Xu thế chọn ngành thay đổi theo chiều hướng tích cực

Xu thế chọn ngành thay đổi theo chiều hướng tích cực

(GD&TĐ) - Ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục (Bộ GD&ĐT) - cho biết, con số thống kê từ lượng hồ sơ ĐKDT vào ĐH, CĐ năm 2013 cho thấy những biến chuyển tích cực trong xu thế chọn ngành của thí sinh.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ GD ĐH (Bộ GD&ĐT). Ảnh: NN
Ông Bùi Anh Tuấn. Ảnh: NN

Những biến chuyển đó cụ thể là như thế nào, thưa ông?

- Thống kê của Bộ GD&ĐT cho đến nay, số lượng thí sinh ĐKDT trên cả nước giảm hơn so 6% so với năm 2012. Trong đó, lượng thí sinh đăng ký vào ngành kinh tế và quản lý giảm hơn so với năm 2012 khoảng 10%.

Mặt khác, số hồ sơ đăng ký vào một số ngành như kỹ thuật, công nghệ, nông lâm lại có xu hướng tăng lên.

Theo ông vì sao lại có những thay đổi như vậy?

- Có những thay đổi như trên là do một số chủ trương lớn của nhà nước, của Chính phủ và của ngành đã đến được với người dân; do có những cảnh báo về nhu cầu việc làm của một số ngành, đặc biệt là khối ngành kinh tế, tài chính, quản trị kinh doanh.

Cũng phải nói tới xu thế mở ngành đào tạo trong một số năm vừa qua, những ngành về công nghệ tăng hơn so với khối ngành kinh tế và tài chính. Đây là một xu hướng đáng mừng trong việc cơ cấu lại ngành nghề đào tạo.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục có giải pháp như thế nào để dự báo được tốt hơn với các nhóm ngành nghề?

- Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu nhu cầu về ngành nghề đào tạo và có cảnh báo xã hội một cách xác thực hơn, thường xuyên hơn đối với các trường cũng như thí sinh.

Đồng thời với việc xây dựng hệ thống quy hoạch các ngành nghề đào tạo, chúng tôi cũng sẽ sắp xếp, cân đối lại các ngành nghề đào tạo, quan tâm đặc biệt tới khuyến khích mở ngành về công nghệ, kỹ thuật, ngành nông lâm và một số ngành nghề khác.

Với ngành nghề kinh tế tài chính và ngân hàng, trong giai đoạn tới, chúng tôi vẫn tiếp tục hạn chế mở các ngành này tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Ngoài ra, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những dự báo sát hơn với nhu cầu việc làm và thị trường lao động.

Một số trường CĐ cho biết năm nay bị thiếu nguồn tuyển do một số thay đổi trong chính sách tuyển sinh. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

- Số hồ sơ ĐKDT vào CĐ năm 2013 có giảm so với năm 2012, đó là một thực tế. Nhưng tôi cho rằng, đến nguyện vọng 2, số thí sinh vào học CĐ sẽ tăng lên. Việc thí sinh đăng ký học CĐ giảm năm nay cũng một phần bị ảnh hưởng bởi quy chế 55 về đào tạo liên thông. Đây là một điều đáng mừng vì nó trả tên đúng cho nhu cầu đào tạo CĐ và ĐH thực tế của nhà nước ta.

Tỷ lệ hồ sơ ĐKDT vào khối C năm nay tiếp tục thấp. Có biện pháp gì để tăng cường thí sinh đăng ký vào khối thi này?

- Số lượng thí sinh thi vào khối C ở mức rất khiêm tốn, đây cũng là một thực tế của xã hội. Lượng thí sinh thi vào khối C hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu việc làm. Do đó, muốn tăng số thí sinh thi vào khối C, chúng ta cần quan tâm nhiều đến việc làm đối với các ngành nghề đào tạo khối C.

Trong năm vừa qua và những năm tiếp theo, ngành nghề thi theo khối C sẽ mở rộng, hy vọng sẽ thu hút nhiều thi sinh học khối C hơn. Ví dụ,  trước đây chủ yếu những ngành khoa học cơ bản như Văn, Sử và một số ngành báo chí... thi khối C.

Nhưng trong thời gian vừa qua và sắp tới, một số ngành khác thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn có thể thi khối C; một số ngành liên quan đến đào tạo về an ninh, cảnh sát cũng thi khối C; những ngành như du lịch cũng có một số trường đề nghị đào tạo khối C... Như vậy số lượng học sinh thi vào khối C chắc chắn sẽ tăng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông.
 

Hiếu Nguyễn thực hiện

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...