Không cần bằng thạc sĩ
Dù giáo dục đại học có nhiều sự biến đổi trong một vài năm trở lại đây nhưng nhóm sư phạm, vẫn giữ nguyên phương pháp giảng dạy truyền thống của mình.
Theo đó, một sinh viên theo nhóm ngành này sẽ trải qua 3-4 năm đại học như các nhóm ngành khác và thêm vào đó là những khóa thực tập thực tế tại trường trước khi bước vào công việc giảng dạy thực sự.
Phương pháp đào tạo này lại cho thấy một thực tế là các cử nhân tốt nghiệp ngành sư phạm với tấm bằng xuất sắc, khóa thực tập thực tế được đánh giá cao nhưng khi bước vào công việc thực sự thì lại gặp rất nhiều khó khăn và kết quả giảng dạy cũng không được như mong muốn.
Đối với bậc trung học hay đại học, một cử nhân phải tiếp tục học lên cao học để có tầm bằng thạc sĩ, một điều kiện bắt buộc hiện nay, khi nộp đơn trở thành giáo viên hay giảng viên.
“Và một sự thật là khi một giáo viên dành nhiều thời gian cho những tấm bằng thì họ lại không có được những kỹ năng cần thiết của một người truyền đạt kiến thức. Từ đó, chúng ta đang có một thế hệ các giáo viên có thành tích học tập xuất sắc tại các trường sư phạm nhưng lại không thể trở thành một giáo viên xuất sắc đúng nghĩa”, Jeff Litt, quản lý cấp cao tại Trường Tiểu học Icahn, nhận định.
Đứng trước hiện trạng giáo viên có bằng cấp tại Mỹ ngày càng nhiều nhưng con số thực tế có thể thành công trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn hạn chế, chính quyền một số bang có truyền thống phát triển giáo dục đã đưa ra các chính sách nhằm giúp cải thiện hay thậm chí là xây dựng lại đội ngũ giảng dạy.
Nổi bật nhất là hệ thống giáo dục đại học bang New York, SUNY, với chính sách xây dựng một hệ thống chứng nhận riêng dành cho các giáo viên.
Theo đó, hệ thống giáo dục tại New York sẽ đi theo một lộ trình hoàn toàn mới trong việc đào tạo giáo viên của bang, vốn đi theo hướng thông thường là phải có bằng thạc sĩ chuyên ngành và trải qua các kỳ thi xét tuyển sư phạm như hầu hết các bang tại Mỹ, hay thậm chí là ở các quốc gia khác.
Cụ thể, theo kế hoạch này, các trường sẽ không còn các quy định liên quan đến bằng cấp khi xét tuyển giáo viên, mà thay vào đó sẽ tự xây dựng một chương trình cấp chứng chỉ thay thế để có thể cung cấp các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho giáo viên của trường.
Chương trình và chứng chỉ này sẽ được phê duyệt và chứng thực bởi chính quyền bang để có thể áp dụng ở những ngôi trường khác trong bang.
Nói cách khác thì các chương trình chứng chỉ đào tạo giáo viên này có thể khác nhau ở các trường nhưng đều hướng đến việc giảm nhẹ gánh nặng bằng cấp và tập trung nhiều hơn cho việc tạo ra những giáo viên giỏi về kinh nghiệm giảng dạy thực tế.
Chính sách này của giáo dục bang New York ngoài giúp các giáo viên không quá chú trọng vào bằng cấp và dành nhiều thời gian cho công việc thiên về học thuật này, còn giúp cho nhà trường dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm và đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy của nhà trường.
Hiện nay, theo quy định thì mỗi trường chỉ có thể tuyển dụng không quá 15 giáo viên không đủ điều kiện bằng cấp, tức là phải có bằng thạc sĩ và có chứng nhận vượt qua kỳ thi sư phạm.
Quy định này theo một số nhà giáo dục là điều khiến cho các trường tại Mỹ hiện nay chỉ là những thạc sĩ bằng cấp chứ không phải là những giáo viên, những người có khả năng truyền đạt kiến thức thực sự.
“Họ là những thạc sĩ được đào tạo các kiến thức chuyên ngành đầy đủ nhưng lại không có những kiến thức giảng dạy mang tính thực tế và trên hết là họ không được đặt vào điều kiện giảng dạy của các trường để có thể hiểu và tìm được phương pháp truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất”, Litt cho biết.
Không cần phải là thạc sĩ, giáo sư
Khi chính sách được công bố, các Hiệp hội giáo viên cũng như các quan chức cấp cao của New York và các bang khác đã lên tiếng phản đối và chỉ trích chính sách mà họ cho rằng phản giáo dục này.
Họ cho rằng việc để những giáo viên không đủ tiêu chuẩn đứng lớp sẽ mang lại nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giảng dạy cũng như danh tiếng của nền giáo dục nói chung.
Tuy nhiên, ở vai trò trực tiếp tiếp xúc với học viên cũng như đội ngũ giảng dạy, lãnh đạo các trường lại đứng trên một quan điểm trái ngược.
Hầu hết các hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học hay đại học trong bang đều cho rằng việc đào tạo ngay tại trường, với chương trình được thiết kế để bám sát thực tế và khắc phục các chướng ngại trong quá trình giảng dạy của giáo viên, sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều so với các kiến thức mà những trường đào tạo sư phạm cung cấp.
“Dù sẽ khác nhau về cách thức và thời gian giảng dạy nhưng hầu hết những chương trình "thay thế bằng cấp sự phạm" tại các trường sẽ chú trọng vào tăng cường kỹ năng giảng dạy đặt trong bối cảnh thực tế của nhà trường. Như tôi vẫn thường hay nói, chỉ cần cầm tấm bằng cử nhân ở bất cứ ngành nghề nào đến đây, chúng tôi sẽ đào tạo bạn trở thành một giáo viên giỏi”, Litt cho biết.
Tuy chính sách nghe có vẻ đơn giản, mỗi trường sẽ có chương trình riêng và bằng cấp sẽ được công nhận bởi các trường trong bang, nhưng cách thực hiện sẽ rất nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng đào tạo của những chương trình này.
Theo đó, các trường khi muốn thực hiện chương trình phải đăng ký với Sở Giáo dục bang để được phê duyệt chương trình. Một chương trình tiêu chuẩn phải bao gồm ít nhất 30 giờ giảng dạy kiến thức chuyên môn và 100 giờ giảng dạy thực tế dưới sự giám sát, hướng dẫn của đội ngũ giáo viên dày dặn kinh nghiệm của trường.
Một số chương trình sẽ cho các giáo viên mới trải nghiệm công việc thời vụ rồi sau đó tăng cường thêm thời gian giảng dạy để họ có thể thích nghi dần. Với mô hình này thì một giáo viên khi được cấp chứng chỉ sẽ có thể đã là giáo viên của trường trong 1 đến 2 năm.
Bên cạnh đó, cũng nằm trong phần bắt buộc của chương trình, một giáo viên phải tham dự một số hội thảo được tổ chức bởi Sở Giáo dục bang trước khi được cấp chứng chỉ. Các hội thảo này không chỉ giúp những giáo viên tương lai có được những kinh nghiệm thực tế bổ ích mà còn là giúp họ nắm được những quy định và chính sách của giáo dục bang.
Hiệu quả hay không?
Đứng trước một cách thức đào tạo giáo viên hoàn toàn không đi theo phương pháp truyền thống, nhiều chuyên gia kỳ cựu của giáo dục Mỹ cho rằng cách thức đào tạo mới này sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Theo đó, họ cho rằng đã có nhiều nghiên cứu chứng minh các giáo viên có bằng cấp qua thời gian làm công tác giảng dạy sẽ cho thấy hiệu quả hơn so với những giáo viên không có bằng cấp.
Mặt khác, nhiều ý kiến nêu lên việc hầu hết các trường đại học sư phạm đều đã đưa chương trình giảng dạy thực tế vào nhà trường nên phương pháp của Giáo dục bang New York cũng không thật sự mới mẻ và tạo tính đột phá.
“Một giáo viên giỏi cần rất nhiều kỹ năng và quá trình đào tạo kéo dài, thông qua các bằng cấp sẽ giúp họ trau dồi và tăng cường các kiến thức và kỹ năng ấy. Thế nên tấm bằng thạc sĩ không giúp đảm bảo là họ sẽ dạy tốt nhưng nó cũng giúp sàn lọc những người không đủ năng lực để thực hiện công việc đó”, Jonah Rockoff, nhà nghiên cứu giáo dục tại Đại học Columbia, cho biết.
Để phản biện và giải thích, Litt cùng một số hiệu trưởng các trường tại bang New York đang nghiên cứu áp dụng mô hình chứng chỉ giảng dạy thay thế cho rằng việc so sánh hiệu quả giữa giáo viên có bằng cấp, được đào tạo bài bản và giáo viên không bằng cấp đều không dựa trên các số liệu thực tế về thành tích học tập, chất lượng đào tạo chung mà chỉ dựa trên các đánh giá từ nhà trường.
Nếu xét về khía cạnh cải thiện thành tích học tập của học sinh thì cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai nhóm giáo viên này.
Ngoài ra, chương trình đào tạo kết hợp giảng dạy thực tế của nhà trường sẽ rất khác với các chương trình thực tập mà những trường đại học sư phạm áp dụng vì nó đặt các giáo viên mới vào điều kiện thực tế của nhà trường.
Từ đó việc giảng dạy thực tế này chính là công việc mà họ sẽ thực hiện trong tương lai sau khi hoàn thành chương trình chứ không chỉ đóng vai trò là một khóa luận hay thực tập như chương trình mà các trường đại học sư phạm thực hiện.
Không thể khẳng định rằng các giáo viên không có bằng thạc sĩ, được đào tạo chính quy sư phạm sẽ có thể thực hiện công tác giảng dạy hơn nhóm các giáo viên được đào tạo bài bản.
Tuy nhiên, việc cho ra đời hệ thống chứng chỉ sư phạm thực tế ở cấp cơ sở sẽ giúp đội ngũ giảng dạy được tăng cường các kiến thức thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả giáo dục ở cấp độ từng trường, và sau đó ở những quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, một giáo viên có bằng thạc sĩ sư phạm cũng có thể tham gia vào chương trình đào tạo chứng chỉ của trường để bên cạnh việc củng cố lại kiến thức đã học dưới dạng thực tế hóa, đồng thời cũng am hiểu thêm về môi trường giáo dục ở ngôi trường mình đang công tác.
“Có đầy đủ bằng cấp hay không cũng không phải là vấn đề, điều quan trọng ở đây là giáo viên có được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực tế và sự am hiểu môi trường mình sẽ giảng dạy hay không. Đó mới là điều thật sự quan trọng. Và chương trình của các trường tại bang New York đang nỗ lực thực hiện điều đó thông qua chính sách giáo dục mới của Bang”, Dirck Roosevelt, giáo viên thỉnh giảng tại Đại học Columbia, cho biết.