhiều người học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất như kinh tế, ngoại ngữ, tin học… dẫn đến sự mất cân đối về cơ cấu ngành nghề so với nhu cầu của xã hội. 

Từ kinh nghiệm quản lý của mình, chúng tôi ý thức rất sâu sắc rằng việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục ĐH là nhằm nâng cao tính năng động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng trường. Thế nhưng, trong điều kiện các cơ sở giáo dục của Việt Nam không đồng đều về cả trình độ quản lý, chất lượng giảng viên, cơ sở vật chất... thì việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cần thiết phải có lộ trình hợp lý. Đây cũng là động cơ thúc đẩy các trường phấn đấu trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên… để xã hội có được những “sản phẩm” thực sự có chất lượng.

PGS.TS Trần Chí Đáo- Nguyên Thứ trưởng Bộ GD& ĐT, nguyên GĐ ĐHQG TP. HCM     

PGS.TS Trần Chí Đáo
PGS.TS Trần Chí Đáo

Về cơ cấu hệ thống và phân tầng, do chúng ta đang hội nhập về kinh tế, gia nhập WTO thì khoa học, GDĐH không thể không giao lưu, hợp tác với các nước. Muốn hợp tác bình đẳng, không bị thiệt thòi thì nước ta không thể không xây dựng các ĐH tiên tiến, đẳng cấp khu vực và quốc tế. Nhưng không thể nào có tất cả các ĐH đều có đẳng cấp cao. Nhiều nước có thể nói là do “tự phát” nên họ mất hàng trăm năm mới có ĐH đẳng cấp quốc tế. Việt Nam cần chủ động để sớm có ĐH đẳng cấp quốc tế. Do đó chúng ta buộc phải phân loại, phân tầng thì mới sớm có một số ĐH “đẳng cấp” cao được. Nghị quyết Hội nghị TW Đảng lần thứ 4 khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạng tầng đồng bộ… cũng đã nêu: “Hình thành một số trường ĐH chất lượng cao, các trường ĐH xuất sắc, từng bước hình thành các ĐH có tầm cỡ quốc tế ở Hà Nội, TP. HCM và các đô thị cấp vùng”. Như vậy buộc phải có các chính sách ưu tiên về cơ chế quản lý (tự chủ cao) về đầu tư cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên… Không nên “cào bằng”, không thể “dàn hàng ngang tiến lên” được. Cần thống nhất Luật GDĐH nên phân thành 4 loại “tầng” như sau: Hai ĐHQG là TP. HCM và Hà Nội. Riêng 2 ĐH này có thể có văn bản mang tính đạo luật riêng của Chủ tịch nước; Các ĐH Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Cần Thơ, Bách khoa Hà Nội, Nông Nghiệp 1 Hà Nội, Kinh tế quốc dân Hà Nội; Các ĐH công lập thuộc các Bộ ngành Trung ương, của các tỉnh, thành còn lại; Các ĐH quyền sở hữu không phải của Nhà nước.

Quyền tự chủ các các cơ sở GDĐH trong Dự thảo Luật GDĐH là vấn đề hết sức quan trọng để các ĐH có điều kiện phát triển thành ĐH xuất sắc, tầm cỡ quốc tế như Nghị quyết TW 4 khóa XI của Đảng. Tổng kết 15 năm thành lập ĐHQG TP. HCM tôi thấy nhiều thành công, có nhiều nguyên nhân để có sự thành công đó, nhưng trong các nguyên nhân cơ bản đó có nguyên nhân ĐHQG TP. HCM bắt đầu được giao quyền tự chủ cao hơn. Trong môi trường trí thức nói chung và môi trường ĐH nói riêng quyền tự do dân chủ là yếu tố cơ bản nhất để phát triển, sáng tạo và triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình. Với cơ chế quản lý theo kiểu “xin cho” là rào cản, là chướng ngại lớn nhất cho sự phát triển,… Do đó điều 7 của Dự thảo Luật lần thứ 5 là cần thiết phải có trong luật. 

Vấn đề giao quyền tự chủ về đào tạo, tài chính, tổ chức nhân sự,… theo phân tầng như kiến nghị 4 loại nói trên thì có thể giao cho 2 ĐHQG về quyền đào tạo trong đó bao gồm từ khâu tuyển sinh, chương trình, giáo trình, kiểm tra đánh giá, kiểm định chất lượng, bằng cấp chính thức và bằng cấp danh dự từ ĐH, Thạc sĩ, Tiến sĩ, chức danh giảng viên chính, PGS, GS. Tuy nhiên khi giao khâu tuyển sinh phải có quy định liên thông với các ĐH còn lại và Bộ GD& ĐT không trực tiếp làm công tác tuyển sinh… Chính chất lượng đào tạo sẽ được “khách hàng”, xã hội điều tiết và khi chất lượng kém, SV ra trường khó hoặc không được tiếp nhận thì nhà trường sẽ không có học sinh. Lúc đó trường tự đóng cửa. Cần có kiểm định chất lượng và công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng biết kết quả kiểm định của từng trường ĐH…

Về Hội đồng trường, nhất trí là không để Hiệu trưởng (ĐH) hay Giám đốc (ĐHQG) kiêm Chủ tịch Hội đồng trường. Đặc biệt khi giao quyền tự chủ cao thì cần tách riêng hai chức danh này. Bất kỳ tổ chức nào cũng phải có kiểm tra, giám sát. Không thể chỉ một cá nhân tự quyết định tất cả. “Chủ tịch Hội đồng trường do Thủ trưởng cơ quan chủ quản cơ sở GDĐH bổ nhiệm” (như phương án Dự thảo Luật).

GS.VS Cao Văn Phường
GS.VS Cao Văn Phường

GS.VS Cao Văn Phường- Chủ tịch HĐQT- Hiệu trưởng Trường ĐH Bình Dương

Luật GD cần thể hiện chính sách mở trong GD bằng con đường xã hội hóa GD của Đảng và Hồ Chủ Tịch dựa trên quan điểm: “GD là của mọi người, vì mọi người, cho mọi người, mọi người được quyền bình đẳng hưởng thụ thành quả của nền GD và có nghĩa vụ đóng góp xây dựng phát triển GD”. 

Về phân tầng mục tiêu trong GDĐH, bất kỳ một sản phẩm nào ra đời đều phải trải qua 2 giai đoạn chủ yếu: Từ mục tiêu, yêu cầu chất lượng sản phẩm, giai đoạn đầu hình thành các giải pháp công nghệ, giai đoạn tiếp theo khai thác công nghệ để tạo ra sản phẩm. Để thực hiện giai đoạn 1 cần có cán bộ khoa học sáng tạo công nghệ hay gọi là kỹ sư, cử nhân nghiên cứu. Cán bộ khoa học thực hiện nhiệm vụ ở giai đoạn khai thác gọi là kỹ sư thực hành. Chương trình đào tạo hai loại kỹ sư này khác nhau chủ yếu ở phần khoa học cơ sở và phần chuyên ngành. Đây là căn cứ khoa học để phân tầng mục tiêu GDĐH, việc phân tầng trong Luật GDĐH làm rõ mục tiêu đào tạo, điều này giúp cho các trường quyết định tỷ trọng và phương thức đầu tư phù hợp, tránh lãng phí, kém hiệu quả.

Việt Nam đang hòa nhập vào nền kinh tế mở- kinh tế thị trường, đặc trưng cơ bản nhất của nền kinh tế mở- kinh tế thị trường, đó là: “Cạnh tranh liên kết, liên kết cạnh tranh”, để tạo ra những sản phẩm (vật chất hay tinh thần) đáp ứng nhu cầu của xã hội và xã hội chính là đối tượng lượng giá sản phẩm. Sự tồn tại của sản phẩm phụ thuộc vào sự lượng giá của xã hội… Sản phẩm của GD trong nền kinh tế mở- kinh tế thị trường cũng tuân theo quy luật này. Vì vậy hãy để cho các cơ sở GDĐH chịu trách nhiệm với xã hội và chịu trách nhiệm với bản thân mình. 

Vấn đề tiếp theo là các cơ sở GDĐH công lập và ngoài công lập đều có chung nhiệm vụ là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy cả trường công hay trường tư, ngoài công lập đều là trường của nhà nước, chỉ khác ở phương thức đầu tư và hạch toán. Vì vậy các trường ngoài công lập được đối xử bình đẳng và công bằng như các trường công lập về mặt nhận thức cũng như các chính sách về thuế, đất đai…

Quốc hội nên có tổ chức độc lập để nghiên cứu xây dựng luật để khi luật đã được Quốc hội thông qua thì không còn Nghị định, Thông tư hướng dẫn, quy chế dưới luật…

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống- Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long

Cần thiết có một Luật làm khung pháp lý để chi phối hoạt động GDĐH ảnh 7
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống

Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về GD. Thực hiện dần việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở GDĐH. Trong thời gian trước mắt, các Bộ, các địa phương còn quản lý các trường ĐH, CĐ phải phối hợp với Bộ GD&ĐT xây dựng quy chế quản lý trường ĐH, CĐ. 

Vấn đề tiếp theo là phân tầng phân loại cơ sở GDĐH trong Kim tự tháp GDĐH. Theo đó ở đỉnh kim tự tháp GD là các Viện ĐH đa lĩnh vực loại nghiên cứu và tinh hoa đào tạo đến bậc Tiến sĩ mà khuynh hướng chung là ĐH công và phi lợi nhuận. Ở vị trí trung tâm của hệ thống GDĐH là các viện ĐH đa lĩnh vực loại giảng dạy và đại chúng có nhiệm vụ tập trung vào việc đào tạo và cung cấp cho xã hội những người có trình độ bậc ĐH đến Thạc sĩ. Ở phần đáy của kim tự tháp GDĐH là các trường CĐ Cộng đồng, các trường CĐ chuyên ngành có mục tiêu đào tạo đại chúng với trình độ tương đối thấp hơn.

Hiện nay chúng ta hầu như không các viện ĐH đa lĩnh vực loại nghiên cứu, trong đó gồm các viện nghiên cứu và phần lớn SV là trên ĐH. Mặc khác, chúng ta rất thiếu các trường CĐ cộng đồng và CĐ chuyên ngành ở các tỉnh, thành để đáp ứng nhu cầu gia tăng SV đại chúng mà không làm giảm chất lượng của SV các viện ĐH tinh hoa. 

Về mô hình và cơ cấu cơ sở GDĐH, hầu hết các trường ĐH các nước khu vực Đông Nam Á và trên thế giới là loại viện ĐH đa lĩnh vực. Trong khi đó phần lớn các cơ sở GDĐH Việt Nam là loại trường chuyên ngành hẹp. Luật GDĐH sẽ thúc đẩy việc sáp nhập các trường chuyên ngành thành các viện ĐH đa lĩnh vực để khai thác tính hiệu quả kinh tế về quy mô và về đa lĩnh vực để phù hợp với việc hội nhập và hợp tác quốc tế, bằng biện pháp giao quyền tự chủ cho các viện ĐH đa lĩnh vực.

Theo nguyên tắc phân quyền trong ĐH thì HĐQT hay HĐ trường là cơ quan quyền lực cao nhất của cơ sở GDĐH còn Hiệu trưởng hay GĐ ĐH có trách nhiệm về hành pháp, cho nên không thể để Chủ tịch HĐQT hay HĐ trường kiêm nhiệm Hiệu trưởng...

TS Phạm Tiết Khánh
TS Phạm Tiết Khánh

TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh- Chủ tịch Hiệp hội CĐCĐ Việt Nam :

Việc xây dựng và ban hành luật GDĐH đáp ứng đòi hỏi khách quan từ thực tiễn đúng quan điểm chỉ đạo của nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện GD. Dự thảo đã được biên soạn khá công phu, nội dung bao quát các vấn đề trọng tâm, cốt lõi các vấn đề phát triển GDĐH Việt Nam, đề cập những vấn đề đổi mới phương pháp quản lý nhà nước về GDĐH, quyền tự chủ, quyền tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH, kiểm định chất lượng GDĐH, hợp tác quốc tế, hội nhập GDĐH,…

Dưới góc độ các trường thuộc Hiệp hội CĐCĐ, chúng tôi thấy rằng Luật nên xác định rõ loại hình CĐCĐ, thực hiện chức năng đa cấp đa ngành từ cấp học CĐ và thấp hơn, đào tạo nguồn nhân lực cho các địa phương. Việc hình thành các CĐCĐ sẽ tiết kiệm nguồn ngân sách và nguồn lực của địa phương thay vì đầu tư quá nhiều trường CĐ chuyên ngành trên địa bàn.

Đặc biệt ở các tỉnh nghèo thành lập quá nhiều trường CĐ, TCCN trên địa bàn thì gần như ngân sách địa phương không đảm bảo nỗi. Nếu thành lập CĐCĐ và mô hình đào tạo đa cấp đa ngành thực hiện chức năng dạy nghề như các nước thì đây là mô hình phù hợp, đặc biệt trong hoàn cảnh các tỉnh còn khó khăn... Thông qua Luật GDĐH, Bộ GD& ĐT nên khẳng định mô hình trường CĐCĐ, trường CĐCĐ sẽ tạo sự dung hòa giữa loại hình CĐ và CĐ nghề hiện nay. Từ việc phân tầng các cơ sở GDĐH sẽ có các quy định về quản lý ngân sách đầu tư riêng, không nên thực hiện chính sách cào bằng như hiện nay…  

Vấn đề đổi mới công tác quản lý nhà nước về GDĐH, Luật đã tạo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDĐH và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ nhà giáo, các nhà quản lý và người học góp phần nâng cao chất lượng GD. Được đề cập ở mục đích ban hành, Luật hoàn toàn phù hợp, đó là xu thế tất yếu của sự phát triển,…

Theo Luật về chương trình GDĐH, chuẩn tối thiểu về kiến thức kỹ năng người học đạt được sau khi tốt nghiệp là hợp lý và cần thiết. Việc xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy,… đây là công việc chuyên môn của các trường do các trường thực hiện. Luật cũng quy định rõ các tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện cần và phải đạt được đối với vấn đề mở ngành, về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh và hợp tác liên kết đào tạo trong và nước để các cơ sở làm căn cứ để chủ động thực hiện, song song đó giao quyền thủ trưởng cơ sở quyết định, chịu trách nhiệm trước pháp luật, báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ GD& ĐT để quản lý giám sát. Bộ GD& ĐT các cơ quan tổ chức có chức năng thực hiện giám sát kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với hành vi vi phạm…

Hoạt động liên kết đào tạo trong nước của các cở sở GDĐH Luật mở rộng tất cả loại hình đào tạo không nên giới hạn ở phạm vi GDTX hay phân biệt CĐ, CĐ nghề, TCCN, TC nghề. Từ trước giờ có 2 hệ thống khác nhau là hệ thống GD do Bộ GD& ĐT quản lý và hệ thống nghề… Trước đây trường CĐCĐ là mô rất hữu dụng, đào tạo đa cấp, đa ngành và tham gia đào tạo nghề. Từ khi có Luật dạy nghề thì trường CĐCĐ tách ra với trường dạy nghề và không được tham gia dạy nghề. Kiến nghị nên đưa CĐCĐ là mô hình đào tạo đa cấp, đa ngành và tham gia đào tạo nghề,… Trong xu thế hội nhập quốc tế, các cơ sở GD có quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm, cần chủ động trong hợp tác và phát huy lợi thế cạnh tranh, tạo động lực cho sự phát triển là tất yếu khách quan không nên giới hạn…

Ngoài ra hình thức hợp tác quốc tế cần khuyến khích các cơ sở GDĐH trong nước đầu tư mở cơ sở đào tạo ở nước ngoài tiếp nhận SV nước ngoài đến Việt Nam du học. Nên xem xét cho các trường ĐH được đầu tư ở nước ngoài, hiện nay có khả năng và tiềm năng ở các nước trong khu vực như Myanmar, Campuchia,… một số trường bắt đầu vươn ra đơn vị đó, vì thế Luật quy định sẽ là hành lang pháp lý trong đầu tư, phát triển…

Nhóm PV thời sự giáo dục (thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ