Xưng hô mẫu mực trên bục giảng

GD&TĐ - Ngày xưa đi học, trước khi đến lớp chúng tôi thường được ba mẹ dạy rằng khi nói năng phải thưa gửi với thầy cô một cách kính trọng lễ phép; xưng với thầy cô là xưng con. Thầy cô lên lớp dạy chúng tôi vẫn gọi học trò là “các em”. Từng lời nói của thầy cô khắc ghi sâu sắc, học sinh răm rắp tuân thủ, học trò luôn kính trọng thầy cô. 

Xưng hô mẫu mực trên bục giảng

Mỗi khi gặp thầy cô, học sinh bỏ mũ nón, vòng tay chào hỏi; đến khi học cấp III gặp thầy cô vẫn lễ phép như vậy! Ngày nay mối quan hệ thầy – trò cũng thay đổi khác nhiều, dù tinh thần tôn sư trọng đạo vẫn được gìn giữ.

Giáo dục là một quá trình xây dựng uốn nắn và hình thành nhân cách con người từ khi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Ngày xưa thầy cô hay trách phạt bằng đòn roi khi học sinh làm sai, hay ngỗ nghịch...

Trong dạy học, thầy cô hay dùng biện pháp mạnh, điều này cả cha mẹ cũng đồng tình. Xã hội ngày nay phát triển, quyền và việc chăm sóc bảo vệ trẻ em là tối thượng.

Ở trường các em sai thì có nhiều biện pháp giáo dục, tuyệt đối không xúc phạm nhân phẩm bằng lời nói thiếu tôn trọng trẻ, đặc biệt những lời lẽ phản cảm; hay xâm phạm thân thể của các em như dùng đòn roi, quỳ gối, thụt đầu, vặn tai, gõ đầu trẻ...

Điều này phản ánh xã hội chúng ta phát triển, giáo dục học sinh phát triển toàn diện thông qua nhiều biện pháp giáo dục khoa học, hiện đại chứ không phải giáo dục bằng quyền năng hay sự trừng phạt khắt khe có tính bạo hành.

Thời gian qua, một số nơi việc thầy cô giáo xúc phạm nhân phẩm học sinh, người học như có lời nói thiếu kiềm chế, thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng học sinh rồi trách phạt nặng nề... ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý phát triển của học sinh, người học.

Mỗi thầy cô trong quá trình giáo dục học sinh phải luôn tự rèn luyện và luôn vận dụng các biện pháp sư phạm một cách khoa học thì giáo dục mới thành công. Học sinh nói sai thì uốn nắn sửa chữa, các em cá tính hay mắc lỗi thì phải có phương pháp giáo dục phù hợp, đặc biệt là ngôn từ lời nói phải có văn hóa, chuẩn mực.

Bên cạnh đó, thầy cô phải làm thế nào để các em biết tôn trọng lời dạy bảo của mình, thấy cái chuẩn mực mà học và vận dụng làm theo. Thái độ, tình yêu thương của thầy cô với các em là rất quan trọng để các em thường xuyên giãi bày, gắn bó trao đổi học tập.

Mỗi thầy cô giáo phải hiểu rằng nhiệm vụ dạy học – giáo dục là thiêng liêng, trách nhiệm và khoa học. Mỗi thầy cô giáo cần định hướng và thường xuyên gìn giữ cho mình một quá trình hoạt động giáo dục khoa học, văn minh và đậm chất văn hóa.

Theo tôi, thầy cô giáo phải luôn mẫu mực về lời nói, cách xưng hô khi dạy dỗ học sinh. Chính sự mẫu mực là thước đo chuẩn mực trong quá trình giáo dục. Mỗi thầy cô cần phải nghiêm túc trong ngành nghề; mẫu mực trong quá trình giáo dục; tận tâm với công việc; thân thiện yêu thương giáo dục học sinh bằng cả trái tim.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ