Cảm động chuyện nghề của các nhà giáo vùng khó
Tới dự có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; ông Vũ Minh Đức - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam cùng lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ GDĐT. Và đặc biệt là sự có mặt của 100 nhà giáo tiêu biểu đến từ mọi miền đất nước.
Chương trình “Thay lời tri ân” nhằm mục đích tôn vinh nghề dạy học, tri ân các thế hệ nhà giáo đã và đang lặng lẽ cống hiến cho đất nước, đảm nhận sự nghiệp “trồng người” cao cả.
Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu tọa đàm với các thầy, cô giáo. Câu chuyện của họ đã khiến cả trường quay xúc động. Đó câu chuyện của thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Tuấn - Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Đắk Roong (Kbang, Gia Lai).
Công tác ở một ngôi trường học sinh “ba không”: Không biết tiếng Việt, không giấy khai sinh, không hộ khẩu nên thầy và các đồng nghiệp phải lo hết cho học trò của mình. Có hôm, các thầy, cô phải đi vận động học sinh, đưa đón các em đến trường từ sáng cho đến 10 giờ đêm.
Hay như cô Lỳ Hà Xó thuộc Sở GD&ĐT Lai Châu. Cô đã nhiều năm dạy ở bản Nậm Nghẹ, Pa Cheo, Pa Mu… Đây đều là các điểm trường cách xa trung tâm xã Hua Bum (Nậm Nhùn, Lai Châu) hàng chục Km đường rừng.
Cả khán phòng vỗ tay xúc động về những câu chuyện đẹp giữa đời thường của các thầy, cô giáo |
Câu chuyện về tình thầy, trò của giữa thầy Đặng Văn Cương – Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà, Quảng Ngãi) với em Đinh Văn K’Rể khiến nhiều người có mặt trong hội trường rưng rưng nước mắt.
Đinh Văn K’Rể mắc chứng bệnh hiếm gặp – Seckel (người lùn, đầu chim). Mặc dù em đã 9 tuổi nhưng chỉ cao 58cm, nặng 3,9kg. Chuyện đến trường của em như một điều không tưởng nhưng đã trở thành hiện thực nhờ nỗ lực của thầy Đặng Văn Cương – thầy đã nhận đỡ đầu em Đinh Văn K’Rể.
“Ông bố của những đứa trẻ H’Rê” là cụm từ mà người dân thôn Giò Gia đặt cho thầy Đặng Văn Cương. Đó là tình cảm, sự ghi nhận, tin tưởng và biết ơn của người dân nơi đây với những gì mà thầy Cương đã làm cho con em họ.
Điểm nhấn của chương trình là phần giao lưu, tọa đàm với các thầy, cô giáo. Ảnh: MC giao lưu cô giáo Lỳ Hà Xó. |
Trân quý những nỗ lực vượt khó của các thầy, cô
Gửi lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo, tại Chương trình “Thay lời tri ân”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự trân trọng, ghi nhận và biết ơn những nỗ lực vượt khó của các thầy cô giáo đang công tác tại những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đối với sự nghiệp phát triển nền giáo dục nước nhà.
“Các cô giáo, thầy giáo là những người đã và đang thầm lặng đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” đầy cao cả nhưng cũng không ít gian nan” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bộc bạch, đồng thời nhấn mạnh: Đóng góp vào thành tích chung của ngành là sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ quản lý và nhân viên trong toàn ngành.
Chương trình được đan xen bởi nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc |
“Tôi cảm phục tấm lòng của các cô giáo, thầy giáo miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không quản ngại khó khăn, hy sinh cho sự nghiệp “trồng người”. Tôi cũng ghi nhận những tấm gương nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã không ngừng học hỏi, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới trong giảng dạy và quản lý.
Đây chính là những nhân tố quan trọng thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 29, đưa giáo dục Việt Nam tiếp cận gần hơn với những nền giáo dục tiên tiến trên thế giới” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tặng Bằng khen cho 168 thầy, cô giáo tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp trồng người.
"Năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó trọng tâm là chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới và đẩy mạnh tự chủ đại học.
Đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng cũng là cơ hội để giáo dục Việt Nam thực hiện được mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện. Tôi mong rằng mỗi cô giáo, thầy giáo, mỗi cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành sẽ thấm nhuần nhiệm vụ đổi mới, nhân lên tinh thần đổi mới, bởi chính các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ quản lý, nhân viên trong toàn ngành là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục nước nhà" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.