Xuất khẩu giáo dục Mỹ trước áp lực cạnh tranh lớn

GD&TĐ - Các cơ sở giáo dục đại học Mỹ đang tiếp nhận số lượng sinh viên quốc tế kỉ lục 1,08 triệu người trong năm 2016/2017. Đây là năm thứ hai liên tiếp Mỹ đón hơn 1 triệu sinh viên quốc tế. Tuy nhiên cũng có dấu hiệu sụt giảm trong tuyển sinh mới – báo hiệu những khó khăn giữa thị trường xuất khẩu quốc tế cạnh tranh quyết liệt.  

Xuất khẩu giáo dục Mỹ trước áp lực cạnh tranh lớn

Dấu hiệu đáng lo

Theo nghiên cứu của Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE - một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực trao đổi giáo dục, có trụ sở chính tại thành phố New York) phối hợp với Vụ Các vấn đề Giáo dục và Văn hoá Bộ Ngoại giao Mỹ, có dấu hiệu cho thấy mức tăng du học sinh chậm lại – mức tăng chỉ đạt 3% so với 7 - 10% của 3 năm trước đây.

Ấn Độ là nguồn du học sinh quan trọng nhất của Mỹ với mức tăng trưởng cao nhất ở năm thứ ba liên tiếp. Ấn Độ và Trung Quốc hiện chiếm khoảng 50% tổng số sinh viên nước ngoài tại Mỹ.

Tuy nhiên số sinh viên quốc tế mới nhập học các cơ sở Mỹ trong mùa thu 2016 đã giảm gần 10.000 sinh viên xuống còn 291.000 – giảm 3% so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên ghi nhận mức giảm trong 12 năm qua.

Theo IIE, gần 500 trường cao đẳng và đại học đưa ra dự báo mức giảm trung bình 7% số sinh viên mới trong năm học 2017/2018.

Theo Chủ tịch IIE, Allan Goodman, thì vấn đề cấp bách là các cơ sở đào tạo Mỹ phải lập ra mục tiêu chiến lược và mở hướng tiếp cận sinh viên quốc tế trong những năm tới.

“Các quốc gia và tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đang cạnh tranh để thu hút tài năng hàng đầu. Khi ngày càng nhiều quốc gia tích cực hơn thu hút sinh quốc tế và thực hiện chiến lược quốc gia để thu hút họ, cạnh tranh tài năng toàn cầu trong giáo dục đại học và lực lượng lao động sẽ ngày càng gay gắt” – Goodman phân tích.

Sự cắt giảm mạnh các chương trình học bổng hào phóng của Saudi và Brazil là một nhân tố quan trọng làm giảm tăng trưởng, khi số sinh viên từ 2 nước này có mức giảm lớn nhất ở cả loại hình du học dài hạn lẫn ngắn hạn.

Tuyển sinh giảm - thiệt hại lớn

Sụt giảm trong xuất khẩu giáo dục không chỉ ảnh hưởng tới nguồn thu của các trường mà tới cả nền kinh tế Mỹ.

Năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, sinh viên quốc tế đóng góp 39 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ thông qua chi học phí và sinh hoạt phí.

Bên cạnh đó, vài trò của sinh viên quốc tế tại các cơ sở đào tạo trong vai trò hỗ trợ giảng dạy và nghiên cứu rất hữu ích tại nhiều chuyên ngành, đặc biệt trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán); kiến thức phong phú và đa dạng phương pháp nghiên cứu của sinh viên quốc tế cũng bổ trợ nhiều cho sinh viên Mỹ.

Bình luận về lí do dẫn đến giảm tuyển sinh mới, phụ trách nghiên cứu của IIE, Rajika Bhandari, nói rằng cần tập trung nhiều hơn vào các “nhân tố thúc đẩy” các quốc gia cung ứng du học sinh.

“Đây là cạnh tranh toàn cầu. Điều các nước khác đang làm là so sánh chi phí với du học tại Mỹ” – Bhandari nói – “Thực tế là sinh viên có thể học chương trình đào tạo rút ngắn thời gian hơn tại châu Âu – điều này tiết giảm đáng kể chi phí. Bên cạnh đó, sinh viên nước ngoài cũng có thêm nhiều cơ hội học các tại các cơ sở đào tạo uy tín chuẩn quốc tế tại quê nhà”.

Đồng quan điểm, Goodman cho rằng chi phí giáo dục tại Mỹ đang cao tới mức nhiều người bắt đầu lựa chọn nơi du học thay thế.

Những nguồn cung sinh viên quốc tế lớn nhất cho Mỹ lâu này là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Arab Saudi, Canada, Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Mexico và Brazil.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Có vẻ như ung thư đang phát triển nhanh hơn và nguy hiểm hơn trước đây. (Ảnh: ITN)

Lý do ung thư ngày càng trẻ hóa

GD&TĐ - Theo vox.com, những người trưởng thành ở độ tuổi sung sức nhất, thường có bề ngoài khỏe mạnh, đang chết vì những căn bệnh ung thư ác tính.