Xóa định kiến sinh viên ngành xã hội

GD&TĐ - Từ lâu, SV học các ngành khoa học xã hội luôn được gán nhãn là không biết làm gì để khởi nghiệp. Liệu định kiến này có được xóa bỏ để có các ý tưởng khởi nghiệp hay không. Câu trả lời là “Có”, vì mỗi người có một năng lực đặc biệt, không giống ai. Nếu biết phát huy lợi thế để khởi nghiệp thì các bạn học xã hội sẽ không hề thua kém dân công nghệ hay học kinh tế. 

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV.  Ảnh: T.G
Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV. Ảnh: T.G

Cơ hội luôn rộng mở

Theo thống kê, hơn 75% SV trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội (USSH) sau khi ra trường đều có cơ hội tiếp cận việc làm. Tuy nhiên, việc tiếp cận với môi trường khởi nghiệp là không dễ bởi nhiều SV ngành KHXH thường có cảm giác mông lung về những lĩnh vực mình có thể làm việc và đánh mất nhiều cơ hội.

Vậy làm sao để hiểu và nắm bắt được những cơ hội của SV khối ngành KHXH, đặc biệt là SV mới ra trường? Có cần thiết phải học đúng ngành học không? SV cần những kỹ năng gì để đi xin việc? Đó là câu hỏi của nhiều bạn SV USSH cũng như nhiều bạn SV ngành KHXH trước trào lưu khởi nghiệp hiện nay.

Ông Hoàng Quốc Quyền, cựu SV USSH, hiện giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị ADT Group, khởi đầu là một cử nhân Tâm lý học, chuyển hướng sang vai trò quản lý công ty công nghệ, hơn ai hết, ông Quyền thấu hiểu những lợi thế và thách thức mà SV ngành xã hội gặp phải trên con đường lập thân lập nghiệp. Theo đó, SV nhóm ngành KHXH có cơ hội việc làm rộng mở, không chỉ gói gọn trong việc nghiên cứu hay hoạt động xã hội.

Điểm mấu chốt để SV thành công chính là không ngừng học hỏi, học từ những điều nhỏ nhất, chẳng hạn như học những thứ đính kèm khi gửi mail, những kỹ năng giao tiếp, cư xử hàng ngày. Hơn nữa, SV cần có đủ thái độ, kỹ năng, kiến thức để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp hay không; đặc biệt là khả năng nhận thức và làm chủ bản thân, chấp nhận và đứng lại sau thất bại của mình đến đâu.

Ông Quyền nhấn mạnh: SV bất kỳ ngành nào cũng có khởi đầu và những cơ hội, thách thức giống nhau trong vấn đề lập thân, lập nghiệp. SV ngành xã hội lại càng dễ sống trong thời đại 4.0, khi mà máy móc không thể thay thế con người trong việc nhận định lịch sử, phân tích tâm lý... Điều quan trọng, các bạn phải biết được nhà tuyển dụng cần gì và mình có những gì nổi trội để trau dồi, rèn luyện thêm. Đặc biệt, tiếng Anh là kỹ năng vô cùng quan trọng để tiếp cận thông tin, tìm tòi khám phá và nắm bắt cơ hội.

Trường ĐH KHXH&NV là nơi chuyên đào tạo những ngành như văn học, ngôn ngữ, báo chí, triết học, tâm lí học... SV USSH ra trường với kiến thức vững vàng về chuyên ngành mình đã học cộng với kiến thức và kỹ năng, tâm hồn và tình cảm phong phú thì chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát huy thế mạnh của riêng mình. Các doanh nghiệp đều rất cần những nhân viên có những kiến thức, kỹ năng như vậy.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa 

Mạnh dạn vun đúc ý tưởng

Ông Quyền nhấn mạnh: Khi khởi nghiệp, không quan trọng là bạn xuất phát từ đâu mà bạn phải đi đến đâu. Việc không ngừng học hỏi là điều vô cùng quan trọng. Đừng bao giờ so sánh mình với người khác vì khi đó, chúng ta sẽ mất đi sự tự tin của chính mình. Điều quan trọng tạo nên thành công là tư duy, sáng tạo, nhận thức đổi mới để đón lấy những cơ hội từ cuộc sống.

Vấn đề nan giải của khởi nghiệp không phải về vốn, về khả năng kinh doanh hay năng lực lãnh đạo mà chính là việc mạnh dạn, dũng cảm, tự tin tạo dựng giá trị riêng cho bản thân và việc xây dựng, vun đắp cho ý tưởng, kế hoạch của bạn. Vấn đề về vốn, bạn có thể tìm cách xoay sở được. Những kỹ năng kinh doanh hay lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp, bạn hoàn toàn có thể học được khi bắt tay vào khởi nghiệp.

Điều mà SV thiếu ở bản thân chính là quên lập trình cho bản thân, thiếu sự dẫn dắt, hiểu, vận dụng tối đa những giá trị của bản thân. Do đó, dẫn đến SV thiếu kỹ năng thực hành xã hội, thiếu sự tự tin ở bản thân, thiếu sự chủ động cần thiết.

Đúng là trong các dự án khởi nghiệp thành công trong thời gian qua chủ yếu đến từ các bạn SV học kinh tế, CNTT và các bạn học xã hội được gán nhãn là không biết làm gì. Khi đã theo ngành xã hội thì mặc nhiên sẽ được gán nhãn như vậy. Nhưng liệu các bạn học xã hội có thể xóa bỏ được định kiến đấy để có các ý tưởng khởi nghiệp?

Câu trả lời là “Có”, vì mỗi người có một năng lực đặc biệt, không giống ai. Nếu biến được những lợi thế đó để khởi nghiệp thì các bạn học xã hội sẽ không hề thua kém các bạn học công nghệ hay học kinh tế.

Ví dụ như SV Lịch sử có thể dùng các kiến thức đã học để làm một trang You tube chuyên đề Lịch sử, thu hút người xem và có thể kiếm được tiền quảng cáo từ trang này. Hay có thể biến những kiến thức lịch sử thành bộ truyện tranh hấp dẫn không kém truyện Doraemon…

Còn SV Văn học có thể dùng kiến thức của mình để tạo những video văn học hấp dẫn, cuốn hút người xem, có thể dùng công nghệ vào trong ngành học của mình như công nghệ thực tế ảo, mô phỏng 3D để dẫn dắt các câu chuyện văn học. Còn SV báo chí có thể khởi nghiệp bằng các dịch vụ làm content, marketing, làm PR cho các doanh nghiệp… Đó là những lợi thế của SV xã hội mà các bạn SV khác không thể có được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ