Ngày 6/12, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết, toàn tỉnh có 7 đơn vị hành chính cấp huyện và 71 đơn vị cấp xã.
“Vừa qua, đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT trực tiếp kiểm tra tại các địa bàn về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC). Qua đó, đã kết luận, tỉnh Đắk Nông đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1”, ông Hải thông tin.
Cụ thể, theo tiêu chí quy định tại Nghị định số 20/2014/NĐ-CP, 100% đơn vị cấp huyện và 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn XMC mức độ 1. Trong đó, số đơn vị cấp huyện đạt mức độ 2 là 7/8, đạt tỉ lệ 87,5%; số đơn vị cấp xã đạt mức độ 2 là 69/71, đạt tỉ lệ 97,18%.
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCGD, XMC.
“Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã quán triệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương tích cực triển khai các nhiệm vụ, đẩy mạnh các giải pháp thiết thực, thực hiện hiệu quả các mục tiêu PCGD, XMC trên địa bàn. Sở GD&ĐT là cơ quan Thường trực đã thực hiện tốt công tác tham mưu về ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ. Đồng thời, phổ biến, quán triệt đầy đủ văn bản của Trung ương, của Bộ GD&ĐT tới 100% địa phương, đơn vị”, kết luận nêu.
Cũng theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, bên cạnh thuận lợi, Đắk Nông cũng gặp không ít khó khăn trong việc nâng chuẩn PCGD, XMC.
Đại diện đoàn kiểm tra kiến nghị, tỉnh Đắk Nông cần tiếp tục tăng cường giải pháp để duy trì vững chắc hơn kết quả xóa mù chữ đã đạt được (về tiêu chuẩn và các điều kiện đảm bảo - PV) đối với các huyện đã đạt chuẩn XMC mức độ 2.
“Đặc biệt, qua kiểm tra thực tế, địa phương cần có các giải pháp cụ thể, hiệu quả để nâng chuẩn XMC ở các xã Quảng Hòa và Quảng Sơn, huyện Đắk Glong lên mức độ 2. Bởi điều này sẽ góp phần để tỉnh Đắk Nông đạt chuẩn XMC mức độ 2”, đại diện đoàn kiểm tra nhấn mạnh.
Nỗ lực xóa mù chữ cho người dân
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, huyện Đắk Glong là địa bàn khó khăn nhất về công tác XMC.
7/7 xã của huyện này thuộc diện đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, giao thông chia cắt, tỷ lệ người mù chữ cũng cao so với mặt bằng chung.
Trong đó, số người mù chữ ở mức độ 1 (chưa hoàn thành lớp 3) là 4.550 người (chiếm tỷ lệ 10%); mù chữ mức độ 2 (chưa hoàn thành lớp 5) là trên 7.100 người.
Trong năm 2022, đồng loạt các xã khác của huyện Đắk Glong đã tiến hành khai giảng 17 lớp học xóa mù chữ. Qua thống kê đã có hơn 580 học viên tham gia.
Đứng lớp là giáo viên tại các trường tiểu học, trung học ở trên địa bàn huyện. Các giáo viên giảng dạy bằng giáo án soạn riêng dành cho các học viên có tuổi đời từ 16-65 tuổi.
Không chỉ riêng huyện Đắk Glong, những năm qua, nhiều địa phương khác tại tỉnh Đắk Nông vẫn duy trì mở các xóa mù chữ cho người dân. Trong đó, ngành GD&ĐT đã linh hoạt các phương pháp dạy học, tổ chức các hoạt động học phù hợp với bài học.
Ghi nhận thực tế, quá trình dạy, thầy cô giáo đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ và xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học. Đặc biệt, nội dung dạy học cũng được gắn với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm, nâng cao hiệu quả các lớp xóa mù chữ được xem là một giải pháp quan trọng góp phần kéo giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ trên địa bàn.
“Thời gian tới, các ngành, địa phương cần tích cực hơn nữa trong việc quản lý địa bàn dân cư, tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng việc biết chữ để chính bản thân họ phát triển giao lưu với cộng đồng xã hội”, ông Hải nói.
Được biết, đến nay các địa phương tại Đắk Nông đang tiếp tục đẩy mạnh xây dựng gia đình hiếu học, cá nhân hiếu học, cộng đồng khuyến học để tham gia tích cực hơn góp phần xây dựng, giảm tải việc mù chữ, tái mù chữ trong xã hội.
Theo thống kê, hiện nay tổng dân số độ tuổi từ 15 đến 60 của tỉnh Đắk Nông là 480.035 người.
Trong đó, số người biết chữ: 467.278, tỉ lệ 97,34%; số người mù chữ: 12.759, tỉ lệ 2,66%; số người mù chữ mức độ 1: 12.759, tỉ lệ 2,66%; số người mù chữ mức độ 2: 23.934, tỉ lệ 4,99%.