Cô giáo mầm non sáng tạo “Chương trình khoa học nhí”

GD&TĐ - Liên tục một tháng làm việc hết công suất, chỉ ngủ 1-2 tiếng mỗi ngày, xung quanh là 3 máy tính cũng làm việc không nghỉ, cô giáo Nguyễn Thị Uyên - Giáo viên Trường mầm non Thị trấn Sóc Sơn (Hà Nội) - đã hoàn thành sản phẩm tâm huyết “Chương trình khoa học nhí” – một thế giới đặc biệt sống động dành cho trẻ mầm non vui học.  

Cô giáo Nguyễn Thị Uyên trong giờ dạy
Cô giáo Nguyễn Thị Uyên trong giờ dạy

Sản phẩm tuyệt vời từ tình yêu trẻ

Đặc biệt hứng thú với việc ứng dụng CNTT, chỉ sau 2 năm làm công tác dạy học, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Uyên đã nghiên cứu và thiết lập phần mềm trò chơi học tập đầu tiên mang tên: “Thiết lập một số trò chơi trên máy tính lồng ghép kiến thức biển hải đảo, quê hương cho trẻ mẫu giáo 5 -6 tuổi”. Sản phẩm này đạt giải B cấp thành phố.

Chưa thỏa mãn với sản phẩm đầu tay, cô giáo mầm non vẫn nung nấu ý tưởng thiết kế nhiều hơn nữa các trò chơi học tập trên máy tính cho trẻ. Và ý tưởng “Chương trình khoa học nhí” đã hình thành từ những trăn trở ấy.

“Hằng ngày lên lớp, rất nhiều phụ huynh hỏi tôi: Hôm nay các con học gì? Tôi muốn dạy con ở nhà nhưng không biết phải dạy con những gì? Các con ở nhà rất hiếu động, làm sao để các con rèn sự tập trung và tính kiên trì?…

Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ với tôi, vì không có nhiều thời gian dành cho con, nên buổi tối để có thể làm việc, họ chỉ có thể cho con xem các bộ phim hoạt hình và lo lắng khi con xem quá nhiều mà mình lại không kiểm soát được nội dung phim.

Từ sự hứng thú, yêu thích của trẻ, cũng như những nhu cầu của giáo viên và phụ huynh, tôi đã lên ý tưởng thiết kế trò chơi khám phá khoa học cho trẻ, tạo nguồn học liệu điện tử cho giáo viên mầm non, cũng như giúp phụ huynh có thể hướng dẫn con học qua chơi ở tại nhà, thay vì việc cho con xem quá nhiều các bộ phim hoạt hình” – cô Uyên nói về ý tưởng “Chương trình khoa học nhí”…

Bộ sách hướng dẫn và đĩa trò chơi
Bộ sách hướng dẫn và đĩa trò chơi

Lên ý tưởng thì dễ, nhưng đầu tiên khi bắt tay vào việc mới thấy vướng, không biết bắt đầu từ đâu, cô giáo trẻ đã tham khảo rất nhiều các phần mềm trò chơi học tập trên mạng cũng như các tài liệu liên quan đến hoạt động khám phá; mất khoảng 2 ngày để tư duy định hình các trò chơi cần làm, bố cục, cách chơi, các bước cần tiến hành.

Cô kể lại: Khâu đầu tiên khi thiết kế các trò chơi đó là tìm và xử lý các hình ảnh. Đây là khâu khó nhất và lâu nhất, vì 100% các hình ảnh khi tìm đều phải thực hiện chỉnh sửa sao cho thật đẹp, thật ngộ nghĩnh, thu hút trẻ. Làm nền background cho các slide thực sự là thử thách, vì phải cắt ghép, vẽ thêm để có một nền background hoàn chỉnh phù hợp với trò chơi.

Tiếp đến là phần tìm bài hát, ghi âm các âm thanh cần thiết. Tôi đã mất khoảng 2 ngày để ghi đủ các âm thanh của người lớn và trẻ con cần cho trò chơi.

Sau đó là cắt ghép, chỉnh sửa âm thanh, lồng nhạc vào âm thanh giúp cho trò chơi thêm sinh động; thiết lập các hiệu ứng để trẻ chơi.

Bước này cũng tương đối phức tạp vì phải tư duy logic rất nhiều để liên kết các hiệu ứng với nhau, đồng thời giúp các bé có thể sử dụng, thao tác dễ dàng.

Buổi chia sẻ “Trò chơi trên máy tính của cô Uyên với các bạn đồng nghiệp”
Buổi chia sẻ “Trò chơi trên máy tính của cô Uyên với các bạn đồng nghiệp”

Để giảm dung lượng của chương trình “Khoa học nhí”, cô Uyên đã thiết kế mỗi trò chơi chỉ trên một slide duy nhất, trẻ có thể chơi đi chơi lại nhiều lần; đồng thời, mỗi trò chơi đòi hỏi trẻ phải vượt qua mới đến phần chơi tiếp theo hoặc mới được nhận quà.

Sử dụng trên 10 phần mềm chuyên biệt, cô Uyên đã thiết kế và hoàn thành “Chương trình khoa học nhí” chỉ trong vòng 1 tháng với cường độ làm việc tối đa, khoảng hơn 20 tiếng mỗi ngày.

Khi tham gia vào chương trình này, trẻ sẽ bước vào một thế giới nhiều màu sắc, thú vị và đòi hỏi sự tư duy, tính kiên trì cao, là cả một thế giới với khoảng hơn 500 hình ảnh ngộ nghĩnh, gần 1000 âm thanh, video sống động từ âm nhạc, tiếng nói của cô giáo, tiếng nói của các bạn trẻ thơ... Các hiệu ứng được thiết kế bảo đảm thao tác dễ dàng, có tính tương tác cao giữa giáo viên (phụ huynh) với trẻ, và đặc biệt thu hút trẻ tham gia chơi.

Cô giáo Nguyễn Thị Uyên luôn có cách hấp dẫn trẻ trong giờ học
Cô giáo Nguyễn Thị Uyên luôn có cách hấp dẫn trẻ trong giờ học

Hãy là một người giáo viên sáng tạo!

Với sản phẩm “Chương trình khoa học nhí”, cô Nguyễn Thị Uyên cho biết, mong muốn có thể phổ biến tới đồng nghiệp, phụ huynh nguồn tài nguyên phong phú, bổ ích, giúp trẻ học mà chơi, chơi mà học dù là ở trên lớp hay là ở nhà.

Phụ huynh hướng dẫn trẻ từng bước, vừa làm quen với các tính năng của máy tính, vừa giải thích hình dáng, ngữ nghĩa, hình ảnh trên laptop. Chỉ cho các con chơi, hay học tập trên máy tính tối đa 1 giờ mỗi ngày.

Cô Uyên cũng cho biết, chương trình chỉ thực sự hiệu quả khi các giáo viên, từ các trò chơi trong chương trình, sáng tạo ra những phương pháp giáo dục mới hấp dẫn, thu hút, kích thích tư duy, sáng tạo của trẻ. Các trò chơi có thể cho trẻ chơi trong các hoạt động khám phá, hoạt động góc, hoạt động ngoài trời, hoạt động chiều…

Ví dụ, trò chơi “phân nhóm phương tiện giao thông”, giáo viên có thể cho trẻ chơi các trò chơi tập thể: Nghe tiếng đoán tên xe, hay bắt chước chuyển động của xe; trò chơi ngoài trời “Về đúng tuyên đường giao thông”, trẻ đóng làm các phương tiện giao thông, cô phân vị trí các tuyến đường trên mặt đất, khi nghe âm thanh của xe nào, xe đó sẽ di chuyển về đúng tuyến đường…

Cô Nguyễn Thị Uyên cùng học trò trong giờ học
Cô Nguyễn Thị Uyên cùng học trò trong giờ học

“Tôi tin rằng, người giáo viên càng sáng tạo, càng linh hoạt khi sử dụng các trò chơi học tập trên máy tính cũng như các đồ dùng thực tế, sẵn có xung quanh mới là những người giáo viên giỏi.

Vì họ biết cách tận dụng tối đa những học liệu sẵn có để giảm tải khối lượng đồ dùng cần làm và chú trọng nâng cao phương pháp, kỹ năng giảng dạy hơn việc hình thức hóa các hoạt động giáo dục nhằm giúp trẻ có môi trường học tập, vui chơi một cách thoải mái, tích cực nhất.

Vất vả cả về đầu óc và chân tay hay chỉ vất vả về đầu óc, bạn chọn cái nào? Hãy là một người giáo viên sáng tạo chứ đừng làm một người giáo viên chăm chỉ mà không sáng tạo” – cô Uyên chia sẻ.

Một số thành tích của cô Nguyễn Thị Uyên: Bằng khen của UBND thành phố, giải nhì giáo viên giỏi cấp thành phố; giải ba “Hội thi đồ dùng đồ chơi tự làm cấp Thành phố”; sáng kiến kinh nghiệm loại B, C cấp ngành; là một trong các tấm gương điển hình tiên tiến trong công nhân viên chức giai đoạn 5 năm (2010- 2015) của huyện; danh hiệu gương mặt trẻ tiêu biểu, gương người tốt việc tốt huyện Sóc Sơn; 5 năm học gần đây luôn đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ