Cú sốc đầu tiên
Việc đi du học không đẹp mộng mơ như tôi tưởng lúc còn ở nhà vì hầu như 6 tháng đầu tôi không hiểu được thầy nói cái gì? Cứ đến buổi lên lớp, tôi chỉ biết câm nín ngồi nhìn thầy nói và các bạn trong lớp liên tục giơ tay đặt câu hỏi và thảo luận.
Tôi thậm chí còn chưa hiểu thầy nói cái gì, bạn hỏi cái gì, thì làm sao tham gia thảo luận được! Tôi cảm thấy bị cô lập, cảm thấy tự ti, cảm thấy bị bỏ rơi phía sau. Tôi cảm thấy nghi ngờ vào năng lực học của chính bản thân. Tôi buồn và thất vọng về bản thân lắm.
Tôi mạnh dạn đến gặp cô Course Coordinator - giống như giáo viên chủ nhiệm ở bậc đại học của tôi. Cô tên là Jackie Venning, cô đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình xin thư nhập học và học bổng trước đó, tôi quý mến sự nhiệt tình của cô.
Tôi gõ cửa phòng cô và nói: Thưa cô, em nghĩ là em không thể theo được khóa học này vì em không nghe được thầy và các bạn trong lớp đang nói cái gì. Em cảm thấy nếu tình trạng này kéo dài, em sợ em sẽ không thể hoàn thành được chương trình học. Chương trình học khó hơn nhiều so với em nghĩ và em cảm thấy không tự tin vào bản thân.
Cô đặt hai tay vào vai tôi và nói: Hằng, em hãy bình tĩnh, cô hiểu những khó khăn em đang đối mặt. Ngay với một sinh viên bản địa, tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ thì các bạn cũng gặp rất nhiều khó khăn với chương trình học thạc sỹ. Do vậy việc em gặp khó khăn là chuyện bình thường. Cô làm công việc này rất nhiều năm nên cô hiểu và có kinh nghiệm để giúp em vượt qua khó khăn này.
Đào Thị Hằng - tác giả bài viết - khi học tập tại Úc |
2 năm miệt mài học phát âm từ đầu
Cô đưa tôi sang trung tâm chuyên hỗ trợ sinh viên sinh viên quốc tế gặp khó khăn về ngôn ngữ, phương pháp học, cách quản lý thời gian, toán, tin học…cho các sinh viên trong trường.
Những người già về hưu, sinh viên người Úc trong trường cũng đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ sinh viên quốc tế giao tiếp tốt tiếng Anh bằng cách kết nối để hai người có thể thiết lập mối quan hệ để hỗ trợ với nhau.
Rất may mắn tôi được gặp thầy Peter - tình nguyện viên của trung tâm. Ông là giáo viên tiếng Anh đã về hưu. Peter đã giúp tôi rất nhiều không những trong việc cải thiện khả năng tiếng Anh, mà quan trọng hơn, Peter giúp tôi hiểu được sự khác nhau trong giữa môi trường học thuật phương Đông và phương Tây, những khó khăn của một sinh viên châu Á thường gặp phải và cách để vượt qua được khó khăn đó.
Mỗi tuần hai ngày, vào thứ Hai và thứ Năm hàng tuần, từ 9 đến 12h trong suốt 2 năm, Peter bắt xe bus lên trường Adelaide gặp tôi ở Hub Learning Centre.
Hub này là không gian tự học cho các sinh viên trong trường, có bàn ghế, máy tính và canteen, rất rộng và thoáng. Những buổi học mệt, tôi hay chui vào túi ngủ một giấc rồi dậy học tiếp.
Sau một thời gian được thầy Peter giúp, tôi mới hiểu ra lý do tại sao thầy và các bạn nói tôi không hiểu và tôi nói cũng chẳng ai hiểu, đó là do vốn phát âm tôi chưa được học chuẩn từ đầu mà toàn “học bồi”.
Thầy Peter kiên trì giúp tôi chỉnh lại cách lấy hơi từ bụng, cách đặt vị trí răng, môi và lưỡi để phát âm được chính xác từng từ một.
Ông cẩn thận chỉnh sửa các lỗi ngữ pháp và cách dùng từ cho tất cả các bài viết, bài luận và bài báo khoa học của tôi trước lúc nộp. Ông kiên trì, cẩn thận chỉnh sửa từng lỗi một, nhờ đó, kỹ năng viết của tôi chắc lên dần dần.
Đào Thị Hằng cùng các bạn và thầy cô ở Úc |
Lời thầy dạy: Hiểu văn hóa để thích nghi với môi trường
Điều tôi nhận ra từ sự giúp đỡ của thầy Peter là: Nếu muốn giúp đỡ một ai đó, đưa cho người ta phương pháp và hướng dẫn chưa đủ, mà quan trọng là bắt tay chỉ việc, kèm cặp tận tình một thời gian đủ dài thì người được giúp mới làm được việc. Lúc đó, sự giúp đỡ mới có hiệu quả.
Dù phương pháp có mới và có hay đến mấy, mà chỉ hướng dẫn chứ không bắt tay chỉ việc đủ lâu thì người được giúp khó mà làm được. Tôi áp dụng điều này với học trò của mình sau này và thấy rất hiệu quả.
Một cái mà thầy Peter giúp tôi ngộ ra sự khác biệt giữa văn hóa đời sống và học thuật giữa phương Đông và phương Tây chính là sự chủ động. Từ nhỏ tôi vốn có tính tự lập, nhưng thực sự hiểu và ngộ ra được sự chủ động có lẽ là điều hữu ích nhất trong quá trình du học của tôi.
Sự chủ động giúp tôi vượt qua được rào cản của sự sợ hãi và được là chính mình, nói ra được điều mình mong muốn. Vợ của thầy Peter là người Trung Quốc nên ông hiểu về văn hóa Á Đông: Luôn kín đáo, dè dặt trong mọi việc và thường gặp khó khăn trong việc bộc lộ được cảm xúc, diễn đạt được suy nghĩ và ý kiến của mình.
Peter thường nhắc tôi: Nếu em có gì khó khăn trong việc học, hãy gõ cửa phòng thầy và nói: Thầy có thể cho em gặp 10 phút được không? Nếu thầy nói: Không, thầy đang bận, thì hỏi lại thầy: Lúc nào thầy rảnh? Trưa nay thầy đi ăn trưa, em đi ăn chung với thầy và muốn hỏi thầy vài câu có được không?
Hãy tiếp cận thầy đến lúc nào những thắc mắc của em được giải quyết. Không nên quá tế nhị mà bỏ qua vì nghĩ rằng mình đang làm phiền thầy, vì thầy đang rất bận.
Vì nếu không theo đuổi để làm bằng được thì em sẽ bị mắc kẹt trong vấn đề đó. Và khi mắc kẹt vấn đề đó thì quá trình học sẽ không được thông suốt.
Niềm vui ngày tốt nghiệp |
Thầy Peter cũng luôn nhắc tôi rằng: Ở Úc thì em hành xử như vậy, nhưng khi về nước, em lại phải tuân theo văn hóa cư xử của nước em: Lễ phép và kính trên nhường dưới. Em hiểu về văn hóa để thích nghi với mọi môi trường.
Cái quan trọng nhất khi đi du học không phải là lĩnh hội kiến thức, mà là học được phương pháp tự học, tự lập và phát triển tư duy phản biện.
Kiến thức rộng lớn và thường xuyên thay đổi. Chỉ khi biết mình muốn gì và phương pháp tự học, tự tìm tòi xoay xở một mình, nghiên cứu thì sẽ học và ứng dụng được cho công việc của mình.
Peter dạy cho tôi bài học về sự tử tế, chu đáo của một người thầy khi giúp học trò mình đi đến đích: Hướng dẫn thôi sẽ chưa đủ mà là bắt tay chỉ việc thời gian đủ dài thì người được giúp mới có thể tự làm được và khi đó sự giúp đỡ mới có kết quả!