Dự thảo Luật GD Đại học đã thể chế hoá những vấn đề lớn của GD đại học hiện nay

Dự thảo Luật GD Đại học đã thể chế hoá những vấn đề lớn của GD đại học hiện nay

(GD&TĐ)- Dự thảo Luật Giáo dục Đại học lần thứ 5 đã thể chế hoá những vấn đề lớn, mang tính ổn định của giáo dục đại học hiện nay, đáp ứng được các yêu cầu về văn bản luật, cần thiết trong công tác quản lý nhà nước và thực tiễn hoạt động của các trường đại học trong cả nước.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga- Phó trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đã nhấn mạnh tại cuộc họp báo chuyên đề về  dự án Luật GDĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 26/10.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về dự thảo Luật GD ĐH. Ảnh, gdtd.vn
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về dự thảo Luật GD ĐH. Ảnh, gdtd.vn

Ban soạn thảo cho biết, dự thảo Luật GDĐH lần thứ 5 gồm 12 chương, 67 điều nhằm thể chế hoá các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng cộng sản Việt Nam; Tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý Nhà nước về GDĐH và đổi mới quản lý của cơ sở GDĐH, nâng cao chất lượng GDĐH; Đẩy mạnh phân cấp quản lý GDĐH và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với cơ sở giáo dục ĐH phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội; Đẩy mạnh xã hội hoá GDĐH, huy động nguồn lực đầu tư của xã hội đối với GDĐH.

Về nội dung cơ bản, Ban soạn thảo Luật GDĐH cũng cho biết, đây là bộ Luật chuyên ngành đầu tiên quy định về: tổ chức, hoạt động GDĐH, cụ thể hoá các quy định khung của Luật Giáo dục về GDĐH. Như: quy định về cơ sở GDĐH; chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH; Hội đồng trường; Hội đồng quản trị; Hiệu trưởng trường ĐH; Chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh; Văn bằng GDĐH; hoạt động KHCN; hoạt động hợp tác quốc tế; bảo đảm chất lượng GDĐH;

Luật GDĐH nâng các quy định tại các văn bản dưới luật (Nghị quyết của Quốc hội; Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) đã được thực tiễn kiểm nghiệm và mang tính ổn định thành nội dung của Luật GDĐH; Như: thành lập cơ sở GDĐH; vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở GDĐH; cơ cấu tổ chức cơ sở GDĐH; nhiệm vụ và quyền hạn của trường ĐH, ĐH Quốc gia; vấn đề mở ngành đào tạo trong GDĐH; tuyển sinh; quy định nhiệm vụ, quyền hạn của giảng viên ĐH; 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo giới trong buổi họp báo. ảnh, gdtd.vn
 Thứ trưởng Bùi Văn Ga trả lời báo giới trong buổi họp báo. ảnh, gdtd.vn

Một số nội dung tại Luật giáo dục được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật GDĐH;

Những vấn đề chưa được quy định hoặc quy định chưa rõ ràng trong Luật Giáo dục đã được quy định mới và cụ thể hơn trong Luật GDĐH. Như: chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH; quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDĐH; Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn của trường ĐH, ĐH Quốc gia; quy định về đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; Vấn đề lợi nhuận và không lợi nhuận; quy định về quản lý tài sản; quy định về học phí và chất lượng đào tạo; chính sách đối với giảng viên; quy định về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài; về thanh kiểm tra.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cùng lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ GD-ĐT đã trả lời các câu hỏi của báo giới xung quanh các nội dung dự thảo Luật GDĐH. 

Trả lời câu hỏi về tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các trường theo Luật GDĐH, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Bộ hoàn toàn trao quyền tự chủ cho các trường nhưng có lộ trình cụ thể chứ không trao quyền một cách ồ ạt. Việc trao quyền tự chủ cho các trường phải dựa trên kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của các trường.

Về vấn đề Hội đồng trường của các trường ĐH ở Việt Nam, thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định rằng có điểm khác với Hội đồng trường ở nước ngoài; tại Việt Nam, Hội đồng trường có sự tham gia của cấp uỷ Đảng, giám đốc, hiệu trưởng các trường. Thứ trưởng Ga cho biết, hiệu trưởng trường ĐH cũng chỉ là một thành viên của Hội đồng trường,  có trách nhiệm thực thi các quyết định của Hội đồng trường. Khi Luật GDĐH có hiệu lực, Hội đồng trường sẽ phát huy hiệu quả. Như vậy sẽ tránh được tình trạng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" như báo giới e ngại và nêu ra tại cuộc họp.

Trả lời câu hỏi về vấn đề lợi nhuận và không lợi nhuận, Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Bộ GD-ĐT Chu Hồng Thanh cho rằng: khoản tài chính chênh lệch thu chi của trong hoạt động đào tạo- NCKH của các cơ sở GDĐH tư thục được sử dụng để đầu tư cho các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đào tạo đội ngũ giảng viên... sẽ được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Phần còn lại được phân phối cho các nhà đầu tư và người lao động của cơ sở GDĐH thì phải nộp thuế theo quy định. 

Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ