Xử bầu Kiên: "Đấu khẩu" giữa ACB và Vietinbank

Phiên tòa sáng 29/5, Hội đồng Xét xử dành nhiều thời gian cho ACB và Vietinbank được trình bày quan điểm của mình.

Xử bầu Kiên: "Đấu khẩu" giữa ACB và Vietinbank

ACB không nhận mình là nguyên đơn dân sự

Luật sư Trương Thanh Đức - Đại diện ngân hàng ACB - khẳng định ACB không phải là nguyên đơn dân sự trong vụ án này. Theo luật sư, ACB đã nhiều lần khẳng định, không bị thiệt hại, không yêu cầu các cá nhân bồi thường khoản tiền 617 tỷ đồng.

“ACBS không trực tiếp mua cổ phiếu của ACB mà chỉ là đầu tư với hai công ty ACB và ACB- HN. Hai công ty này mới là người mua” - Luật sư Đức nói.

Luật sư cũng đưa ra quan điểm, ACB không hề bị thiệt hại hơn 600 tỷ đồng như cáo trạng nêu, không yêu cầu các bị cáo đền bù thiệt hại hơn 600 tỷ đồng. Còn đối với khoản tiền 718 tỷ đồng, ACB yêu cầu đối tượng khác đền bù. Đối tượng khác mà ACB nhắc đến là Vietinbank.

Luật sư trình bày: “Đối với khoản tiền 718 tỷ đồng, cáo trạng nêu, Nghị quyết của HĐQT ban hành, gây thiệt hại 718 tỷ đồng là nhận định không đúng pháp luật, bởi ACB không làm trái pháp luật khi Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn. 

Ngoài ra, đối tượng nhận ủy thác đã được quy định trong các văn bản ban hành. Tên văn bản cũng đầy đủ quyền được ủy thác - quy định về ủy thác và nhận ủy thác...”.

Theo quan điểm của luật sư Đức, trách nhiệm đền bù thiệt hại thuộc về Viettinbank khi đã để nhân viên dùng chữ ký giả để rút tiền. Vietinbank phải có trách nhiệm trả ACB tiền vì số tiền mà nhân viên ACB gửi vào Vietinbank đã được trôi vào hệ thống của Vietinbank.

Theo luật sư, không có có sở khẳng định Huyền Như có ý định lừa đảo từ trước. Mọi sai phạm chỉ phát sinh từ sau khi ký hợp đồng, khi tiền đã vào tài khoản của Vietinbank.

Chủ tài khoản chỉ có trách nhiệm tự tổ chức thanh toán số dư trên tài khoản do ngân hàng nơi mở tài khoản gửi đến. Những người gửi tiền có trách nhiệm hạch toán, theo dõi số dư và chỉ phải đối chiếu xem xét khi ngân hàng gửi đến những thông báo tài khoản.

“Điều kiện tối thiểu phải đảm bảo an toàn số tiền gửi của khách hàng. Vietinbank đã phạm lỗi nguy hiểm dẫn đến việc mất tiền của khách hàng. 

Nhân viên Vietinbank sử dụng chữ ký giả để rút tiền là nằm ngoài sự kiểm soát của khách hàng. Có theo dõi tài khoản cũng chỉ phát hiện được sau khi tiền đã bị mất.

Vì sai phạm có tính hệ thống trong thời gian dài nên một loạt nhân viên Vietinbank đã bị đưa ra xét xử. Bởi quản lý như thế nên khách hàng có thể cẩn trọng đến mấy cũng không tránh khỏi rủi ro” - Lời luật sư.

“Lỗi của ACB là cơ hội cho Huyền Như”

Về phía Vietinbank, luật sư Nguyễn Như Thái Dũng cũng trình bày quan điểm như sau: Các luật sư bào chữa cho bị cáo đang cố tách tình tiết vụ án theo hướng rời rạc, làm mất tính khách quan của vụ án.

Luật sư khẳng định: ACB đã bị thiệt 718 tỷ là do lỗi của ACB. ACB đã không tuân thủ quy định của pháp luật trong việc ủy thác cho cá nhân đi gửi tiền. Xuất phát từ việc ACB ra chủ trương cho nhân viên đi gửi tiền vào các ngân hàng, trong đó có Vietinbank đã tạo cơ hội cho Huyền Như chiếm đoạt tiền.

Luật sư nêu Công văn 30 của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, ACB ủy thác nhân viên gửi tiền đó là hành vi làm trái quy định Nhà nước, gây thiệt hại 718 tỷ đồng. 

Cũng chính vì chủ trương này, Huyền Như có cơ hội chiếm đoạt tiền. Và số tiền mà Huyền Như chiếm đoạt của ACB thì Vietinbank chưa thu hồi được.

Luật sư trích các quy định của Vietinbank cho rằng, trách nhiệm chủ tài khoản phải tự hạch toán, theo dõi số dư, chịu trách nhiệm về các sai sót để xảy ra việc lừa đảo...

Cũng theo luật sư Dũng, các nhân viên ACB gửi tiền Vietinbak đã có sai lầm khi không nhận các thẻ tiết kiệm và ACB cũng không yêu cầu nhân viên của mình nhận thẻ tiết kiệm sau khi gửi tiền dù trước đó đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiết kiệm vào ngân hàng khác.

Như vậy, ACB đã chấp nhận rủi ro khi thực hiện không đúng các quy định gửi tiền dành cho khách hàng, phó mặc cho Huyền Như hành động, cũng không có ý kiến khi tiền trong tài khoản bị Huyền Như rút.

Phân tích về trình tự gửi tiền, luật sư cho biết, trình tự này được thực hiện như sau: Sau khi khách hàng gửi tiền sẽ được nhận thẻ tiết kiệm. Đây là chứng từ, bằng chứng xác nhận giao dịch có kỳ hạn, thể hiện việc giao tiền hành công.

Việc nhân viên ACB thực hiện 32 hợp đồng gửi tiền, chứ không nhận sổ tiết kiệm là chưa đúng thủ tục gửi tiền của Vietinbank. Và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đây là lỗi của nhân viên ACB. Luật sư cho rằng, không thể coi 32 hợp đồng gửi tiền là giấy tờ có giá, là hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn.

“Từ lỗi của ACB đã dẫn tới việc Huyền Như có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt” - Luật sư Dũng khẳng định.

Theo luật sư này, nhân viên tên Ngọc của ACB đã báo cáo khoản lãi suất ngoài hợp đồng với lãnh đạo ACB, Vietinbank không hề biết và không có chủ trương đó, điều này chứng tỏ Huyền Như chủ định từ trước trong việc lừa đảo.

Bổ sung ý kiến của luật sư Dũng, luật sư Lê Hồng Nguyên và luật sư Nguyễn Thị Bắc, Đỗ Ngọc Quang chung quan điểm cho rằng lỗi thuộc về ACB khi đã “tạo điều kiện” của Huyền Như lừa đảo.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...