(GD&TĐ) - Hội thảo về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) khu vực các tỉnh phía Nam do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay 19/8 tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tham dự Hội thảo gồm có đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường Đại học trong khu vực. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý chủ trì Hội thảo.
Thứ trưởng Trần Quang Quý phát biểu kết luận hội thảo |
Hội thảo xây dựng tiêu chuẩn, quy trình thủ tục và hồ sơ xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT được tổ chức nhằm tổng hợp ý kiến để hoàn chỉnh thông tư mới thay thế thông tư số 22/2008/TT-BGDĐT. Theo dự thảo của thông tư mới tại hội thảo lần này, đối tượng áp dụng bao gồm giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục, nhà giáo trong các học viện, trường, trung tâm giáo dục của các cơ quan nhà nước; cán bộ làm công tác quản lý giáo dục; các nhà giáo đã nghỉ hưu không quá 2 năm tính từ thời hạn cuối nộp hồ sơ tại hội đồng cấp cơ sở.
Tiêu chuẩn chung đối với danh hiệu NGND là những cá nhân tuyệt đối trung thành với tổ quốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NGƯT từ 6 năm trở lên tính đến năm đề nghị và đạt thành tích chiến sĩ thi đua toàn quốc, anh hùng lao động, huân chương lao động, huân chương bảo về tổ quốc, các giải thưởng cấp nhà nước… góp phần xây dựng đơn vị trở thành tập thể lao động xuất sắc, đồng thời có thời gian nuôi dạy, giảng dạy từ 20 năm trở lên, có tài năng sư phạm xuất sắc. Đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 trở lên trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy.
Tiêu chuẩn đối với danh hiệu NGƯT phải là những cá nhân trung thành với tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, tận tụy với nghề, thực sự là tấm gương sáng cho người học và đồng nghiệp noi theo; được người học, đồng nghiệp và nhân dân kính trọng… NGƯT là người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, có nhiều đóng góp, xây dựng trường học trở thành tập thể lao động xuất sắc; có ít nhất 7 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở trong đó có ít nhất 1 năm được công nhận danh hiêu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, cấp bộ hoặc được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen trong 3 năm liên tục kề năm đề nghị xét tặng. NGƯT là giáo viên, giảng viên phải có thời gian trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy 15 năm trở lên.
Riêng đối với cán bộ quản lý giáo dục thì phải đảm bảo thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có đủ 10 năm trực tiếp nuôi dạy, giảng dạy… Dự thảo cũng quy định rõ tiêu chuẩn cụ thể về tài năng sư phạm xuất sắc đối với NGND, NGƯT là giáo viên, giảng viên, nhà giáo công tác trong các cơ sở giáo dục; cán bộ làm công tác quản lý giáo dục; những quy định chung đối với hội đồng xét tặng danh hiệu NGND, NGƯT; quy trình xét tặng danh hiệu ở hội đồng cơ sở, hồ sơ để nghị xét tặng danh hiệu...
Qua buổi hội thảo, sau khi thông qua bản Dự thảo về thông tư mới, về cơ bản, các đại biểu tham gia đều nhất trí với Dự thảo thông tư. Tuy nhiên, một số vấn đề được phần đông các đại biểu quan tâm thảo luận là tiêu chí xét danh hiệu NGND, NGƯT quá cao nhất là đối với bậc đại học và cao đẳng. Giảng viên trường đại học và trường cao đẳng nên xét theo những tiêu chí riêng. Thời gian xét danh hiệu cho cán bộ quản lý và giáo viên phải ngang bằng nhau. Danh hiệu NGND không nên áp dụng tiêu chuẩn thời gian sau khi được nhận danh hiệu NGƯT. Cần xây dựng chế độ đãi ngộ tốt hơn cho NGND, NGƯT…
Kết thúc buổi hội thảo Thứ trưởng Trần Quang Quý nhấn mạnh: Vấn đề tôn vinh danh hiệu NGND, NGƯT được Nhà nước xem trọng. Do vậy, việc xét tặng danh hiệu nhà giáo phải được minh bạch theo đúng quy định. Danh hiệu NGND, NGƯT là đặc biệt xuất sắc cho nên cần thông qua các tiêu chuẩn để bầu chọn. Chúng tôi đề nghị những sáng kiến kinh nghiệm phải được thông qua hội đồng ngành, đề tài nghiên cứu khoa học phải do cấp trường xem xét. Riêng NGND là danh hiệu rất cao quý, phải có sức lan tỏa trong toàn ngành nên cần phải có thời gian 6 năm sau khi nhận danh hiệu NGƯT mới xem xét để phong tặng. Dự Thảo thông tư mới này, Bộ sẽ cố gắng hoàn chỉnh trong năm này. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu trong hội thảo hôm này Bộ sẽ tiếp thu nhằm hoàn chỉnh thông tư mới để được tốt hơn.
Tiến Thành