Cuộc xung đột ở Ukraine đã phá hủy nguyên tắc sắt đá nhất của Đức. Nhà báo người Đức Jan-Philipp Hein đưa ra nhận xét nói trên trong một bài phân tích đăng tải trên ấn phẩm The Guardian.
Mới đây Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đồng ý tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2. Tuy nhiên nhà báo Hein thừa nhận rằng nhà lãnh đạo đất nước mình đã không tự ý làm điều đó.
“Đây chỉ là kết quả của áp lực cực độ đã gia tăng mạnh mẽ trong những ngày gần đây", tác giả nhấn mạnh.
Theo ông Hein, cuộc xung đột Ukraine đã buộc Đức phải thực hiện một hành động trái với đường lối họ thực hiện suốt nhiều năm qua. Điều này chủ yếu liên quan đến việc từ bỏ chủ nghĩa hòa bình và hứa không cung cấp vũ khí cho các khu vực đang diễn ra xung đột.
“Cuộc chiến đã phá hủy nhiều nền tảng, bao gồm cả nguyên tắc sắt đá của lịch sử nước Đức thời hậu chiến, vốn cho rằng không một cuộc xung đột nào có thể được giải quyết bằng quân sự".
"Cương lĩnh nổi tiếng của nước Đức 'Wandel durch Handel' - thay đổi thông qua thương mại bắt nguồn trực tiếp từ tư duy này, vốn đã thấm nhuần tới hầu hết mọi bộ phận dân cư trong xã hội nước này", bài viết trên tờ The Guardian nói rõ.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối diện tình thế rất khó xử vì cuộc xung đột Nga - Ukraine. |
Tuy nhiên, Berlin vẫn đang cố gắng giữ cân bằng trước những luận điệu chống Nga mãnh liệt do Hoa Kỳ và một số quốc gia "cấp tiến" ở Đông Âu thúc đẩy, nhà báo Hein cho biết.
Việc Đức miễn cưỡng gửi xe tăng là một ví dụ điển hình cho thấy xã hội và chính quyền Đức vẫn muốn duy trì mối quan hệ với Nga. Đương nhiên, các nước NATO khác muốn điều ngược lại với Berlin.
"Thay vào đó, việc tiếp tục 'núp sau' Washington và dựa vào tuyên bố xuyên suốt rằng Đức 'không thể làm một mình', Thủ tướng Scholz chấp nhận việc gây ra thiệt hại đáng kể cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vô cùng quan trọng, chưa kể còn làm xói mòn thêm niềm tin của Đông Âu vào Berlin".
Chuyên gia phân tích Hein chắc chắn rằng những toan tính chính trị của ông Scholz phản ánh "quan điểm không rõ ràng" của nhiều người Đức có tư tưởng chống Mỹ và hy vọng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga.
Nhà báo Hein viết: “Truyền thống lâu đời trong quan hệ giữa Mỹ và Đức đã góp phần vào động thái trên một cách nhiều như nó đã và đang gây ảnh hưởng, đó là quan điểm gần như lãng mạn của nước này đối với Nga".
Do đó, sự thận trọng của Thủ tướng Olaf Scholz giống như một nỗ lực tuyệt vọng nhằm trì hoãn, nếu không muốn nói là ngăn chặn hoàn toàn việc đoạn tuyệt khỏi Nga, nhà phân tích cho biết.