Xử trí thế nào khi con thích phá phách?

GD&TĐ - Theo chuyên gia, trong vài trường hợp, trẻ quậy phá, vượt ra ngoài khuôn khổ cũng là khi con đang có nhu cầu chính đáng nào đó.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

>>> Lý do khiến trẻ trở nên cá biệt

Đôi khi, cha mẹ thường cáu giận khi trẻ không làm đúng những gì mình dạy bảo. Tuy nhiên, theo chuyên gia, trong vài trường hợp, trẻ quậy phá, vượt ra ngoài khuôn khổ cũng là khi con đang có nhu cầu chính đáng nào đó.

Đừng khiến trẻ ngại sáng tạo

Học sinh cá biệt không nên chỉ hiểu rằng đó là hư, xấu. Một vài trường hợp, trẻ ưa khám phá sẽ có biểu hiện quậy phá hơn mức bình thường.

Chị Nguyễn Thu Hằng (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, từ mầm non đến tiểu học, năm nào con chị cũng rơi vào trường hợp bị nhắc nhở thường xuyên. Từ học tập đến nề nếp. Hôm thì cô giáo trao đổi việc lục tung đồ chơi mới của bạn ra để “nghiên cứu”; có lần lấy kéo cắt áo khoác của bạn ra xem trong đó có gì,… Ở nhà con cũng thường xuyên thích phá đồ đạc. Chị Hằng cho biết luôn ở trong tâm thế có cậu con trai là học sinh cá biệt.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên – Chuyên gia tư vấn tâm lý Học viện tư duy kỹ năng IVS cho biết: Trẻ nhỏ luôn có ham muốn tìm hiểu, tò mò về mọi điều xảy ra khiến nhiều hành động dẫn tới “hiểu lầm” là ngỗ nghịch, cá biệt.

Với sự hiếu động vốn có, việc chỉ cung cấp kiến thức lý thuyết khô khan sẽ không thể giữ trẻ tập trung. Do đó, cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ thực hành, tự khám phá các hiện tượng đơn giản. Dưới sự giám sát của mình, trẻ sẽ chủ động tìm hiểu nguyên lý của mọi vấn đề. Đừng nghĩ rằng con mình đang có biểu hiện quậy phá, hư hay cá biệt.

Khi trẻ chơi thì sự bừa bộn là khó tránh khỏi. Điều bố mẹ nên làm là cứ kệ những “bãi chiến trường” đó, thay vì liên tục nói: “Suốt ngày bừa bãi thế này?”, “Tại sao lại la hét, đập đồ?”... Những câu nói như thế sẽ khiến trẻ ngại sáng tạo và chỉ muốn làm mọi thứ theo khuôn khổ mà thôi.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên cho biết thêm, nhiều cha mẹ thường phản ứng khó chịu với sự tò mò của trẻ như hỏi quá nhiều, phá đồ vì muốn xem cụ thể từng chi tiết… Những trường hợp này xảy ra không ít.

Thay vì nóng giận, người lớn cần bình tĩnh giải thích cho con hiểu. Trước tiên cần giải quyết ngay những băn khoăn của con, những nguyên nhân dẫn đến hành động đó và nói cho trẻ biết hậu quả nếu con làm hỏng đồ đạc. Ở một khía cạnh nào đó, con đập phá đồ vì mục đích xem xét, nghiên cứu thì không xấu.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ này thích khám phá khoa học, có óc sáng tạo và giải quyết vấn đề cặn kẽ. Với các thí nghiệm đơn giản, cha mẹ nên để con tự thực hiện dưới sự giám sát của mình nhằm rèn tính tự lập cho trẻ.

Khi trẻ thực hiện, ngoài việc đảm bảo sự an toàn cho trẻ, đồng thời, giải thích về bản chất hiện tượng. Như vậy, trẻ sẽ được tiếp thu cả kiến thức lý thuyết và kỹ năng thực hành.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Hãy phớt lờ trẻ

Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Thực hành Hoa Sen (Hà Nội) cho biết: Đôi khi cha mẹ cảm thấy rất khó khăn khi để trẻ tự làm điều mình muốn, bởi chúng có thể khiến người lớn phải làm lại. Nhưng miễn là ý tưởng của trẻ không dẫn tới tình huống nguy hiểm, phụ huynh hãy để trẻ tự do khám phá theo cách của mình.

Đến một tuổi nào đó, trẻ sẽ muốn tự mình làm một số việc và cha mẹ hãy để trẻ thử. Việc cha mẹ nói với trẻ những câu như “con không nên làm như thế” có thể làm cản trở sự tò mò của trẻ. Hãy để cho trẻ được mắc lỗi và học từ sai lầm đó.

Khi trẻ hư, trẻ đang có thái độ cáu bẳn và phá phách, hãy “phớt lờ” trẻ. Những đứa trẻ hư thường sẽ tự chấm dứt hành động phá phách, ăn vạ hay mè nheo của mình nếu chúng không thấy cha mẹ phản ứng gì với hành động đó.

Tuy nhiên, “phớt lờ” không có nghĩa là bỏ qua. Thay vào đó, đợi khi bé trở lại bình thường, bố mẹ nhẹ nhàng giải thích cho bé hiểu hành động vừa rồi của bé là chưa ngoan, tại sao mẹ lại không ủng hộ để bé hiểu được vấn đề.

Theo cô Giang, rất nhiều cha mẹ mắc phải một sai lầm rằng luôn nói “không” với con. Cha mẹ luôn cấm đoán con không được làm điều này, không được làm điều kia. Trong khi, với tâm lý nổi loạn và tò mò của một đứa trẻ, chúng không biết tại sao lại không được làm như vậy và sự thực là chúng vẫn tiếp tục làm điều đó. Chính vì vậy, một trong những điều phụ huynh phải không thể chỉ nói “không” để từ chối trẻ em – chúng cần biết tại sao và như thế nào.

Với mọi hành động của trẻ, cha mẹ cần sắp đặt những ranh giới rõ ràng. Đó là một cách để chứng tỏ quyền hạn của mình với trẻ, để cho trẻ hiểu rằng nơi nào, lúc nào là cần phải làm việc gì, để các con biết rõ điều gì được phép và không được phép, từ đó chúng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp.

“Đi kèm với giới hạn, đó là những lời cảnh báo. Điều đó có nghĩa là trước khi trẻ làm một điều gì đó vượt quá giới hạn, hãy cảnh báo chúng. Việc làm này sẽ giúp trẻ có cơ hội suy nghĩ lại hành động của mình và tự quyết định xem nên tiếp tục hay dừng lại trước khi nó bị phạt. Điều đó tốt hơn rất nhiều việc để hành động đó xảy ra và sau đó là cơn tức giận của bố mẹ”, cô Giang nhấn mạnh.

“Cha mẹ cần trau dồi kỹ năng giao tiếp cùng trẻ. Trong quá trình con chơi đùa, hay thực hành, cần kiên nhẫn quan sát để trẻ thực hiện chậm rãi, đồng thời, đưa ra một vài gợi ý khi trẻ gặp khúc mắc. Ngoài ra, thông qua quá trình này, các bậc phụ huynh nên chú ý xem trẻ có năng lực vượt trội hơn ở lĩnh vực nào, từ đó, khuyến khích trẻ tiếp tục phát huy tiềm năng, đừng nặng nề quát mắng trẻ” – Thạc sĩ Nguyễn Hồng Liên nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ