(ảnh minh họa: Internet) |
I. Đối với đề thi cao đẳng môn Hóa học (khối A, B)
Theo ý kiến của Ban đề thi và các chuyên gia, vềmặt khoa học, đáp án của câu 52, mãđề 516 (và câu có nội dung này thuộc các mã đề khác) của đề thi tuyển sinh cao đẳng môn Hóa học vẫn còn những điểm chưa thống nhất (có giải trình của Ban đề thi kèm theo). Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định bỏ câu này trong đề thi và số điểm của câu này (0,2 điểm) được chia đều cho các câu còn lại.
II. Đối với đề thi đại học môn tiếng Anh (khối D1)
1. Về ý kiến cho rằng có hiện tượng “đạo văn” trong đề thi
Ban đề thi và các chuyên gia cho rằng:
- Trong đề thi, việc sử dụng một đoạn trích, một phát biểu nào đó để làm bài đọc hiểu, soạn ra các câu hỏi để đánh giá mức độ thí sinh hiểu nội dung của bài đọc là việc làm bình thường, không thể coi đây là “đạo văn”.
- Đề thi không phải một công trình khoa học, một luận văn, hay một bài báo viết, bắt buộc phải dẫn nguồn, nên việc không dẫn nguồn không thể coi là “đạo văn”.
Sau khi đã kiểm tra, so sánh 2 bài đọc hiểu của đề thi tuyển sinh đại học năm 2010 với các bài đọc hiểu mà bài báo dẫn ra từ các nguồn trên Internet, các chuyên gia thấy rằng:
a) So với các bài trên mạng, các đoạn văn trong hai bài đọc hiểu này đã được tu chỉnh, thay đổi một số ngôn từ thành đoạn văn trong sáng và dễ hiểu hơn, phù hợp với các chủ điểm có trong chương trình trung học phổ thông;
b) Các câu hỏi trong bài đọc của đề thi không trùng với các câu hỏi được dẫn ra trong các bài đọc lấy từ Internet mà bài báo dẫn ra.
Với những phân tích đánh giá ở trên, có thể khẳng định được không có chuyện “đạo văn” như bài báo đã nêu.
2. Về ý kiến cho rằng có sai sót trong cách dùng từ, hành văn ở các bài đọc
Theo các chuyên gia, cách chọn từ trong câu là tùy thuộc sở thích văn phong của từng người. Các câu, từ trong đề thi đều lấy chuẩn mực là từ điển, sách giáo khoa, sách ngữ pháp đang lưu hành và không có gì sai phạm về văn phạm, về ngữ pháp (có giải trình của Ban đề thi kèm theo).
Công văn số 4400 cũng nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo chân thành cảm ơn sự quan tâm của các cơ quan báo chí, của các nhà giáo, các nhà khoa học và sẽ chỉ đạo Ban đề thi nghiêm túc tiếp thu, rút kinh nghiệm để công tác biên soạn đề thi tuyển sinh đại học, cao đẳng những năm sau được tốt hơn.
Ý kiến của người ra đề: Dư luận cho rằng khi ra đề thi tiếng Anh trong kỳ thi ĐH-CĐ 2010 (khối D1) có hành động "đạo văn" và có nhiều sai sót trong văn phong... Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến trả lời của nhóm ra đề môn thi tiếng Anh trong kỳ thi này - Lời tòa soạn. Ý kiến 1: Nếu cần một bằng chứng về sự ảnh hưởng của Trung Quốc đến học đường Việt Nam trong thời kì hiện nay, thì đề thi tiếng Anh năm nay là một chứng từ khá rõ rệt. Trả lời: Đoạn trích này không hề mang tính chất chính trị thô thiển hoặc khen-chê gì ai. Các câu hỏi lại càng không có chút nào ám chỉ điều đó. Sự suy diễn là do người đọc. Mà suy diễn thì có mấy ai giống ai. Tựa như khi xem bức tranh khỏa thân, kẻ có tâm không sáng bảo đó là dung tục, còn người bình thường bảo đó là cái đẹp. Ý kiến cho rằng nhắc đến mấy nhân vật Trung Hoa là “ngầm chỉ trích truyện tranh Âu Mĩ tuyên truyền chính trị bằng biếm họa, còn truyện tranh Trung Quốc thì mang tính giáo dục” là suy nghĩ thiên lệch. Xin thưa rằng, bài đọc và câu hỏi không hỏi gì đến ba nhân vật Trung Hoa đó. Những nhân vật này có thể thay thế bằng ông X, ông Y, …cũng không làm ảnh hưởng đến bài làm của thí sinh. Bài đọc và câu hỏi không khen hay chê truyện tranh của phương Tây hay phương Đông, mà chỉ đưa ra so sánh. Câu hỏi, với nhiều yêu cầu khác nhau, chỉ được biên soạn xem thí sinh có hiểu bài sau khi đọc hay không. Giả sử bài đọc có ca ngợi những người như Khổng Tử, Mạnh Tử,… thì cũng chẳng có gì là sai. Họ là những danh nhân được nhiều người trên thế giới kính trọng. (Chắc bạn đọc cũng biết ở một lâu đài cổ tại Salzburg, quê hương của Mozart, người ta treo một bức họa Khổng Tử ở một nơi trang trọng, kèm lời dạy con người cần khiêm tốn.) Từ điển Encarta 2008 (của Microsoft) dành một phần cho Confucius, Du Fu, hay Daoism,... như những nhà hiền triết và triết thuyết. Chẳng lẽ Microsoft của Mỹ cũng chịu nhiều ảnh hưởng của TQ sao? Thái độ phủ định sạch trơn không phải là thái độ và cách suy nghĩ của trí thức chân chính. Lối tư duy “Ghét nhau, ghét cả tông ti họ hàng” là đặc điểm của tư duy vơ đũa cả nắm mang màu sắc tiểu nông hẹp hòi. Ta hãy xem bản chất của hành vi chứ đừng chỉ xem người thực hiện hành vi – việc sai thì ai làm cũng là sai, việc đúng đắn thì ai làm cũng là việc đúng đắn. Hơn thế nữa, nhóm biên soạn đề thi đã chọn một đoạn trích phản ánh chủ điểm Cultural Diversity có trong chương trình học của học sinh. Việc này làm cho thí sinh thêm gần gũi và đồng thời cổ vũ cho tính đa dạng văn hóa mà nhân loại đang khuyến khích. Nhờ có sự tôn trọng tính đa dạng văn hóa ở những quốc gia như Mỹ, Úc hay các nước khác có Việt kiều định cư mà văn hóa Việt mới có chỗ đứng. Ý kiến 2: Tại sao Bộ Giáo dục đạo văn? Trả lời: Nói rằng đề tiếng Anh “sao chép từ đề thi ở một trang web trên mạng” là không đúng. Ngân hàng câu hỏi của Bộ GD thu nhận câu hỏi từ giáo viên ở khắp nơi, rất có khả năng họ có thể cùng trích dẫn các tài liệu giống nhau và đóng góp cho ngân hàng. Do vậy, sự trùng nhau rất có thể xảy ra. Tuy nhiên, hầu như toàn bộ câu hỏi cho bài đọc hiểu đều được biên tập và soạn mới để tránh khả năng bài đọc đã xuất hiện đâu đó trên thị trường, đặng đảm bảo cơ hội công bằng cho mọi thí sinh. Trong trường hợp cụ thể của bài đọc trong đề thi môn tiếng Anh 2010: Đoạn trích cho một bài thi khác với đoạn trích sử dụng cho một bài văn, luận văn, hay bài báo. Nó có thể cần được điều chỉnh vì những mục đích như được nói sau đây. Hơn thế nữa, có chi tiết được chỉnh lại để dễ hiểu cho thí sinh. Trong khuôn khổ được giao một nguồn bài đọc hết sức hạn hẹp từ Ngân hàng, nhóm đề thi làm như thế là rất cố gắng. Ý kiến 3: Nếu đọc kĩ, có thể nói hầu như đoạn văn nào cũng có vấn đề. Những vấn đề về nội dung, cú pháp, thậm chí văn phạm có thể tìm thấy trong bất cứ đoạn văn nào. Không biết các bạn thì sao, chứ đứng trên quan điểm viết văn khoa học, tôi có thể nói rằng cấu trúc của toàn bộ bài văn (câu hỏi) không tốt, nội dung có phần sai lệch, và quan trọng hơn hết là tiếng Anh không chuẩn, thậm chí sai chính tả. Chúng ta thử đọc qua vài đoạn để thấy nhận xét trên của tôi có cơ sở. Trả lời: Bạn đọc nói: “cấu trúc của toàn bộ bài văn (câu hỏi) không tốt”. Thứ nhất, đây không phải là một bài văn, nó chỉ là một đoạn trích. Thứ hai, bài văn là bài văn, còn câu hỏi là câu hỏi. Không thể có bài văn nào được gọi là câu hỏi dù là tiếng Việt hay Tiếng Anh. Thứ ba, chúng tôi không thấy bạn đọc chứng minh được một câu hỏi nào là không tốt. Và, câu hỏi không tốt theo tiêu chí nào: viết câu hỏi tiếng Anh sai? kỹ thuật viết MCQ? nguyên tắc kiểm tra kỹ năng đọc?hay kỹ thuật kiểm tra từ vựng? … Nếu “nội dung sai lệch”, thì nó sai lệch theo hệ quy chiếu thuộc lĩnh vực nào: lịch sử? hội họa? chính trị? hay quan điểm?... Ý kiến 4: Về nội dung, có thể đặt vấn đề ngay từ câu đầu (“In the West, cartoons are used chiefly to make people laugh”). Tôi không nghĩ tranh truyện của phương Tây chủ yếu làm cho người ta cười đâu. Nói đến chủ yếu (chiefly = almost entirely), tức là một cách định lượng trên 95% truyện tranh phương Tây chỉ pha trò thì chắc không đúng, bởi vì rất rất nhiều truyện tranh có nội dung nghiêm chỉnh (cũng có khi bạo động), nhất là truyện tranh dành cho trẻ em. Nhưng điều quan trọng là sau câu văn mở đầu nói là truyện tranh phương Tây chỉ làm cho người ta cười, thì câu văn trong đoạn văn thứ hai lại viết truyện tranh phương Tây là có nội dung... tuyên truyền! Ở phương Tây, người dân rất ghét “propaganda” (tuyên truyền). Họ dùng truyện tranh và biếm họa để châm biếm, chứ không phải tuyên truyền. Có lần kí giả Úc còn dám vẽ biếm họa với thủ tướng Úc như con chó xù của Tổng thống George W. Bush! Trả lời: Trước hết, đây không phải là một bài tham luận về nội dung hay phương pháp luận về truyện tranh, biếm họa hay phim hoạt hình (cartoon còn có nghĩa là phim hoạt hình, chắc bạn đọc có biết nghĩa này?) Chúng tôi chỉ đưa ra một đoạn văn được Ngân hàng giao và đặt câu hỏi để xem học sinh có hiểu được nội dung của đoạn văn này hay những từ đã được sử dụng trong bài văn này hay không? Vậy vấn đề cần bàn ở đây là: • Từ ngữ của đoạn văn có phù hợp với vốn từ của 1 học sinh đã học Tiếng Anh 7 năm hay không? Một bài toán có trong đề thi không bắt buộc phải là một bài toán có trong thực tế. Các bạn nghĩ rằng cười là không nghiêm túc sao? Xin thưa: rất nghiêm túc! Tiếng cười có thể mang trong nó sự nghiêm túc đầy đặn, sự phê phán nghiêm túc, … mục đích là đề cao cho tính Chân, Thiện, Mỹ trong đời sống con người. Chắc bạn đọc cũng đồng ý rằng cười không có nghĩa chỉ là “cười sằng sặc” đâu. Có khi cười là để khóc, cười để học, …. Chúng tôi không phải là những nhà phê bình nghệ thuật, nên chỉ nói đôi lời dông dài vậy thôi. Ngoài ra, bạn đọc cho rằng “chiefly” là tương đương 95%, tôi thì bảo là tương đương 80% thì có sao không? Về đánh giá hay phát biểu cảm tính, chẳng người bình thường nào định lượng bằng phần trăm như thế. Chuyện “ở phương Tây người dân ghét tuyên truyền” thì ai cũng biết. Nhưng ghét thì ghét, họ vẫn cần tuyên truyền, và họ vẫn sẽ tuyên truyền. Mọi quốc gia đều có “tuyên truyền”, bạn đọc hãy đọc thêm báo Anh, Mỹ, Úc, Nga, … nói về chuyện “tuyên truyền” của chính phủ họ thế nào (Nhờ có Internet, ngồi tại Việt Nam vẫn có thể đọc được The Age hay The Australian, IHT hay NYT). Khác nhau là ở chỗ “tuyên truyền” như thế nào và phục vụ quyền lợi của ai. Chuyện này không phải là điều chúng ta bàn ở đây, kẻo những thảo luận giữa chúng ta lại bao quát nhiều lĩnh vực từ chính trị đến triết học hay mỹ học, …. Khi đã phê phán điều gì, ta không nên cắt đầu cắt đuôi. Câu “In wartime, for example, they proved to be an excellent way of spreading propaganda.” không chê gì ai bởi vì việc không đừng được đó xảy ra “In wartime”. Tác giả không nói rằng người phương Tây LÚC NÀO cũng tuyên truyền, mà ví dụ “trong thời chiến”. Ta đừng quên rằng ý nghĩa và sắc thái biểu cảm của từ ngữ còn do văn cảnh quyết định. Trong câu trên, “In wartime” không được phép bỏ qua. Chắc bạn đọc không quên rằng trong Chiến tranh chống Phát-xít Đức, quân Đồng minh cũng sử dụng công cụ này để tiết kiệm xương máu. (Đôi khi, “The end justifies the means.” ) (Còn tiếp kỳ sau) |