Trong độ tuổi thích khám phá và có phần hiếu động, một số trẻ thường làm theo ý mình. Trong đó, nhiều em không bộc lộ sự “cá biệt” khi ở nhà, mà chỉ tại trường học và ngoài xã hội.
Ở nhiều trường hợp, học sinh trở nên cá biệt do những kỳ vọng quá cao của cha mẹ, từ sự so sánh “con nhà mình” với “con nhà người ta”, hoàn cảnh gia đình, thậm chí là vì một khoảng tối nào đó trong quá khứ mà trẻ không muốn đối diện.
Tìm hiểu bản chất
“Học sinh cá biệt” là cụm từ thường được dùng để chỉ những trẻ không tuân thủ nội quy, quy chế của trường học. Những học sinh này được cho là làm ảnh hưởng đến học tập, rèn luyện chung của tập thể.
Thông thường, học sinh cá biệt cũng không có lực học tốt, thường thể hiện qua việc nghịch ngợm, quậy phá, hay đánh nhau, gây mất trật tự trong giờ học. Thậm chí, chúng thích thể hiện bản thân và làm trái lại các quy định.
Trong độ tuổi thích khám phá và hiếu động, đa phần các em thường làm theo ý của bản thân. Do vậy, theo các chuyên gia, gia đình và nhà trường cần kịp thời phối hợp, đưa ra phương hướng giải quyết, biện pháp khắc phục. Từ đó, khuyên nhủ, giáo dục và tăng nhận thức cho các em về trách nhiệm, ý thức cần có đúng độ tuổi, đồng thời giúp trẻ tránh bị người xấu lôi kéo dẫn đến các tệ nạn xã hội.
Với những cha mẹ càng thành công thì kỳ vọng vào con sẽ càng lớn. Nếu trong trường hợp, trẻ trở thành học sinh “cá biệt”, “đội sổ”, phụ huynh sẽ khó lòng chấp nhận. Họ đồng thời sẽ gây áp lực nhiều hơn lên con, khiến trẻ không tìm được chỗ dựa tinh thần.
Chị Nguyễn Thị Thảo (Ba Đình, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Khi nhắc đến bé Bo - con trai mình, chị Thảo than thở: “Thật khốn khổ khi con người ta thì ngoan lành còn con mình thì bướng bỉnh, nghịch phá. Vợ chồng tôi được đánh giá là thành công. Chính điều đó khiến gia đình vô cùng phiền lòng”.
Nữ phụ huynh kể, ở trường, không chỉ các bạn, mà nhiều thầy cô là “nạn nhân” của Bo. Cậu bé la lối với hầu hết mọi người. Trong mắt thầy cô, Bo là một đứa trẻ khó chịu. Phần lớn bạn bè không chịu nổi thái độ cáu kỉnh của Bo mỗi khi chẳng may bé thua cuộc trong trò chơi nào đó. Thậm chí, chị Thảo từng nhiều lần phải đến trường vì Bo bị kỷ luật.
Chia sẻ về học sinh cá biệt, cô Lê Nga Phương - giáo viên dạy Văn Trường THPT Hồ Tùng Mậu (Hà Nội) - cho biết, có một số giải pháp hiệu quả để giáo dục nhóm trẻ em này.
Trước hết, cần trả lời câu hỏi vì sao trẻ lại trở nên như vậy. Theo cô Phương, không trẻ nào tự nhiên trở nên quá khác biệt. Luôn có ít nhất một lý do khiến chúng trở nên thù địch với mọi thứ xung quanh. Những biểu hiện như phá phách, ngủ trong giờ học, thậm chí gây gổ đánh nhau cũng chỉ là cách để các em chống trả với cuộc đời mà theo trẻ là bất công, không đáng sống. Đôi khi, các em làm vậy là để thu hút sự chú ý, muốn trở nên “đặc biệt”.
“Việc của giáo viên là phải tìm được lý do tại sao. Điều đó đồng nghĩa là giáo viên đã tìm được chiếc chìa khóa mở cửa trái tim của những học sinh cá biệt này”, cô Phương cho biết.
Bên cạnh đó, cần luôn đảm bảo nguyên tắc công bằng. Trẻ trở nên cứng đầu là bởi chúng mất lòng tin vào lẽ phải và công lý. Các em hoặc tìm cách phá bỏ thế giới đầy bất công, hoặc chiến đấu theo “niềm tin công lý” của riêng mình.
Đó là cách để các em khiến mình trở nên quan trọng hơn, trở thành người hùng trong mắt bạn bè cùng trang lứa. Để đảm bảo được công bằng, cô Phương cho rằng, giáo viên đừng xem thường sức mạnh của lời khen - chê. Đó chính là vũ khí để trở thành một người hùng trong mắt trẻ.
Điều quan trọng là cần khen và chê đúng.Nếu học sinh làm được một việc tốt, thì giáo viên không nên tiếc lời khen. Bởi, lời khen của giáo viên sẽ trở thành động lực để học sinh nỗ lực hơn nữa. Mỗi lời khen sẽ là một chiếc huân chương trên bảng thành tích “được công nhận” của các em. Khi đó, trẻ sẽ thấy mình có ích và đang tồn tại.
Tuy nhiên theo cô Phương, điều đó không có nghĩa là giáo viên luôn khen ngợi học sinh của mình. Khi các em có hành vi sai trái, hãy góp ý, phê bình. Sự phê bình xuất phát từ lòng thiện tâm, từ mong muốn trẻ thay đổi. Từ đó, sẽ giúp trẻ biết sợ trước khi tiếp tục những hành vi sai trái.
Trong độ tuổi thích khám phá và có phần hiếu động, đa phần các em thường làm theo ý của bản thân. Ảnh minh họa. |
Trở thành chỗ dựa của trẻ
Theo kinh nghiệm của cô Phương, với học sinh cá biệt, để trở thành chỗ dựa của lòng tin, thầy cô phải làm được những điều như: Có thể thay thế cho cha mẹ; chuyên viên tư vấn tình yêu; y tá – biết băng bó vết thương nếu học sinh lao vào một cuộc ẩu đả; bác sĩ tâm lý giúp các em thăng bằng sau những vết thương lòng...
Thầy cô cũng cần sẵn sàng trả lời học sinh bất kể khi nào các em cần, thậm chí là 1 - 2 giờ sáng. Khi học trò tìm đến thầy cô cũng là lúc các em cô đơn nhất, cần một điểm tựa.
Nữ giáo viên nhấn mạnh, không nên xem các em là học sinh quá khác biệt. Cô Phương cho biết, nhiều giáo viên chia sẻ với cô rằng, trước khi nhận lớp, bao giờ họ cũng nghiên cứu kỹ hồ sơ, gặp giáo viên chủ nhiệm cũ của học sinh hoặc những người từng biết các em. Qua đó, nhằm tìm hiểu thật chi tiết về học sinh của mình. Đó là một cách làm đúng.
Tuy nhiên, dẫu thầy cô không thừa nhận, nhưng những thông tin tìm được trước đó vô tình “dán mác cá biệt” cho học trò của mình. Trước khi tiếp cận những con người cụ thể, giáo viên đã mang sẵn tâm lý đề phòng: Chúng là học sinh cá biệt.
“Tôi có cách làm khác và thấy hiệu quả của việc làm này. Trước khi bước vào lớp, tôi mặc định rằng, tất cả học sinh giống nhau, đều là những đứa trẻ sẽ đồng hành cùng mình suốt một năm học. Việc của tôi là để chúng tự nói về mình. Các em rất muốn mọi người nhìn mình như “những người bình thường” khác, không phải là học sinh cá biệt. Bởi vậy, hãy thay thế thuật ngữ học sinh cá biệt bằng học sinh đặc biệt, cần sự quan tâm chia sẻ nhiều hơn. Bạn sẽ thấy hiệu quả của nó”, cô Phương chia sẻ.
Cha mẹ cần trở thành người bạn thân thiết để trẻ có thể chia sẻ mọi điều. Ảnh minh họa. |
Cho trẻ thời gian
Cha mẹ là những người đóng vai trò vô cùng quan trọng để giúp trẻ thay đổi theo hướng tích cực. Cô Ngô Thùy Dương - Hệ thống Giáo dục kỹ năng sống Cara cho biết, phụ huynh cần kích thích trẻ tiến bộ, phấn đấu từ mặt tiêu cực. Cha mẹ không thể ép buộc trẻ thay đổi nhanh chóng khi không nghe lời. Bởi, sự thay đổi cần có thời gian.
Việc tìm ra mặt tiêu cực và động viên khi trẻ có sự tiến bộ là động lực giúp con có thể tiếp tục phấn đấu. Cha mẹ nên trò chuyện, tìm hiểu suy nghĩ của trẻ và kịp thời sửa chữa những suy nghĩ lệch lạc. Cha mẹ hãy trở thành người bạn thân thiết có thể chia sẻ mọi điều, dạy trẻ biết tự điều tiết cảm xúc.
Khi trẻ có tâm trạng không tốt, cha mẹ có thể cùng con hát, đi dạo, tâm sự, xóa bỏ cảm xúc chống đối người khác.
Đồng thời, phụ huynh cần hóa giải tâm lý đối địch của trẻ, cũng như không quá tạo áp lực cho con. Cụ thể, khi trẻ học, cha mẹ tránh làm con nảy sinh tâm lý chống đối, không nghe lời.
Cha mẹ không nên cố ép buộc trẻ phải theo ý muốn, nguyện vọng của mình. Một khi trẻ chống đối thì quan hệ giữa con và cha mẹ sẽ rơi vào trạng thái căng thẳng.
Cha mẹ nên tiếp xúc, nói chuyện nhiều để khích lệ, khen ngợi cũng như ủng hộ trẻ nhiều hơn. Từ đó, trẻ sẽ tin rằng, bản thân hoàn toàn làm được. Phụ huynh cũng không nên so sánh con mình với những đứa trẻ khác. Việc so sánh sẽ càng tăng thêm gánh nặng tâm lý cho trẻ. Khi đó, thành tích của trẻ ngày càng giảm sút.
Cô Lê Nga Phương cho rằng, lý do khiến học sinh trở nên cá biệt xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài, để rồi tạo ra những tổn thương sâu bên trong tâm hồn của đứa trẻ. Phần lớn các em đều thiếu vắng tình yêu thương từ những người thân trong gia đình. Các em cô đơn và khao khát tình yêu thương. Giáo viên chỉ cần trao đi tình yêu của mình cho học trò, thì sẽ nhận được yêu thương vô điều kiện từ các em.