Xét xử vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang: Lấp liếm, thoái thác trách nhiệm?

GD&TĐ - Sau 4 ngày xét xử vụ gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang cho thấy, những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng nguyên là cán bộ công chức, đảng viên, hoặc đang đương nhiệm có dấu hiệu lấp liếm, thoái thác.

Các bị cáo nghe luận tội trước tòa
Các bị cáo nghe luận tội trước tòa

Sự thật có được làm rõ?

Trong số hàng trăm thí sinh được các bị cáo Vũ Trọng Lương - cựu Phó Trưởng phòng Khảo thí, Nguyễn Thanh Hoài - cựu Trưởng phòng Khảo thí - Sở GD&ĐT Hà Giang nâng sửa điểm có danh sách 13 thí sinh được bị cáo Triệu Thị Chính - cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đưa cho.

Lời khai của bị cáo Hoài tại tòa khẳng định, có hàng chục thí sinh trong danh sách trên được bị cáo Chính nhờ anh ta nâng điểm. Nhưng đứng trước HĐXX, bị cáo Triệu Thị Chính liên tục phủ nhận. Nữ bị cáo này thừa nhận có cung cấp danh sách 13 thí sinh, nhưng chỉ nhờ Hoài “xem điểm” chứ không phải là “nâng điểm”.

Ông Vũ Văn Sử - nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang (hiện nghỉ hưu) cũng biện minh rằng, chỉ nói với Triệu Thị Chính là nhờ “xem điểm” chứ không nhờ “nâng điểm”.

Ngày 17/10, HĐXX TAND tỉnh Hà Giang đã công bố lời khai của những người liên quan, trong đó có nhiều người là người thân của cán bộ, quan chức, công chức, đảng viên đang công tác tại các cơ quan của tỉnh Hà Giang. Qua đó cho thấy, lời khai của những người này có phần lẩn tránh, rũ bỏ trách nhiệm là chỉ… nhờ “xem điểm”, chứ không nhờ “nâng điểm”.

Đơn cử như ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang là bác của thí sinh Lê Ngọc Ngân khai rằng, trước khi kỳ thi diễn ra có nhờ Nguyễn Thanh Hoài “xem điểm” cho cháu, nhưng kết quả lại được nâng điểm.

Bà Triệu Thị Giang - Phó Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở KH&ĐT Hà Giang) là em gái ông Triệu Tài Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang (hiện là Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương), là cô ruột thí sinh Triệu Ngọc Mai (con gái ông Vinh) khai không hề nhờ bị cáo Hoài nâng điểm cho bất cứ ai. “Duy nhất một lần có nói về mấy đứa cháu để giúp thôi, không nói rõ gì thêm” - lời khai của bà Giang được HĐXX công bố.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường THPT dân tộc Nội trú huyện Quản Bạ, có con được bị cáo Hoài nâng điểm, cho rằng: “Không rõ nguyên nhân vì sao được anh Hoài nâng điểm”. Nhưng đối chất với bà Bình, bị cáo Hoài khẳng định được bà này nhờ nâng điểm cho con trong cuộc gặp tại nhà hàng. Tại đây, Hoài được bà Bình cung cấp thông tin thí sinh để nâng điểm. Nhân chứng Nguyễn Thị Kim Tuyến công tác tại Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cũng phủ nhận việc nhờ nâng điểm cho con. Tuy nhiên, Hoài khẳng định bà Tuyến có lên phòng làm việc của Hoài để nhờ...

Dư luận xung quanh phiên tòa cho rằng, các nhân chứng liên quan, trong đó nhiều người là cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan Nhà nước tại Hà Giang thoái thác trách nhiệm, “phủi” sạch trơn vai trò của họ khi khẳng định chỉ nhờ Nguyễn Thanh Hoài “xem điểm”. “Xem điểm” và “nâng điểm” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và sự thật trong vụ án này có lẽ không đi được đến tận cùng.

Và bài học đau xót...

Ngày 1/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang công bố kết quả kiểm tra, xem xét xử lý đối với cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm tại Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang. Theo đó, xác định có 151 trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm. Trong đó, có ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Tỉnh Hà Giang đã xem xét, xử lý đối với 137 trường hợp, các trường hợp khác nằm ngoài Đảng bộ tỉnh Hà Giang quản lý.

Trong số 137 trường hợp bị xử lý có 46 cán bộ, đảng viên bị xử lý ở mức kỷ luật, trong đó khai trừ 3 trường hợp, cảnh cáo 1 trường hợp, khiển trách 42 trường hợp; 29 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật, yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm; 57 cán bộ, đảng viên đang tiếp tục kiểm tra, xem xét xử lý. 4 trường hợp tạm dừng chưa xem xét, xử lý (2 người chờ kết quả xét xử của tòa án; 2 người đang mắc bệnh hiểm nghèo).

Đối với cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm, nhưng chưa có đủ cơ sở kết luận có tác động, can thiệp, nhờ giúp đỡ thì yêu cầu rút kinh nghiệm trước chi bộ và tổ chức đảng.

“Chiều 17/10, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang tại tòa đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hoài  từ 8 - 9 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vũ Trọng Lương mức án từ 7 - 8 năm tù. Các bị cáo Triệu Thị Chính bị đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi theo quy định tại  Điều 358 BLHS 2015; Bị cáo Phạm Văn Khuông bị đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi theo quy định tại Điều 366 BLHS 2015; Bị cáo Lê Thị Dung bị đề nghị xử phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi theo quy định tại Điều 366 BLHS 2015”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ