Xóa mù chữ là nhiệm vụ quan trọng và bền bỉ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Công tác xoá mù chữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, được quan tâm và bền bỉ.

Một lớp học xóa mù chữ của tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa/internet.
Một lớp học xóa mù chữ của tỉnh Cao Bằng. Ảnh minh họa/internet.

Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh khi phát biểu tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030”.

Nhiệm vụ cấp thiết

Theo ông Hoàng Đức Minh, công tác xoá mù chữ được triển khai ngay từ những ngày đầu cách mạng Tháng Tám năm 1945, với các phong trào “Bình dân học vụ”, “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ” theo lời dạy của Bác Hồ.

Biết chữ là điều kiện cần và là “cánh cửa” đầu tiên để bước vào lộ trình của học tập suốt đời đối với mỗi một con người. “Công tác xoá mù chữ được đặt ra cấp thiết, không thể thiếu và phải được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí - một tiêu chí để xây dựng xã hội học tập” - ông Hoàng Đức Minh nhấn mạnh.

Cùng với phổ cập giáo dục, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên cho hay, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả xoá mù chữ được Chính phủ quan tâm, đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm.

Công tác xoá mù chữ cho người dân nói chung và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng được Bộ GDĐT chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Bộ GD&ĐT đã ban hành các Thông tư; biên soạn và in ấn tài liệu hướng dẫn thực hiện Chương trình xoá mù chữ dành cho giáo viên, học viên.

Bộ GD&ĐT cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường học và cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng, cán bộ giáo dục các trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc. Đồng thời, tổ chức kiểm tra và ban hành quyết định công nhận các tỉnh, thành phố đạt chuẩn xoá mù chữ theo các mức độ.

Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030”.

Ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) trao đổi tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030”.

Theo báo cáo về thực trạng công tác xoá mù chữ của Vụ Giáo dục Thường xuyên, giai đoạn 2021-2023, cả nước đã huy động được hơn 79.200 người học xoá mù chữ. Riêng 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia đã huy động được gần 54.000 người học xoá mù chữ; trong đó có trên 44.000 học viên là người dân tộc thiểu số.

Tính đến tháng 10/2023, tỷ lệ người đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 và đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (tuổi từ 15-60) của cả nước lần lượt là 98,85% và 97,29%.

Hạn chế tình trạng tái mù chữ

Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo các đơn vị Bộ đội biên phòng chủ động, tích cực phối hợp với ngành Giáo dục mở được nhiều lớp học xoá mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học cho đồng bào các dân tộc; vận động các nguồn lực xây, sửa trường lớp, hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập;

Đồng thời tuyên truyền, vận động các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi đến trường. Nhiều em bỏ học đã quay trở lại trường... Bình quân mỗi năm mở được hơn 30 lớp xoá mù chữ với trên 1.000 học viên.

Ngoài đối tượng học viên học xoá mù chữ tại các cơ sở giáo dục, còn có đối tượng đặc thù là phạm nhân, trại viên, học sinh ở các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an học xoá mù chữ. Bình quân mỗi năm mở được hơn 195 lớp xoá mù chữ với trên 2.900 học viên.

Cả nước có 48/63 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2. Tuy nhiên, chỉ mới có 21 tỉnh được Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2, còn 27 tỉnh đủ tiêu chuẩn, điều kiện đạt chuẩn xoá mù chữ mức độ 2 nhưng chưa đề nghị Bộ GD&ĐT kiểm tra công nhận.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo thống kê, hiện vẫn còn trên 734 nghìn người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 (chiếm 1,15%) và trên 1.731.000 người chưa đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (chiếm 2,71%).

Tỷ lệ huy động người học xoá mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp. Vẫn có địa phương còn người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn xoá mù chữ nhưng không huy động hoặc huy động được rất ít người ra học xoá mù chữ.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác xoá mù chữ ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và hiệu quả…

Thầy giáo hướng dẫn học viên đọc chữ tại lớp xóa mù chữ ở Tà Mung (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: internet.

Thầy giáo hướng dẫn học viên đọc chữ tại lớp xóa mù chữ ở Tà Mung (Than Uyên, Lai Châu). Ảnh: internet.

Theo ông Hoàng Đức Minh, một số giải pháp đã được đặt ra nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ giai đoạn 2023-2030. Trong đó, cần nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xoá mù chữ. Đổi mới công tác quản lý, điều tra, vận động và tổ chức lớp xoá mù chữ. Củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp trong triển khai thực hiện công tác xoá mù chữ. Nâng cao chất lượng dạy - học chương trình xoá mù chữ; bổ sung chế độ, chính sách đối với người học, người dạy, người tham gia công tác xoá mù chữ phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác công tác xoá mù chữ.

Tại Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác xoá mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2023-2030”, nhiều chuyên gia đề xuất về chế độ, chính sách hỗ trợ, động viên người học xoá mù chữ là người dân tộc thiểu số.

Các chuyên gia cũng đề cập đến phương pháp dạy xoá mù chữ theo hướng đặc thù, phù hợp với người dân tộc thiểu số như điều kiện địa lý, phong tục, tập quán… Ngoài ra, cần phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các tổ chức, đoàn thể địa phương trong công tác xoá mù chữ;

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhấn mạnh tới việc cần thiết phải quan tâm đầu tư, phát triển hơn nữa chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách...

Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025; Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” đều có mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ