UBND huyện Quỳ Hợp, Nghệ An cũng đã quyết định điều động, thuyên chuyển công tác đối với giáo viên này đến một trường THCS khác cùng địa bàn. Tại Đắk Lắk, ngành GD cũng đình chỉ dạy 2 tuần với thầy giáo tát học sinh tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột).
Việc vi phạm các quy tắc ứng xử trong trường học, đặc biệt là vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo của người thầy đã gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội những ngày qua. Bản thân người vi phạm cho biết đây là sự việc “vô cùng đáng tiếc” và “đau đớn” trong sự nghiệp 15 năm dạy học của mình.
“Là thầy giáo, giáo dục học sinh, tôi cũng chỉ mong những điều tốt đẹp đến với học sinh. Nếu được làm lại, tôi sẽ có hướng xử lý khôn khéo hơn và rút kinh nghiệm trong tiếp cận học sinh”, giáo viên này nói.
Lời nói ân hận của người thầy bị kỷ luật gợi lên biết bao điều trăn trở về năng lực xử lý tình huống sư phạm của giáo viên. Về nguyên tắc, để giải quyết tình huống trên, giáo viên sẽ dựa trên các cơ sở khoa học, đó là hệ thống kiến thức về đặc điểm tâm sinh lý của trẻ, quy định và quy trình xử lý.
Đặc biệt, giáo viên cần phải có năng lực xử lý tình huống sư phạm cùng hệ thống các kỹ năng khác để nhận diện tình huống, lựa chọn phương án, bình tĩnh, quan tâm, tôn trọng, lắng nghe làm sáng tỏ các nguyên nhân.
Nguyên tắc, quy trình là vậy nhưng qua những vụ việc thầy bạo hành trò xảy ra vừa qua cho thấy, đa số người thầy vi phạm gần như mất kiểm soát trước các tình huống khó. Đối diện với thực tế học trò chây lười, quậy phá, vô lễ…, đặc biệt là những em thường xuyên vi phạm, người thầy có khuynh hướng nôn nóng, sốt ruột, thiếu kiềm chế, nóng nảy, từ đó xuống tay bạo hành.
Dù lí do, hoàn cảnh nào, thì việc sử dụng hành vi bạo lực với trò là không được phép. Bởi các hành động như vậy đều có thể tác động tiêu cực tới tâm lý, sức khỏe và sự phát triển nhân cách của học sinh. Không ít trường hợp, học trò nhận bạo lực từ thầy sẽ mất hứng thú tới trường, thậm chí hình thành những tư tưởng tiêu cực như chống đối, bất mãn, trầm cảm…
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo là cần thiết nhưng quan trọng hơn là đẩy mạnh các biện pháp mang tính ngăn chặn, trong đó đặc biệt là trang bị kỹ năng xử lý tình huống. Ở một số nước trên thế giới, trong quá trình đào tạo sư phạm, thực hành xử lý tình huống luôn được ưu tiên.
Khi tuyển dụng, ngoài việc đáp ứng chuẩn kiến thức, giáo viên phải trải qua một đợt thi trắc nghiệm mức độ chịu đựng tâm lý đủ để kiềm chế và có cách ứng xử khi có xung đột hay mâu thuẫn xảy ra. Trong khi đó, ở các trường sư phạm tại nước ta, những môn nghiệp vụ chiếm tỉ lệ rất ít so với môn kiến thức chuyên ngành, thời lượng lý thuyết nhiều hơn thực hành.
Vì vậy, khi đi vào thực tế, giáo viên lúng túng nếu gặp những tình huống ngoài sách vở. Các đợt tập huấn giáo viên nếu có tổ chức cũng chỉ là nội dung, phương pháp dạy học chứ ít đề cập đến các kỹ năng xử lý tình huống, đặc biệt là biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực.
Song song với việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhà giáo về quyền, nghĩa vụ trong chăm sóc, dạy dỗ học sinh, quan tâm tới đời sống tinh thần, vật chất của thầy cô, đổi mới công tác đào tạo, đào tạo lại nghiệp vụ sư phạm cho người thầy hết sức quan trọng.
Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, trường sư phạm, trường phổ thông - mầm non nên quan tâm, tăng cường các khóa bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống cho giáo viên. Cùng với sự nỗ lực tu dưỡng, rèn luyện bản thân, những khóa học về xử lý tình huống sẽ cho giáo viên môi trường, cơ hội thực hành và thay đổi, để trở thành những người thầy thực sự chuẩn mực.