Cần có thêm đôi chân dám đi không mỏi

GD&TĐ - Khi nghĩ về một người Thầy, một nhà khoa học, một nhà quản lý giáo dục, chắc nhiều người sẽ nghĩ đến những phẩm chất những năng lực khác với điều mà tôi học được từ PGS. TS Trần Kiều, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lí – Giáo dục Việt Nam đó là: sự tận tụy, miệt mài để đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều để suy nghĩ thấu đáo.

PGS. TS Trần Kiều trong một buổi trả lời phỏng vấn
PGS. TS Trần Kiều trong một buổi trả lời phỏng vấn

Tôi thực sự được biết PGS. TS Trần Kiều từ năm 2007, khi tôi trở thành Nghiên cứu sinh.

Trước đó tôi chỉ biết ông qua những bài báo khoa học với những nhận định sắc sảo về thực tiễn giáo dục toán học Việt Nam hay những cuốn sách chuyên khảo về giáo dục.

Riêng trong lĩnh vực giáo dục toán học, tôi được nghe kể rằng: “…, để có thống kê, xác suất trong chương trình phổ thông hiện nay trước hết là xuất phát từ ý tưởng của ông Trần Kiều” (từ năm 1980 ông đã mạnh dạn đưa những ý tưởng tiềm ẩn vào nhà trường nhưng phải mãi đến những năm 2000, những nội dung xác suất thống kê mới chính thức có trong chương trình môn Toán phổ thông, một hành trình khá gian nan).

Từ lần gặp đầu tiên cho đến tận bây giờ, mỗi lần đối diện trực tiếp tôi luôn bị hấp dẫn bởi sự rắn rỏi của ông. Sự rắn rỏi không phải bắt đầu từ thần thái, mà từ lời nói.

Thầy Kiều rất kiệm lời. Ông không thích nói “thừa” ý cần bày tỏ. Ông cũng không thích bàn luận bên ngoài những thông tin. Nhưng ông không thích ai đó nói thông tin mà chưa đủ hoặc không chân thực.

Cái thú vị nhất là dù phát biểu ở hoàn cảnh nào, ông cũng đưa được những thông tin với dẫn chứng rất xác thực khiến người nghe phải động não nhiều hơn.

Ông thường hỏi lại người vừa nói rằng: thông tin ấy đã được kiểm chứng chưa? Đã chứng kiến tận mắt hay là đồn thổi; đừng nói chơi, dẫn đến sai và mất thời giờ.

Có lẽ vì thế, những người được làm học trò ông (họ đều là những người thầy khá thành đạt, làm nghiên cứu hoặc giảng dạy ở các trường đại học mà tôi biết) đều kính nể và sợ ông. Họ nói rằng: khi nào cần những góp ý thẳng thắn, đầy đủ, hãy đến và xin ý kiến Thầy Kiều.

Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen cho các trí thức tiêu biểu (PGS. TS Trần Kiều đứng thứ ba từ bên phải sang). (Nguồn: báo điện tử Dân trí).
Ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ trao tặng bằng khen cho các trí thức tiêu biểu (PGS. TS Trần Kiều đứng thứ ba từ bên phải sang). (Nguồn: báo điện tử Dân trí).

Mấy năm nay, tôi được làm việc cùng ông nhiều hơn. Năm nào chúng tôi cũng cùng nhau đi ô tô lên Tây Bắc. Tôi còn nhớ năm đó, con đường qua Hòa Bình ngoằn nghèo trở nên khó đi vì sạt lở đá.

Trên chiếc xe 16 chỗ, chúng tôi không ngừng lắc lư và di chuyển như “rùa” vì tránh ổ gà và dò đường vì sương phù. Tôi rất vui vẻ kể về chuyến đi tình nguyện từ thuở sinh viên của mình để các “cụ” trên xe bớt đi lo lắng.

Tôi nhớ những năm 2000, 2001 đường lên Sơn La còn đầy những đá răm, Thung Khe chỉ nhìn ra toàn lau sậy. Tôi đã có những ngày đi bộ cả chục cây số giữa những mảng núi màu vàng suộm và con đường lầy lội để vào bản. Thầy Kiều ngồi cuối xe chăm chú nghe tôi kể.

Rồi con người hơn 70 tuổi ấy bỗng cười vang sảng khoái. Thầy bảo: “chúc mừng cô đã có một tuổi thanh niên vẻ vang”. Rồi Thầy kể cho tôi, rắn rỏi như bước chân của người đi bộ lên Thuận Châu. Thầy đi mở trường Tây Bắc. “Tuổi trẻ của tôi như thế đấy cô ạ, chúng tôi, không phải một mình tôi, rất nhiều người đã đi như thế. Tôi đã rất quen những con đường ở đây.”

Thầy đã từng đi bộ sáu ngày từ Lai Châu đến điểm trường Mù Cả và dành ba ngày để điều tra xử lý một trường hợp. Ông nói, khi được giao nhiệm vụ, cần có chứng cứ để kết luận, ta phải làm kĩ, không dễ dãi được.

Lần đầu tiên tôi thấy ông cười, rất ấm áp và gần gũi. Ông kể cho tôi những điều mà những người thầy giáo vùng cao phải làm. Sau này ông nhiều lần nhắc tôi: các vị, đừng tưởng chỉ những kiến thức toán học cao siêu là cao quý.

PGS- TS Trần Kiều phát biểu tại Hội thảo khoa học Toàn quốc “Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục – đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục do Hội Khoa học Tâm lí- Giáo dục Việt Nam tổ chức, Tây Ninh tháng 9 năm 2017.
PGS- TS Trần Kiều phát biểu tại Hội thảo khoa học Toàn quốc “Quyền tự chủ của cơ sở giáo dục – đào tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục do Hội Khoa học Tâm lí- Giáo dục Việt Nam tổ chức, Tây Ninh tháng 9 năm 2017.

Có nhiều thứ cao quý nữa, mà từ những người tuy không giỏi toán song lại dạy được cho học sinh. Ở vùng xa, học sinh cũng cần học toán, nhưng học sinh còn cần học những thầy giáo vừa biết chữ, vừa biết yêu thương, chịu khó, họ phải là những người thầy toàn năng.

Ông không thích nói chuyện xuông tầm phào. Ông ngại phải nói chỉ về một khía cạnh mà không làm rõ được tính tổng thể.

Thế nên, ông thường nhắc nhở những người trẻ như tôi: các cậu (Thầy Kiều thường gọi thân mật chúng tôi như thế) tích cực thật là tốt; Nhưng chưa đủ đâu; Nhất là đừng bắt người ta nghĩ giống mình; Khoa học thì phải tuân thủ; Nhưng nếu chưa đủ điều kiện thì thực hiện thế nào?; Phải phù hợp với thực tiễn; … Các cậu đừng chỉ ngồi trong phòng đọc sách, mà phải đi thực tiễn nhiều vào. Người ta không chỉ áp dụng những kiến thức sư phạm khô không khốc hoặc quá lãng xẹt được.).

Có lẽ vì thế, những việc ông nhận làm đều rất chỉnh chu và quan tâm rất đầy đủ đến thực tiễn một cách toàn diện. Trong phạm vi mình có thể đảm nhận, dù là chủ nhiệm chương trình nghiên cứu hay phản biện, ông cũng không ngại đề cập thẳng thắn vấn đề.

Năm 2007 ông chính thức nghỉ hưu. Đôi chân ông không ngừng đi, khối óc ông vẫn tư duy và đau đáu nghĩ về việc phát triển khoa học giáo dục. Ông nhận lời làm Chủ tịch hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục học từ năm 2011 sau gần 20 năm làm Hội viên của Hội này.

Ông vẫn cần mẫn tham gia vào phát triển cộng đồng nghiên cứu từ những lĩnh vực rất khó đến những lĩnh vực cần thiết cho xã hội như phát triển hệ thống tư vấn tâm lý cộng đồng, tư vấn học đường đến tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhân lực quốc gia, gần đây ông được cử làm Chủ tích Hội đồng thẩm định chương trình giáo dục phổ thông.

Khi tôi chúc mừng ông vì biết tin ông được tôn vinh là trí thức Khoa học, Công nghệ, Kĩ thuật tiêu biểu thuộc các Hội ngành toàn quốc năm 2017, ông bảo tôi, “mình rất ngại khi được chúc mừng”. Tôi biết một người giản dị, rắn rỏi thì thường ngại nhận về mình những lời khen.

Khi nhìn ông mỗi buổi sáng mẫn cán trên chiếc xe máy cũ đến văn phòng Hội làm việc; khi bắt gặp ông giương kính cả buổi trưa để đọc những tài liệu; khi nghe ông tranh luận về những vấn đề mới mẻ (mà chúng tôi học được ở nước ngoài); khi ông nhắn nhủ đọc bài này/ bài kia; khi ông truy hỏi tận nơi những sự việc được chúng tôi nhắc đến; …. ấy là khi tất cả chúng tôi đang học ông, học cách làm một nhà khoa học giáo dục Việt Nam: học không ngừng nhưng phải biết rèn luyện để đôi chân của mình dám đi không biết mỏi.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Kiều sinh năm 1940, tại xã Trung Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Năm 1960, sau khi tốt nghiệp Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội 1 (nay là khoa Toán Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), ông được phân công lên Sơn La dạy ở trường Sư phạm Trung cấp Tây bắc tiền thân của Đại học Tây Bắc ngày nay.

Khi đó ông là một trong mười người đầu tiên có trình độ đại học ở khu tự trị Tây Bắc. Năm ông 26 tuổi, ông đã làm Phó hiệu trưởng trường Trung Cấp Sư phạm Sơn La. Đến 1968 chuyển đến Sư phạm Việt Bắc (nay là trường Đại học Thái Nguyên) làm công tác giảng dạy.

Đến năm 1973 ông được điều chuyển về Viện Khoa học giáo dục làm nghiên cứu viên. Trong thời gian nghiên cứu tại Viện này, ông đã hai lần làm thực tập sinh ở Đức (năm 1974-1975 và 1982-1983). Từ năm 1992 ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng rồi Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nay là Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.